TP Hội An có tình trạng tự do trao đổi ngoại tệ?

Mới đây, vụ việc ông Nguyễn Cà Rê (thợ điện) bị xử phạt 90 triệu đồng khi đi đổi 100 USD sang tiền Việt Nam đồng ở một tiệm vàng tại Cần Thơ đã gây xôn xao dư luận.

Không khó bắt gặp việc mua bán, trao đổi hàng hóa bằng ngoại tệ tại TP Hội An.

Không khó bắt gặp việc mua bán, trao đổi hàng hóa bằng ngoại tệ tại TP Hội An.

Mới đây, vụ việc ông Nguyễn Cà Rê (thợ điện) bị xử phạt 90 triệu đồng khi đi đổi 100 USD sang tiền Việt Nam đồng ở một tiệm vàng tại Cần Thơ đã gây xôn xao dư luận. Ông Rê bị phạt vì có hành vi vi phạm hành chính trong việc mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ được qui định tại Điểm a Khoản 3 Điều 24 Nghị định số 96/2014/NĐ-CP. Mặc dù sau đó xem xét hoàn cảnh và mức độ vi phạm của ông Rê, UBND tỉnh TP Cần Thơ đã quyết định miễn tiền phạt đối với ông Rê. Tuy nhiên qua vụ việc này đã đặt ra mối quan ngại từ việc thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ không đúng quy định pháp luật. Tại tỉnh Quảng Nam, nhất là tại TP Hội An, nơi có rất đông người nước ngoài đến du lịch, sinh sống thì nguy cơ vi phạm qui định này càng cao. Theo các luật sư, pháp luật hiện hành quy định, chỉ có các ngân hàng mới được cấp phép mua, bán, trao đổi, giao dịch ngoại tệ. Một số ít tiệm vàng được phép làm đại lý đổi ngoại tệ theo ủy quyền của ngân hàng nhưng cũng chỉ được mua vào ngoại tệ, không được bán ra. Ngoài ra, mọi giao dịch ngoại tệ với các tổ chức khác là trái luật.

Nhiều lần đến TP Hội An, chúng ghi nhận việc mua bán, trao đổi bằng ngoại tệ diễn ra rất công khai, thường xuyên. Một tiểu thương chợ Hội An cho biết: "Khách du lịch sang đây không rành tiền Việt hoặc hết tiền Việt nên khi họ mua hàng, chúng tôi cũng nhận tiền USD, đồng nhân dân tệ rồi đi đổi lại ở các tiệm vàng. Thật tình tôi chưa biết như vậy là trái pháp luật". Qua tìm hiểu, nhiều người bán hàng tại Hội An rất thích nhận tiền ngoại tệ bởi họ có thể kiếm thêm phần chênh lệch khi đổi sang tiền Việt. Ông Trần Quang Hổ - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho biết, theo Pháp lệnh ngoại hối thì trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán được thực hiện bằng ngoại hối phải tuân thủ qui định. "UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác liên ngành trong đó Ngân hàng nhà nước làm tổ trưởng và mời thêm các sở ban ngành như Sở Công Thương, Sở KHCN và thường xuyên tổ chức kiểm tra kiểm soát hằng năm. Hiện nay, tất cả những hoạt động mua bán, trao đổi ngoại tệ chỉ được thực hiện tại những đơn vị được Nhà nước cho phép, còn ở các cơ sở làm đại lý cho ngân hàng thì phải có bảng niêm yết giá ngoại tệ bên ngoài, bàn trao đổi ngoại tệ phải tách biệt với khu buôn bán giao dịch khác và chỉ được hợp đồng duy nhất với một tổ chức tín dụng. Quảng Nam hiện có 23/27 tổ chức tín dụng được cấp phép thu đổi ngoại tệ đã ký hợp đồng với các doanh nghiệp trên địa bàn lập nên 22 đại lý thu đổi ngoại tệ. Lưu ý là chỉ đổi thôi chứ không được bán ngược lại. Đây là những điểm đổi ngoại tệ hợp pháp nên người dân có thể đến trao đổi. Những đại lý này sẽ cung cấp dịch vụ cho khách hàng nếu như thứ 7, chủ nhật ngân hàng nghỉ làm việc", ông Hổ cho biết. Ông Hổ cũng thông tin thêm, mặc dù đã có những qui định cụ thể tuy nhiên vẫn không hiếm những trường hợp "lách luật". Đơn cử như những trung tâm du lịch tập trung đông du khách nước ngoài như TP Hội An thì việc vi phạm rất khó kiểm soát. "Nguyên tắc là khi khách nước ngoài ra đến sân bay, cửa khẩu thì phải đổi ra tiền Việt để trao đổi, mua bán. Tại Hội An, du khách cũng có thể đổi tiền ở các khách sạn từ 3 sao trở lên. Tuy nhiên ở Hội An không hiếm những điểm bán đồ lưu niệm đề biển giá bằng tiền USD. Điều này là do người dân tranh thủ trục lợi thôi chứ sai qui định vì bắt buộc cơ sở kinh doanh phải niêm yết bằng giá tiền Việt". Ông Nguyễn Văn Sơn- Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, nhu cầu trao đổi ngoại tệ để tiện giao dịch, thanh toán ở Hội An rất lớn. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng trên địa bàn lại nghỉ hoạt động vào chiều thứ bảy và chủ nhật, trong khi đó hệ thống đại lý của ngân hàng lại quá thiếu nên vô hình trung hình thành thị trường ngoại tệ tự do. Để giảm thiểu khoảng cách từ luật đến đời sống cần phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đồng thời cần tuyên truyền cho người dân nâng cao sự hiểu biết quy định pháp luật về mua bán ngoại tệ để tránh những trường hợp vi phạm đáng tiếc.

ĐỒNG DAO

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_197915_tp-hoi-an-co-tinh-trang-tu-do-trao-doi-ngoai-te-.aspx