TP. Hồ Chí Minh: Vươn tầm thế giới

Nhu cầu có, điều kiện cần có và cả… ước mơ cũng có, TP. Hồ Chí Minh có những tiềm năng nhất định để phát triển thành một trung tâm tài chính lớn mạnh tầm cỡ quốc tế và khu vực.

Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế TP. Hồ Chí Minh 2019 với chủ đề “Phát triển TP. Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế” mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, Thành phố đã là trung tâm kinh tế tài chính lớn nhất cả nước, nhưng muốn vươn ra khu vực và thế giới thì cần nhiều sự hợp sức và chính sách hỗ trợ từ các Bộ, ngành. Đề án chính thức dự kiến được TP. Hồ Chí Minh trình Chính phủ vào quý II/2020, trùng với thời điểm tổng kết và phê duyệt nghị quyết về cơ chế đặc thù cho Thành phố.

Hoàn thành giấc mơ dang dở

TS. Trần Du Lịch - thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết, chủ trương xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành một trung tâm tài chính đã có gần 20 năm trước, với đề án đầu tiên của Thành phố về phát triển thị trường tài chính trên địa bàn đến năm 2010, tầm nhìn 2020. Nhưng tới nay, Thành phố vẫn chưa làm được.

Liệu TP. Hồ Chí Minh còn đóng vai trò đầu tàu trong phát triển thị trường tài chính cả nước, khẳng định vị thế quốc tế trong dài hạn hay không?

Ở trong nước, qua các thống kê đáng chú ý, 52% các doanh nghiệp tập trung ở TP. Hồ Chí Minh, 62 tỉnh, thành còn lại chỉ có 48%; năm 2018, có 93% giá trị vốn hóa và 87,6% giá trị giao dịch là ở Sở giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh; trong 5 năm gần đây, số các công bố nghiên cứu quốc tế của giới nghiên cứu Việt Nam tăng khá nhanh, riêng TP. Hồ Chí Minh chiếm 40%.

Nằm ở vị trí trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP. Hồ Chí Minh đóng vai trò như cửa ngõ phát triển, liên kết kinh tế giữa miền Đông Nam Bộ, miền Tây Nam Bộ và Tây Nguyên. Đây là một vùng kinh tế quan trọng với vùng nguyên liệu nông nghiệp, cây công nghiệp tập trung quy mô lớn nhất cả nước; có nguồn tài nguyên giá trị kinh tế cao, đặc biệt là dầu khí, tạo điều kiện cho vùng có khả năng phát triển chuyên môn hóa cao, đồng bộ, có sức cạnh tranh trong điều kiện hội nhập.

Ở tầm khu vực, theo đánh giá của TS. Trần Du Lịch, TP. Hồ Chí Minh là cửa ngõ, nơi từ đây có đường bay chỉ mất khoảng 1-2 giờ để đến các trung tâm tài chính, thủ đô của các nước ASEAN. Không có lý do gì TP. Hồ Chí Minh không phải là trung tâm đặt văn phòng của các tập đoàn quốc tế, nếu có một hệ sinh thái ở đó. Nhưng “mưu sự tại nhân”, để TP. Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính của cả nước, khu vực và thế giới đòi hỏi giải pháp tổng thể từ Trung ương đến địa phương

Về vai trò địa phương, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phân tích, trong mức tăng trưởng 6-8%/năm của đất nước ba thập niên qua, TP. Hồ Chí Minh giữ vững vai trò là đô thị đặc biệt, có tốc độ phát triển kinh tế cao hơn mức trung bình cả nước, có nhiều tiềm năng để trở thành trung tâm tài chính.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, TP. Hồ Chí Minh đang có nhiều điều kiện sẵn sàng để phát triển và trở thành trung tâm tài chính của khu vực và thế giới.

Với vị trí trung tâm của vùng động lực phía Nam, Thành phố đang có nhu cầu lớn về phát triển kinh tế - tài chính, nhằm phục vụ vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đồng thời phục vụ yêu cầu giao thương với nước ngoài.

