TP.Thái Nguyên: Người dân trồng chè thu nhập tiền tỷ mỗi năm

Hàng năm, sau tết cổ truyền, người dân nơi thủ phủ chè Thái tất bật, chuẩn bị cho Lễ hội hương sắc trà xuân với nhiều hoạt động ý nghĩa, thu hút nhiều du khách thập phương đến với Tân Cương. Về với Thái Nguyên,chúng ta còn được cảm nhận nhiều hơn về cách làm giàu từ cây chè mang lại thu nhập tiền tỷ trên năm của người dân nơi đây mới thấy rõ được sự đổi thay của phong trào nông thôn mới.

Những đại gia chân đất

Trước đây nhắc đến người nông dân, hình ảnh đầu tiên hiện lên trong mỗi chúng ta đó là sự cần mẫn, chăm chỉ, lam lũ, vất vả và nghèo khó. Thế nhưng đến với những người nông dân hiền hòa mảnh đất thủ phủ của cây chè mới cảm nhận hết sự đổi thay trong suy nghĩ ấy.

Người nông dân ở xứ này lái ô tô, xây nhà lầu, giao dịch thương mại với các bạn trong nước và thế giới. Ví như bà Bà Đỗ Thị Hiệp – Chủ nhiệm HTX chè Tân Hương là một trong những nông dân tiêu biểu, quần xắn móng lợn, leo đồi, bắt tay vào với niềm đam mê cây chè với hơn 40 hội viên trên diện tích hơn 22ha chè theo tiêu chuẩn UTZ. Chè sạch Tân Hương cũng là một trong 69 địa chỉ được xác nhận là “Địa chỉ Xanh- Nông sản Sạch”. Với việc áp dụng tiêu chuẩn quốc tế UTZ Certified (thực hành nông nghiệp tốt), chè Tân Hương (xã Phúc Xuân, TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) mang thương hiệu quốc tế, xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới…tại các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hà Lan, Canada,…. Trung bình thu nhập các hội viên đạt gần 368 triệu/năm/ha. Nhiều gia đình có diện tích cao trên 5ha thu nhập sẽ nhân lên con số tiền tỷ/năm là điều dễ nhận thấy ở xứ này.
Về Tân Cương nơi được xem là đệ nhất chè của Thái Nguyên, đây được xem là địa danh còn lưu giữ nhiều giống chè quý, đặc sản truyền thống bao đời để lại.

Ông Lê Quang Nghìn xóm Hồng Thái 2- Tân Cương bên cây chè cổ và cơ ngơi của gia đình

Chúng tôi có dịp ghé thăm nhà ông Lê Quang Nghìn, xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương, gia đình ông có 8000 m2 toàn bộ diện tích chè đều được chăm bón theo quy trình VietGap. Ngoài trồng và chế biến chè, gia đình tôi còn tham gia làm du lịch cộng đồng, đón khách đến trải nghiệm, tham quan vườn chè, từ đầu năm đến nay, gia đình tôi đã đón và phục vụ khoảng 900 lượt khách trong và ngoài nước. Nếu tính xơ xơ tổng thu nhập trong năm gia đình tôi cũng thu về ngót 2 tỷ đồng. Nhiều năm làm ăn thắng lợi, mà gia đình tôi xây nhà cửa khang trang, sắm đầy đủ tiện nghi trong nhà, mua được cả ô tô.\

Đến Hồng Thái, không thể bỏ qua đồi chè gia đình ông Trần Văn Thắng. Ở xứ này, bà con hay gọi anh là “đại gia chân đất”. Gia đình anh có 9000m2 đất trồng chè được đầu tư, công phu, bài bản. Bên cạnh đó, còn có khu nhà xưởng chế biến chè khá rộng rãi và khang trang với đầy đủ các thiết bị và máy móc bảo quản hiện đại. Anh Thắng cũng chia sẻ, đấy cũng là nhờ một phần lớn hỗ trợ của các chương trình nông thôn mới, dự án thúc đẩy phát triển, làm giàu từ cây chè. Cách giải thích mộc mạc, chân thành của anh càng khiến cho chúng tôi có nhiều thiện cảm hơn khi biết anh vốn là một chủ doanh nghiệp chè năng động, nhanh nhẹn, linh hoạt. Nói điều này bởi tôi rất bất ngờ khi trao đổi với chúng tôi anh rất rành về máy tính, công nghệ với các cụm từ như: ship hàng, oder hàng trên mạng, bán hàng online, mở rộng các đại lý bán hàng online

Anh Thắng cho biết: gia đình tôi chủ yếu trồng và chế biến chè cao cấp như: Chè móc câu, chè nõn, chè đinh. Riêng năm 2017 gia đình anh đạt doanh thu từ chè khoảng 2 tỷ đồng. Cũng nhờ chè mà gia đình anh Thắng cũng đã “tậu” được chiếc xe ô tô hiệu Tucson hơn 1 tỷ đồng.

