TP Hồ Chí Minh ưu tiên nguồn lực cho các dự án giao thông trọng điểm

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thành phố đã dành 37,5% tổng vốn đầu công giai đoạn 2016-2020 để phát triển hạ tầng giao thông.

Nút giao Nguyễn Thái Sơn-Nguyễn Kiệm ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Nút giao Nguyễn Thái Sơn-Nguyễn Kiệm ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Do nguồn lực khó khăn, nên Thành phố Hồ Chí Minh sẽ xác định ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, tập trung các khu vực mang tính tháo gỡ “nút thắt,” kết nối khu vực, các cửa ngõ thành phố.

Nội dung trên được nêu ra tại buổi giám sát của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về tiến độ và hiệu quả triển khai các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố, diễn ra ngày 17/6.

Theo ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố rất chú trọng đến phát triển giao thông khi đã dành đến 37,5% tổng vốn đầu công giai đoạn 2016-2020 để phát triển hạ tầng giao thông.

Tuy nhiên, nguồn vốn dành cho giao thông thiếu nên thành phố dồn sức để phát triển các công trình trọng điểm, không làm nhiều đường lớn mà chủ yếu tập trung giải quyết các “nút thắt” như sân bay, cảng biển, các trục đường kết nối giao thông Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh xung quanh như dự án hầm chui An Sương, nút giao An Phú, Nguyễn Văn Linh-Nguyễn Hữu Thọ…

Ông Võ Văn Hoan cho biết, trong quản lý, thành phố liên tục kiểm tra giám sát tiến độ thực hiện để kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc, tăng cường phân cấp phân quyền cho địa phương chủ động.

Thành phố cũng đang tìm các giải pháp để gỡ vướng trong bồi thường giải phóng mặt bằng, thí điểm quy trình 2 trong 1 mà Chính phủ đã cho phép…

Tuy nhiên, theo Luật Đầu tư công mới thì vốn đầu tư dự án cũ chỉ được bố trí lại tối đa 20% nên sẽ gặp khó khăn khi dự án cũ không có tiền để triển khai.

Ủy ban Nhân dân Thành phố sẽ báo cáo Thường trực Thành ủy, Hội đồng Nhân dân Thành phố xin chủ trương cắt giảm một số dự án, đồng thời xác định lại các tiêu chí ưu tiên, tập trung đầu tư; đồng thời kiến nghị Trung ương xem lại quy định này.

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trong giai đoạn 2016-2020, thành phố đã tập trung các nguồn lực để đầu tư hoàn thành và đưa vào khai thác nhiều công trình giao thông trọng điểm như đường Phạm Văn Đồng, đường vào cảng Phú Hữu, cầu vượt nút giao Gò Mây, nút giao thông Đại học Quốc gia, các cầu vượt kết nối đường Võ Văn Kiệt, ngã 6 Gò Vấp, … góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông tại nhiều khu vực, kéo giảm tai nạn giao thông qua từng năm, khai thác hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu…

Tuy nhiên, ông Trần Quang Lâm cho biết đầu tư giao thông chủ yếu vẫn là ngân sách, khả năng huy động và sử dụng nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông còn gặp nhiều khó khăn.

Thành phố chưa có hệ thống đường vành đai hoàn chỉnh, chưa đầu tư mở rộng các tuyến quốc lộ. Ví dụ như Quốc lộ 1, Quốc lộ 22, Quốc lộ 50 kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh trong vùng, chỉ mới sữa chữa, nâng cấp, chưa mở rộng đầu tư theo quy hoạch.

Hiện Sở Giao thông Vận tải đang xây dựng Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, trong đó có xây dựng các nguyên tắc, tiêu chí để xác định mức độ ưu tiên đầu tư đối với các dự án ngành giao thông, trên cơ sở quy hoạch, mô phỏng, dự báo tình hình giao thông.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết, để đầu tư hiệu quả, cần ưu tiên sử dụng vốn ngân sách để đầu tư các dự án mang tính cấp bách trong Đề án, trong đó tập trung đầu tư các dự án như khép kín Vành đai 2, Vành đai 3; xây dựng các tuyến đường sắt đô thị (metro số 1, 2, 3B, 5); đường trên cao số 1 và số 5; các tuyến quốc lộ theo quy hoạch; các công trình hạ tầng giao thông kết nối khu vực Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, cảng Hiệp Phước./.

Tiến Lực (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/tp-ho-chi-minh-uu-tien-nguon-luc-cho-cac-du-an-giao-thong-trong-diem/646115.vnp