TP.Hồ Chí Minh: Ưu tiên thu hút chuyên gia khoa học, công nghệ

Nhằm tiếp tục đầu tư phát triển các khu công nghệ cao, khu kinh tế, khu công nghiệp và đẩy mạnh các ngành dịch vụ giá trị gia tăng mang tính cạnh tranh quốc tế của thành phố từ nay đến năm 2022 và các năm tiếp theo, UBND TP.HCM vừa phê duyệt đề án thu hút và phát triển chuyên gia, nhà khoa học mà thành phố có nhu cầu trong giai đoạn 2018-2022.

Lãnh đạo Thành ủy TP.HCM gặp gỡ, trao đổi với trí thức, nhà khoa học tiêu biểu. Ảnh: L.H.

Nhiều chính sách đãi ngộ

Theo đề án, ngay khi được tuyển chọn và ký hợp đồng, TP.HCM sẽ trợ cấp ban đầu 100 triệu đồng/người đối với chuyên gia, nhà khoa học là GS, PGS hoặc 80 triệu đồng/người đối với các trường hợp còn lại. Hàng tháng, các chuyên gia, nhà khoa học được nhận lương với hệ số theo bảng lương chuyên gia cao cấp (theo Nghị định 204/2004 về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang). Cụ thể, chuyên gia, nhà khoa học là GS, PGS được hưởng bậc 2 (hệ số 9,40). Những trường hợp còn lại được hưởng bậc 1 (hệ số 8,80). Chuyên gia thực hiện tốt nghĩa vụ, có thành tích xuất sắc và nhiều cống hiến, được tiếp tục ký hợp đồng sẽ hưởng mức lương cao hơn 1 bậc so với mức lương của hợp đồng đầu tiên.

Bên cạnh đó, các chuyên gia, nhà khoa học sẽ được hưởng phụ cấp 1% tổng kinh phí ngân sách thành phố chi trả cho mỗi công trình, đề tài nghiên cứu khoa học, giải pháp, sáng kiến, đề xuất chính sách, đổi mới kỹ thuật, công nghệ được công nhận. Tổng mức hỗ trợ từ 50 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/người/công trình nghiên cứu. Chuyên gia, nhà khoa học còn được phân chia lợi nhuận từ kết quả thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu; được bố trí nhà ở công vụ hoặc hỗ trợ tối đa 50% kinh phí thuê nhà ở (mức hỗ trợ tối đa 7 triệu đồng/tháng).

UBND TP.HCM khẳng định, không giới hạn về quốc tịch nhưng chuyên gia, nhà khoa học phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn ở từng vị trí cụ thể. TP.HCM sẽ công bố kế hoạch tuyển chọn và lập tổ tư vấn để nghe các chuyên gia, nhà khoa học thuyết minh phương hướng, kế hoạch thực hiện dự án, công trình của mình. Trên cơ sở đó, sẽ quyết định, lựa chọn những người phù hợp nhất.

Theo đề án, nguồn nhân lực chất lượng cao này sẽ bổ sung vào các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND TP.HCM. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ, chuyên gia được tuyển chọn sẽ đảm nhiệm việc nghiên cứu, thiết kế, sáng tạo về khoa học, công nghệ; thực hiện, phát triển các chương trình, kế hoạch đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; giáo dục, đào tạo; bồi dưỡng, huấn luyện nâng cao năng lực tổ chức; tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội… nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Tạo môi trường thuận lợi “giữ chân” nhân tài

Thời gian qua, để kịp thời giải quyết tình trạng “khát nhân lực” ở các đơn vị khoa học trọng điểm, TP.HCM từng áp dụng một số chính sách đặc thù thu hút chuyên gia khoa học công nghệ làm việc tại Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Viện Khoa học công nghệ tính toán và Trung tâm Công nghệ sinh học. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, cơ chế, chính sách đãi ngộ mà thành phố đang áp dụng dù cao hơn so với mặt bằng chung nhưng chưa đủ sức hấp dẫn. Có lẽ vì vậy mà trong 4 năm (2014 đến 2017) kể từ khi áp dụng chính sách, thành phố chỉ thu hút được 15 chuyên gia (trong đó có 5 chuyên gia người nước ngoài, 8 người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài). Song, hiện nay chỉ còn 10 người đang tiếp tục công tác.

GS, TS. Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật TP.HCM cho rằng: "Chúng ta trải thảm, nhưng dưới thảm không chừng có đinh. Thủ tục của mình là những đinh lớn. Một chuyên gia, nhà khoa học ngước ngoài đọc đề án này xong người ta cũng ngại. Trong khi mình nói là thu hút nhân tài, mà bắt họ "phải" nhiều quá rồi mới được tuyển chọn".

PGS, TS. Nguyễn Đức Lộc, ĐH Thủ Dầu Một cho rằng vấn đề quan trọng nhất trong thu hút các chuyên gia đầu ngành là việc họ sẽ thu hút được cả một mạng lưới các chuyên gia xung quanh họ. Nếu không được tổ chức thành một mạng lưới, thì sau một thời gian họ sẽ thấy cô đơn, không kết nối được. Ngoài ra, TP.HCM cần xây dựng một hệ sinh thái làm việc hài hòa hơn để thu hút các chuyên gia.

Đồng quan điểm, PGS, TS.Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM nhấn mạnh, tài chính cũng cần nhưng người làm khoa học cần nhất là môi trường làm việc. Vì vậy, bên cạnh chế độ đãi ngộ xứng đáng, thành phố cần tạo một cơ chế và môi trường làm việc thuận lợi để các nhà khoa học được tự do sáng tạo, tự do cống hiến.

Do đó, các chuyên gia kỳ vọng với chính sách vừa ban hành, TP.HCM sẽ khắc phục những bất cập và tạo được sự đột phá trong thu hút, phát huy nhân tài.

Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, thị trường lao động thành phố phát triển ổn định với yêu cầu tăng cường nhanh nguồn nhân lực có trình độ cao, có kiến thức kỹ năng về khoa học, công nghệ, quản lý, sản xuất, kinh doanh, cùng với sự phát triển của thành phố về lĩnh vực công nghệ và khoa học kỹ thuật,... là một lợi thế được các doanh nghiệp chú trọng tuyển dụng. Dự kiến trong giai đoạn 2018-2025, trung bình mỗi năm sẽ tăng thêm khoảng 300.000 việc làm, 78% trong số vị trí việc làm đó có đặt ra yêu cầu là người lao động đã qua đào tạo tay nghề, chuyên môn.

Thu Dịu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tp-ho-chi-minh-uu-tien-thu-hut-chuyen-gia-khoa-hoc-cong-nghe.aspx