TP Sầm Sơn chủ động triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Phía Bắc giáp sông Mã, phía Đông có tới 15 km bờ biển nên TP Sầm Sơn thường chịu ảnh hưởng không nhỏ mỗi khi có bão đổ bộ. Là địa phương có lượng tàu thuyền khai thác xa bờ lớn nhất nhì trong tỉnh, lại phát triển nhiều dịch vụ du lịch ven biển nên công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) của TP Sầm Sơn càng có ý nghĩa quan trọng.

Phao cứu sinh và các loại vật tư dự trữ phòng chống thiên tai tại phường Quảng Tiến.

Trong năm 2019, thiên tai đã gây thiệt hại nặng, khiến 120m bờ biển khu phố Thanh Minh, phường Quảng Vinh bị trôi và sụt với khoảng 1.200m3 cát. Hàng kè bê tông chắn cát gần Hubway số 6 và 7 trên bãi biển bị sụt, nghiêng, gãy; một số tài sản, vật dụng của Nhân dân bị hư hỏng; môi trường bãi biển sau thiên tai ô nhiễm nặng gây ảnh hưởng đến phát triển du lịch.

Để hạn chế những thiệt hại do thiên tai gây ra, trong khi mùa mưa bão năm 2020 đang vào những tháng cao điểm, UBND TP Sầm Sơn đã chủ động triển khai nhiều giải pháp phòng tránh. Từ đầu tháng 6–2020 khi bắt đầu vào mùa mưa bão, UBND TP Sầm Sơn đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN với 28 thành viên tham gia. Các thành viên là lãnh đạo thành phố, trưởng các ban, ngành, đoàn thể liên quan được giao từng nhiệm vụ cụ thể phù hợp với chức năng, nhiệm vụ chuyên môn. 12 phương án cụ thể về hộ đê, di dân, tìm kiếm tàu thuyền... đã được xây dựng và triển khai nhằm chủ động trong mọi tình huống bất trắc. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố đã ra văn bản, giao nhiệm vụ và đôn đốc 11 phường, xã trên địa bàn thành lập 11 đội xung kích PCTT, mỗi đội từ 65 đến 70 thành viên. Đồng thời, tổ chức nhiều hội nghị tập huấn cho lực lượng hộ đê, lực lượng TKCN trên biển, lực lượng xung kích PCTT với hơn 100 lượt người tham gia.

Các loại vật tư dự trữ cho công tác PCTT & TKCN cũng được UBND thành phố giao các phường, xã trên địa bàn chuẩn bị. Tính đến nay, toàn thành phố đã chuẩn bị được 600m3 đất, 100m3 đá hộc, 1.200 cọc tre, 370 rọ tre và thép, 2.200 bao tải, 500m2 vải bạt... Cùng với đó, địa phương đã có phương án huy động hơn 200 phương tiện ô tô, máy ủi, máy xúc, tàu thuyền... để tham gia công tác PCTT&TKCN khi có tình huống nguy hiểm xảy ra. 15 nhà bạt, gần 1.000 phao áo cứu sinh, gần 900 phao tròn, 14 máy phát điện chuyên dụng... đã được chuẩn bị, sẵn sàng chờ điều động. Công tác hậu cần trong PCTT&TKCN cũng được UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị, các địa phương lập phương án triển khai. Công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức và kiến thức chủ động trong PCTT&TKCN được tăng cường qua hệ thống loa truyền thanh và lồng ghép qua nhiều hội nghị đến tận cấp xã, thôn và khu phố.

Gần đây nhất, vào ngày 2–8-2020, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp triều cường làm nước biển dâng cao, sóng lớn, đã gây sạt lở khoảng 450m bờ biển khu phố Hồng Thắng, phường Quảng Cư với biên bộ xâm thực khoảng 6m. Cùng với đó, bờ biển thuộc khu phố Thanh Minh, phường Quảng Vinh cũng bị sạt lở 25m chạy dài với biên độ xâm thực khoảng 4m. UBND thành phố đã huy động lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” xử lý ngay các vị trí xói, lở, không để tình trạng sạt lở lấn sâu vào khu vực sinh sống của các hộ dân trong khu vực. Sự chủ động về lực lượng và vật tư, máy móc đã giúp TP Sầm Sơn khắc phục nhanh các thiệt hại nói trên.

Do đặc thù có nghề khai thác hải sản trên biển phát triển nên công tác cứu hộ, TKCN tàu thuyền được TP Sầm Sơn đặc biệt quan tâm. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN đã giao Đồn Biên phòng Sầm Sơn xây dựng Phương án 111/PA-ĐSS ngày 15–3-2020 để triển khai nhiệm vụ và các giải pháp TKCN trên biển. Theo đó, ngoài sử dụng tàu tuần tra BP 05-06-02 và ca nô cao tốc BP 05-10-15 của Đồn Biên phòng Sầm Sơn, hàng chục tàu cá công suất lớn của các phường Quảng Tiến và Quảng Cư sẽ tham gia TKCN khi được điều động. Được biết, trên địa bàn thành phố có 1.865 phương tiện, với 6.433 lao động thường xuyên khai thác trên biển. Khi có tình huống cần cứu trợ, các phương tiện sẽ liên lạc với Đài Thông tin duyên hải đặt trên núi Trường Lệ tại tần số 9339KHZ (ban ngày) và 6973 KHZ (ban đêm).

Ngoài ra, UBND TP Sầm Sơn còn chủ động xây dựng nhiều phương án liên quan, như: di dân vùng ven sông, ven biển; bảo vệ đê kè Quảng Cư, Quảng Tiến; sơ cứu y tế khi có thiên tai; dự phòng lương thực, thực phẩm trong thiên tai...

Linh Trường

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/tp-sam-son-chu-dong-trien-khai-cong-tac-phong-chong-thien-tai-va-tim-kiem-cuu-nan/124978.htm