TP. Huế: 'Nhà di sản' được cho thuê làm nơi tập gym

Một ngôi 'Nhà di sản' nhằm phát huy những giá trị truyền thống của Huế lại được chính quyền cho tư nhân thuê để xây dựng trung tâm thể thao. Điều này khiến dư luận xôn xao bàn tán...

Ngôi nhà được nhắc đến hiện nằm ở số 117 (số 73 cũ) đường Lê Thánh Tôn (phường Thuận Lộc, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế). Đây là một trong những ngôi nhà đẹp có nhiều giá trị khi phối hợp hài hòa giữa lối kiến trúc nhà rường Việt và kiến trúc Pháp đầu thế kỷ 20.

Công trình đồ sộ 2 tầng bằng kim loại nằm trước mặt “Nhà di sản”

Theo tìm hiểu của PV, vào khoảng năm 1996, ngôi nhà đã được các chuyên gia vùng Nord Pas de Calais và Cộng đồng đô thị Lille (Pháp) chọn giúp đỡ, đầu tư số tiền gần 50.000 euro để trùng tu, cải tạo lại và đặt tên là “Nhà di sản”.

Chủ nhân trước đây của ngôi nhà là ông Trương Như Cương (1850- 1926, là một danh thần nhà Nguyễn) về sau để lại cho con trai là Trương Như Đính (1892-1970, Thượng thư Bộ Kinh tế cuối triều Nguyễn).

Về sau, ngôi nhà được bán lại cho UBND phường Thuận Lộc. Hiện ngôi nhà trở thành địa chỉ văn hóa của Huế, là điểm đến tham quan của nhiều du khách và là công trình tiêu biểu thể hiện sự nỗ lực trong việc trùng tu, phục hồi những ngôi nhà cổ tại Huế...

Tuy nhiên gần đây, phần khoảng sân trước “Nhà di sản” 117 Lê Thánh Tôn đang được UBND phường Thuận Lộc cho một đơn vị tư nhân thuê lại để xây dựng công trình khác. Sự việc khiến nhiều người không khỏi bất bình.

Ghi nhận của phóng viên Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường tại hiện trường, hiện tại toàn bộ phần sân của ngôi “Nhà di sản” rộng tầm 400m2 đang được thi công xây dựng một cách náo nhiệt, với 2 tầng bằng kim loại “án ngữ” trước căn nhà giá trị. Phía trước công trình còn treo một tấm băng rôn với dòng chữ “công trình thể thao phường Thuận Lộc” kèm theo những hình ảnh tập thể hình khá hở hang, phản cảm.

Việc thi công vẫn diễn ra bình thường

Ở phía bên trong ngôi nhà, đơn vị thi công đã chất đầy đồ dùng, hàng hóa như thùng carton, áo phao... và “biến” không gian ngôi nhà rường này không khác gì một nhà kho; mặc dù xung quanh vẫn được treo rất nhiều cờ và bằng khen. Người dân địa phương cho hay, công trình do một tư nhân thuê lại phường Thuận Lộc để làm phòng tập gym và đã được thi công khoảng 2 tháng nay.

Một công nhân đang làm việc nói với PV: “Do vật liệu mang đến chậm, không thôi bây giờ cũng đã sắp xong công trình rồi...”.

Sự việc trên cũng đã khiến nhiều người không đồng tình bởi việc thi công như trên sẽ làm phá vỡ đi cấu trúc toàn vẹn và những giá trị văn hóa vốn có của “Nhà di sản”.

Bà Phan Thị Cúc- Chủ tịch UBND phường Thuận Lộc cho rằng, ngôi nhà kể trên là tài sản của phường nên hiện tại phường đang cho một tư nhân thuê làm trung tâm thể dục thể thao theo hình thức xã hội hóa. Ngôi nhà chỉ cho thuê phần sân còn phần ngôi nhà cổ thì hoàn toàn giữ nguyên.

Theo bà Cúc, ngôi nhà này được phường mua lại từ một gia đình họ Trương vào năm 1988 và có giấy tờ rõ ràng, không phải là nhà di sản...

Nội dung trong giấy mua bán có đoạn: “Ông cha của chúng tôi là Trương Như Đính (đã mất) có để lại một nhà vườn tại 73 Lê Thánh Tôn, Thành Nội Huế. Nay vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, ba chị em chúng tôi là Trương Thị Bích Cầu, Trương Thị Cẩm Nhung, Trương Thị Huỳnh Cầm - con gái của bà Cao Thị Diệm là vợ chánh thất của cụ Trương Như Đính. Bà Cao Thị Diệm đã qua đời, ba chị em chúng tôi đồng ý ký tên thị thực sau đây thuận bán căn nhà vườn số 73 đường Lê Thánh Tôn, thành nội Huế cho khu phố Thuận Lộc để lấy tiền làm ăn sinh sống...”.

Năm 2000, UBND TP. Huế đặt vấn đề mượn ngôi nhà để cho Trung tâm hợp tác quốc tế đặt văn phòng để làm văn phòng nghiên cứu tour du lịch mô hình nhà rường Huế. Đến năm 2006, vì nơi làm việc không có nên UBND phường lấy lại để bố trí cho Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh.

“Bảng “Nhà di sản” là do trước đây bên Trung tâm hợp tác quốc tế họ gắn vào để thu hút các nơi về tham quan mô hình của họ làm bảo tồn các nhà rường của Huế, vì thế đã gây ra hiểu nhầm. Việc cho thuê này UBND phường đã làm văn bản gửi lên UBND TP. Huế và đã được đồng ý rồi...”, bà Cúc nói.

Nhiều ý kiến cho rằng sự việc sẽ phá vỡ đi cấu trúc toàn vẹn và những giá trị văn hóa vốn có của ngôi nhà...

Trao đổi với PV Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường, ông Nguyễn Văn Thành- Chủ tịch UBND TP. Huế cho hay sau khi nhận được thông tin thì ông đã đến ngôi nhà ngay.

“Chắc chắn ngôi nhà này không nằm trong danh mục di sản. Nhưng nếu có một công trình nào thật sự đẹp, có giá trị lịch sử và văn hóa thì có thể đưa vào danh mục bảo tồn được. Chúng tôi sẽ xem lại nguồn gốc, tìm hiểu kỹ rồi thông báo sau...”, ông Thành thông tin.

Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục tìm hiểu...

Bài, ảnh: Văn Dinh

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/suc-khoe-doi-song/201711/tp-hue-nha-di-san-duoc-cho-thue-lam-noi-tap-gym-2860128/