TP Hồ Chí Minh vẫn chưa có chiến lược phát triển ngành xuất bản

Tình trạng vi phạm tác quyền diễn ra thường xuyên ở các tỉnh, ngành xuất bản sách chưa có chiến lược phát triển dài hạn, xu hướng xuất bản sách đang phát triển gắn với công nghệ nhưng vẫn chưa có sự thay đổi… là những nhận xét của đại biểu khi nói về sự phát triển của ngành xuất bản của TP Hồ Chí Minh hiện nay.

Theo ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, trong xu thế hội nhập thế giới ngày càng sâu rộng, lĩnh vực xuất bản sách hiện nay cần có những bước chuẩn bị với những chiến lược phát triển dài hạn nếu không muốn bị thua trên sân nhà. Ông Nhựt cảnh báo: “Ngày trước các nhà xuất bản trong nước thường mua tác quyền từ nhà xuất bản nước ngoài và tự phát hành, nhưng gần đây, những nhà xuất bản nước ngoài đang từ đối tác sẽ trở thành “đối thủ” rất nặng ký nếu hội nhập họ được tự xuất bản sách tại Việt Nam. Khi đó, ngành xuất bản sẽ phải cạnh tranh quyết liệt với các đối thủ có tiềm lực kinh tế và chuyên môn cao, lúc đó các nhà xuất bản trong nước sẽ thua thiệt ngay trên “sân nhà”.

Ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, cho rằng TP Hồ Chí Minh cần có chiến lược phát triển ngành xuất bản dài hạn, phù hợp với xu thế.

Tương tự, ông Phạm Minh Thuận, Tổng Giám đốc Công ty phát hành sách Fahasa, cho biết thị trường sách đang bị ảnh hưởng rất lớn từ công nghệ. “Chẳng hạn trước kia, muốn kí được tác quyền với tác giả, các nhà xuất bản phải đến các hội chợ sách quốc tế nhưng ngày nay chỉ cần ngồi nhà và kết nối công nghệ là có thể làm được việc này nên các nhà xuất bản cần phải thay đổi. Hiện nay, sách là sự kết hợp sách giấy và sách điện tử, đây cũng là xu thế của thế giới và muốn làm sách này người làm sách phải có năng lực và chuyên môn, tuy nhiên các nhà xuất bản Việt Nam vẫn ít có điều kiện như vậy”, ông Thuận nói.

Theo ông Thuận, Sở Thông tin truyền thông cần đặt vấn đề với UBND TP Hồ Chí Minh để sớm có chiến lược phát triển dài hạn cho ngành này, vì nếu không chuẩn bị ngay từ bây giờ thì không theo kịp thế giới, cụ thể là sau năm 2020 sẽ gặp khó khăn khi phát hành sách, bởi khi đó sẽ bước vào thời kì hội nhập sâu rộng.

Trong khi đó, ông Nhựt cho rằng, cần sớm nghiên cứu về đề án chiến lược phát triển ngành xuất bản sách với những mục tiêu, định hướng cụ thể trong thời gian 5 - 10 năm, để các nhà xuất bản trong nước có kế hoạch xây dựng, phát triển phù hợp. Đặc biệt, cần nghiên cứu kỹ nội dung sách thiếu nhi, để nuôi dưỡng tâm hồn các em theo văn hóa Việt chứ không phải theo văn hóa từ các tác phẩm nước ngoài.

Ngành xuất bản TP Hồ Chí Minh có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.

Nói về vi phạm tác quyền hiện nay, ông Thuận cho hay, tình trạng vi phạm tác quyền ít xảy ra ở thành phố nhưng lại xảy ra thường xuyên ở một số tỉnh, thành, chủ yếu là sách ngoại ngữ, sách nước ngoài. Để ngăn chặn tình trạng này, các đơn vị xuất bản, phát hành thành phố rất cần sự đồng hành của Sở Thông tin truyền thông TP Hồ Chí Minh cùng với Sở Thông tin truyền thông các tỉnh, thành để can thiệp và xử phạt kịp thời.

Ông Võ Văn Long, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh, cho biết Sở sẽ ghi nhận các ý kiến, đề xuất của các đơn vị và sẽ có tham mưu, đề xuất lên lãnh đạo thành phố. Thực tế, nhiều năm qua, đơn vị còn nợ ngành xuất bản, phát hành thành phố một chiến lược phát triển ngành xuất bản, do đó sắp tới đơn vị sẽ tham mưa cho thành phố để xây dựng chiến lược phát triển ngành này.

Tính đến nay, các nhà xuất bản đã hoàn thành nhiệm vụ chính trị, xuất bản, làm phong phú đời sống văn hóa đọc tại thành phố. Theo đó, chỉ ba nhà xuất bản là Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Văn hóa - nghệ thuật, Nhà xuất bản Tổng hợp đã thực hiện xuất bản hơn 5,9 triệu bản sách với 2.233 tựa; 4 nhà xuất bản của các trường đại học cũng xuất bản hơn 1.000 tựa sách…

Hoàng Tuyết/Báo Tin Tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/van-hoa/tp-ho-chi-minh-van-chua-co-chien-luoc-phat-trien-nganh-xuat-ban-20171026155712592.htm