Thành phố đã quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm thành trung tâm tài chính nằm trong khu đô thị sáng tạo hiện đại, bên cạnh đó là các khu công nghệ mới, trung tâm đào tạo nhân lực, khu công nghệ cao... “TP. Hồ Chí Minh cũng đang bàn các cơ chế khuyến khích đổi mới trong lĩnh vực tài chính, đổi mới sáng tạo, xây dựng thành phố thông minh...”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết.

Vấn đề thể chế

Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, TP. Hồ Chí Minh đang sở hữu cơ hội "có một không hai" thành trung tâm tài chính khu vực và thế giới. Trong đó, diễn biến bất lợi về chính trị đang làm lung lay vị trí của những trung tâm tài chính lớn của thế giới như Hong Kong, London. Trong khi đó, xu hướng hiện nay của các nhà đầu tư quốc tế là tìm kiếm cơ hội tại các trung tâm tài chính mới để hưởng nhiều ưu đãi.

Bên cạnh đó, Thành phố còn sở hữu nhiều lợi thế khác như vị trí chiến lược khi nằm giữa hai khu vực kinh tế sôi động là Đông Nam Á và Đông Bắc Á, múi giờ không trùng với 21 trung tâm tài chính lớn nhất thế giới, sân bay Long Thành dự kiến triển khai và Tân Sơn Nhất được mở rộng, thị trường chứng khoán sôi động với nhiều sản phẩm mới....

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, yếu tố thành công của đề án trở thành trung tâm tài chính quốc tế là vấn đề thể chế. TP. Hồ Chí Minh cần được hưởng những cơ chế đặc thù, vượt trội hoàn toàn so với các địa phương khác và có thể cạnh tranh được các trung tâm tài chính trong khu vực.

Quan điểm này cũng giống với phần lớn các chuyên gia có mặt tại Diễn đàn. Theo đó, những điều kiện về kinh tế hay vị trí là chưa đủ, mà quan trọng nhất là một cơ chế thực sự đặc biệt mới có thể đưa một đô thị phát triển trở thành một trung tâm tài chính đúng nghĩa. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, để xây dựng thành công trung tâm tài chính thế giới, phải xác định rõ, đó là mô hình trung tâm tài chính nào, khu vực hay toàn cầu.

Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Đại học Fulbright Việt Nam, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhiều năm qua ở mức cao, nhưng TP. Hồ Chí Minh vẫn có xuất phát điểm thấp trong “cuộc đua” với các thành phố khác trên thế giới, đứng thứ 55 về thu hút thương mại và 128 về quy mô kinh tế. Thành phố đóng góp phần quan trọng trong nền kinh tế, nhưng với tỉ lệ ngân sách được giữ lại hiện chỉ còn 18% tổng thu ngân sách trên địa bàn, sẽ rất khó để TP. Hồ Chí Minh có thể tạo ra những thay đổi căn bản về hạ tầng.

Ngoài ra, TS. Vũ Thành Tự Anh cũng nêu các vấn đề như, chính sách thuế và phí đều ở tầm quốc gia và chưa tạo điều kiện cho sự phát triển năng động của thị trường tài chính. Đồng nội tệ cũng chưa có khả năng chuyển đổi và tài khoản vốn chưa được tự do hóa...

Từ những lý do đó, TP. Hồ Chí Minh chỉ có thể thực hiện được khát vọng trở thành trung tâm tài chính nếu có sự ủng hộ và hậu thuẫn tối đa của Chính phủ, “đó phải là chính sách quốc gia”. Và nếu không có những quyết sách lớn, cộng với quyết tâm thực hiện của Thành phố, sẽ khó trả lời chính xác bao giờ “giấc mơ” thành hiện thực.

TS. Vũ Thành tự Anh nhấn mạnh, “thời gian để thực hiện là do chúng ta quyết định chứ không thuần túy phụ thuộc vào những điều kiện khách quan”. Ông hoàn toàn tin tưởng, nếu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế như những năm qua, TP. Hồ Chí Minh có thể bằng hoặc vượt Trung tâm tài chính Đài Bắc, Trung Hoa trong vòng 15-20 năm.

Chu Văn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tp-ho-chi-minh-vuon-tam-the-gioi-103261.html