TP Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long liên kết phát triển sản phẩm du lịch

Nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch liên vùng, phát huy tiềm năng của các địa phương để thu hút khách du lịch, TPHCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng cường đẩy mạnh liên kết phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng.

Chợ nổi Cái Răng - Cần Thơ, một sản phẩm du lịch đặc trưng của ĐBSCL. Ảnh: T.D

Chợ nổi Cái Răng - Cần Thơ, một sản phẩm du lịch đặc trưng của ĐBSCL. Ảnh: T.D

Phát huy vai trò cầu nối liên kết

Thông tin tại Diễn đàn Kết nối du lịch TPHCM- ĐBSCL lần 1 năm 2019 vào ngày 4/9 tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Sài Gòn (quận 7), Sở Du lịch TPHCM cho biết, năm 2018, du lịch TPHCM và vùng ĐBSCL có sự tăng trưởng mạnh mẽ với 10,9 triệu lượt khách quốc tế và 66,3 triệu lượt khách du lịch nội địa. Riêng khu vực ĐBSCL đã thu hút được 40,7 triệu lượt khách trong đó có 37,3 triệu lượt khách du lịch nội địa và 3,4 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Tổng doanh thu du lịch của vùng đạt 24.000 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2017.

Toàn vùng ĐBSCL hiện có 42 điểm du lịch tiêu biểu, 12 điểm du lịch đang xây dựng, khoảng 53.000 khách sạn, trong đó có 15% khách sạn 3 sao trở lên, đặc biệt lực lượng lao động trong vùng đạt 77.000. Có thể nói đây là những con số khá ấn tượng, thể hiện sự nỗ lực và thay đổi từng ngày diện mạo ngành du lịch của TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL. Tuy nhiên, mức tăng trưởng vẫn còn có sự chênh lệch giữa các địa phương. Và nếu tính chung dân số của 14 địa phương khoảng 27,5 triệu người thì bình quân một năm mỗi người dân trong vùng chỉ đón khoảng 2,8 lượt khách, trong đó chỉ có 0,39 lượt khách quốc tế. Con số vẫn còn rất khiêm tốn so với tiềm năng của cả vùng.

Thời gian qua, qua ngành du lịch thành phố đã ký kết hợp tác liên kết phát triển du lịch song phương, đa phương với nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Đặc biệt với vùng Tây Nam Bộ đã hình thành nên các liên kết vùng như: TPHCM với tiểu vùng Đồng Tháp Mười (Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp); TPHCM với cụm phía Đông ĐBSCL; TPHCM với cụm phía Tây ĐBSCL… với các nội dung hợp tác chủ yếu trên các lĩnh vực như hợp tác trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước về du lịch; Hợp tác xúc tiến, quảng bá du lịch; Hợp tác phát triển sản phẩm du lịch; Hợp tác bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực du lịch; Hợp tác xúc tiến kêu gọi đầu tư về du lịch.

Vì vậy, theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM trên nền tảng đã có sự hợp tác, kết nối với một số địa phương riêng lẻ trước đó, thông qua việc tổ chức diễn đàn lần này, TPHCM sẽ là cầu nối liên kết, hợp tác với các địa phương trong từng vùng trọng điểm, xác định cụ thể đặc thù, đặc trưng của từng địa phương để xây dựng các nội dung phối hợp cụ thể. Các sản phẩm du lịch liên kết dựa vào tiềm năng, tài nguyên du lịch và các điều kiện liên quan của từng tỉnh, thành phố nhằm tạo ra sức hút cho từng tỉnh, thành. Từ đó khắc phục những hạn chế, đồng thời thúc đẩy liên kết du lịch giữa TPHCM với 13 tỉnh, thành ĐBSCL theo hướng bền vững.

Tháo điểm nghẽn kết nối

Việc kết nối giữa ĐBSCL và TPHCM đem lại lợi ích cho cả TPHCM và khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, việc liên kết giữa TPHCM và các tỉnh còn lỏng lẻo, còn thiếu đồng bộ, các sản phẩm du lịch còn trùng lắp do đó du khách khi nhớ về miền Tây chỉ còn nhớ 1 điểm miền Tây chứ không còn nghĩ có 13 tỉnh thành khác nhau, bà Cao Xuân Thu Vân, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, cụm trưởng cụm phía Tây ĐBSCL băn khoăn.

Mặt khác, theo bà Cao Xuân Thu Vân, hiện ĐBSCL có 4 sân bay nhưng chỉ có sân bay Phú Quốc khai thác tốt, có nhiều đường bay trong nước và quốc tế nhưng lại ở đảo nên kết nối chưa thuận tiện, trong khi 3 sân bay còn lại ở Cần Thơ, Cà Mau, Rạch Giá chưa phát triển như tiềm năng. Hạ tầng giao thông kết nối TPHCM và 13 tỉnh ĐBSCL cũng không phát triển. Từ TPHCM đi các tỉnh miền Tây chỉ có 40 km cao tốc TPHCM – Trung Lương còn lại chủ yếu đi theo tuyến quốc lộ 1A đã xuống cấp, nhỏ hẹp, khó khăn nên du khách rất ngại di chuyển giữa các tỉnh. Đặc biệt, các địa phương còn thiếu nguồn nhân lực phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng nên khó xây dựng, duy trì các sản phẩm du lịch mới, đặc trưng của từng tỉnh…

Vì vậy, muốn phát triển sản phẩm du lịch giữa TPHCM và các tỉnh ĐBSCL cần phát triển hạ tầng giao thông thuận tiện cả về hàng không, đường bộ lẫn đường thủy. Ngoài ra, TPHCM cần hỗ trợ các tỉnh ĐBSCL trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch liên kết theo tour tuyến khép kín từ TPHCM đi đến các tỉnh miền Tây, các tỉnh ĐBSCL cần giữ gìn và phát triển sản phẩm đặc trưng để TPHCM có sản phẩm chào mời du khách.

Dưới góc nhìn của các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, du lịch, ông Nguyễn Đông Hòa, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), miền Tây có sự thu hút rất lớn đối với du khách quốc tế và trong nước. Cụ thể, đối với các khách quốc tế đã vào cửa khẩu TPHCM, có ít nhất khoảng 70% người được hỏi trả lời muốn đi xuống khu vực ĐBSCL. Hiện nay, nhiều du khách vẫn nhớ miền Tây có Cần Thơ có du lịch sông nước, đặc biệt chợ nổi; về An Giang có du lịch tâm linh; Kiên Giang có sản phẩm du lịch biển đảo, về Cà Mau có du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với rừng; về Bạc Liêu có du lịch điện gió hay du lịch đặc sản tôm để giữ chân du khách.

Theo đó, để thúc đẩy phát triển du lịch TPHCM- ĐBSCL cần kết nối hiệu quả từ thị trường cung cấp nguồn khách chính là TPHCM, các địa phương cần tiếp tục xây dựng chính sách phát triển, liên kết theo hướng đa dạng hóa nhằm tạo sản phẩm đặc trưng riêng cho từng điểm đến. Các địa phương cần đổi mới, xây dựng sản phẩm du lịch mới có chất lượng và liên kết với nhau để sản phẩm du lịch miền Tây không trùng lắp, chồng chéo...

Thu Dịu

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/tp-ho-chi-minh-va-dong-bang-song-cuu-long-lien-ket-phat-trien-san-pham-du-lich-111043.html