TP Hồ Chí Minh: Vì sao Tòa chậm xử vụ Việt kiều kiện hàng xóm làm hư hại nhà cửa?

Báo PLVN đã nhiều lần phản ánh vụ việc nhà của ông Huỳnh Cường (Việt kiều Na Uy, ngụ số 2/5 ấp Vạn Hạnh, xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn, TP.HCM) bị hư hại khi người hàng xóm xây dựng. Vụ việc đã được TAND TP.HCM thụ lý từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa đưa ra xét xử.

Ông Huỳnh Cường chỉ một số vết cắt lưới B40 bị hư hại trên sân thượng.

Ông Huỳnh Cường chỉ một số vết cắt lưới B40 bị hư hại trên sân thượng.

Theo đơn của ông Huỳnh Cường, năm 2014, hàng xóm của ông Cường là ông Nguyễn Xuân Thanh tháo dỡ để xây mới, có làm ảnh hưởng tới vách tường, hàng rào B40 của ông Huỳnh Cường. Cơ quan chức năng xã Trung Chánh cũng đã vào cuộc và ông Huỳnh Cường được đền bù 26 triệu đồng.

Tuy nhiên, sau khi hồ sơ kiểm định lần 1 về việc bị hư hại khi nhà hàng xóm dỡ nhà đã được đền bù thì tiếp sau đó, ông Huỳnh Cường lại tiếp tục khiếu nại vì nhà ông bị đục móng, nứt tường, nhà bị thấm dột… từ việc xây dựng nhà cửa của nhà liền kề.

Đơn của ông Cường đã được TAND TP.HCM thụ lý ngày 25/11/2015 về vụ “Tranh chấp bồi thường thiệt hại do xây dựng” nhưng đến nay vẫn chưa được đưa ra xét xử.

Theo tìm hiểu, ông Cường, vụ án chưa được giải quyết do hồ sơ kiểm định còn thiếu sót nhiều điểm về mặt cấu trúc nhà, dù đã được cung cấp hình ảnh và video. Ông Cường cũng thắc mắc nhưng công ty kiểm định cho rằng đã làm đúng quy trình kiểm định.

Trao đổi về việc, Luật sư Lương Thành Đạt (Giám đốc Công ty Luật Ltd Kingdom) cho biết: Điều 179, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) quy định về Thời hạn chuẩn bị xét xử như sau: “Đối với các vụ án quy định tại Điều 25 và Điều 27 của Bộ luật này, thời hạn là bốn tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án; Đối với các vụ án quy định tại Điều 29 và Điều 31 của Bộ luật này, thời hạn là hai tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án. Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không quá hai tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm a và một tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

Trong thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 1 Điều này, tùy từng trường hợp, Tòa án ra một trong các quyết định sau đây:

a) Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự; b) Tạm đình chỉ giải quyết vụ án; c) Đình chỉ giải quyết vụ án; d) Đưa vụ án ra xét xử. 3. Trong thời hạn một tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trong trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là hai tháng”.

Tuy nhiên, đã quá thời hạn theo quy định nhưng hiện vẫn chưa có bất cứ một quyết định nào như trên. Đây là một thiếu sót lớn của Tòa.

Bên cạnh đó, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp cũng phải có trách nhiệm giám sát việc thực hiện đúng các quy định của pháp luật của TAND cùng cấp.

Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định về vụ việc: Tòa thụ lý vụ án từ năm 2015 nhưng đến nay chưa xét xử có thể do đã tạm đình chỉ giải quyết. Do đó ông Huỳnh Cường có thể liên hệ với tòa để xem tiến trình giải quyết xem có lỗi khâu tống đạt giấy tờ của tòa hay không.

Còn trường hợp tòa không giải quyết vụ án hoặc tạm đình chỉ không đúng pháp luật thì ông Huỳnh Cường có thể đề nghị thay đổi thẩm phán, khiếu nại để bảo vệ quyền lợi của mình.

Phạm Văn

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ho-so/tp-ho-chi-minh-vi-sao-toa-cham-xu-vu-viet-kieu-kien-hang-xom-lam-hu-hai-nha-cua-464364.html