Nếu tính người nông dân tại địa phương làm doanh nghiệp thì gia đình chị Đào Thị Hảo, xóm Nam Tân là doanh nghiệp lớn có tiếng trong xã. Ngoài trồng 3 ha chè của gia đình, gia đình chị còn thu mua chè sạch trong vùng về gia công, chế biến chè. Chị đầu tư 2 khu sản xuất, đóng gói chè rộng khoảng hơn 2000 m2, với máy móc chế biến, đóng gói và bảo quản chè hiện đại. Thị trường chè của HTX chè Hảo Đạt có mặt trong cả nước, số lượng chè cho mỗi đợt chuyển đi với số lượng lớn. Để phục vụ cho việc kinh doanh chè gia đình chị đã mua 3 chiếc xe ô tô để chuyên chở chè đi giao. Thu nhập hàng năm của HTX phải tính đến tiền chục tỷ thế nhưng người phụ nữ ấy lại rất đỗi giản dị, mộc mạc. Năm 2017 vừa qua cũng là năm chị nhận được nhiều vinh danh của các cấp.
Tết về với hương sắc trà xuân

Nhắc đến Thái Nguyên người ta nghĩ ngay đến chè, người Việt chúng ta trong mỗi dịp tết đến xuân về đều có ấm chè mời nhau giữa tiết trời mưa lạnh. Và ngày đầu xuân, khi đi lễ chùa, khởi tâm sắm lễ đầu tiên người Việt đều không quên ấm chè dâng niệm kính chư phật. Ấm chè với những hương thơm phảng phất, ấm nồng, đắng mà ngọt mãi nơi cổ họng luôn níu chân kẻ sĩ.

Người Trung Hoa tự hào có các vùng chè nổi tiếng ở Hồ Nam, Hồ Bắc, Chiết Giang... người Việt có vùng chè Yên Bái, Phú Thọ, Lâm Đồng,… nhưng ngon hơn hết là chè Thái Nguyên không thế mà dân gian vẫn lưu truyền câu cửa miệng “chè Thái, gái Tuyên”. Chè Thái Nguyên có hương vị đậm đà của rừng núi, có vị chát của nắng và vị ngọt hậu của tình xứ Thái.

Lễ hội “Hương sắc Trà Xuân” vùng chè đặc sản Tân Cương đã được tổ chức hàng năm vào ngày 11/1 âm lịch

Và nhắc đến “Chè Thái”, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến sản phẩm trà ở vùng đất Tân Cương - vùng đất được mệnh danh là “Đệ nhất danh trà”. Nhằm tôn vinh cây chè và nghề trồng chè truyền thống, các sản phẩm Trà Thái Nguyên, Lễ hội “Hương sắc Trà Xuân” vùng chè đặc sản Tân Cương đã được tổ chức hàng năm vào ngày 11/1 âm lịch. Lễ hội đã diễn ra tại không gian văn hóa trà thuộc địa bàn xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên với nhiều hoạt động phong phú, thu hút du khách trong và ngoài tỉnh.

Trong chiến lược phát triển và hoàn thiện chương trình xây dựng nông thôn mới, cây chè được xem là thế mạnh trong sự phát triển nông nghiệp của Thành phố Thái Nguyên nói riêng và tỉnh Thái Nguyên nói chung. Tiêu chí thu nhập trong chương trình được các cấp lãnh đạo đánh giá là tiêu chí quan trọng quyết định đến thành công của nông thôn mới. Vì vậy trong những năm qua, nắm bắt được nguyện vọng, nhu cầu thị trường, UBND Thành phố Thái Nguyên đã có nhiều chính sách kích thích sự tự tin của nông dân làm giàu trên chính mảnh đất của mình mang lại sự no ấm, giàu sang, nơi mà nông dân có thể tiếp cận với công nghệ cao, giao lưu với nhiều bạn hàng trong nước và thế giới. Nơi mà người nông dân thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn mà vẫn có thể xây được nhà lầu, lái xe hơi.

Ngọc Liên

Nguồn TBDN: http://tbdn.com.vn//tpthai-nguyen-nguoi-dan-trong-che-thu-nhap-tien-ty-moi-nam_n35572.html