TP. Hồ Chí Minh tìm giải pháp thúc đẩy đầu tư PPP

Để đảm bảo hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, TP. Hồ Chí Minh phải huy động 154.571 tỷ đồng (khoảng 16,4 tỷ USD) vốn đầu tư từ các nguồn vốn khác trong đó có vốn đầu tư công - tư (PPP). Vì vậy, để thúc đẩy hình thức đầu tư PPP, các chuyên gia tài chính quốc tế, các sở ngành liên quan đã cùng nhau đưa ra các giải pháp, kinh nghiệm, các khuyến nghị.

PPP giải pháp tạo vốn quan trọng cho đầu tư hạ tầng xã hội

Tại Hội thảo quốc tế về đối tác công - tư trong một số lĩnh vực ở TP. Hồ Chí Minh, diễn ra sáng ngày 27/3, do UBND TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - ông Nguyễn Thành Phong - nhấn mạnh: việc đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng và tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ, khai thác tiềm năng khu vực kinh tế tư nhân đã được xác định là động lực phát triển quan trọng của nền kinh tế. Một trong những nhân tố quan trọng của tiến trình này là phát triển mô hình đầu tư hợp tác PPP, được xem là một trong những giải pháp tối ưu để giải quyết bài toán thiếu vốn đầu tư cơ sơ hạ tầng kỹ thuật nhất là các địa phương có nhu cầu đầu tư lớn như TP. Hồ Chí Minh.

 Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - ông Nguyễn Thành Phong - phát biểu khai mạc tại hội thảo

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - ông Nguyễn Thành Phong - phát biểu khai mạc tại hội thảo

Điều này càng trở nên có ý nghĩa hơn khi trong thời gian vừa qua số lượng dự án PPP chỉ chiếm 5% trong tổng số dự án đầu tư công của thành phố nhưng nguồn lực xã hội đã huy động gấp 3 lần tổng nguồn lực đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Như vậy, một dự án hợp tác công - tư có thể giúp thành phố huy động khoảng 3.000 tỷ đồng từ xã hội. Đây là một nguồn lực đầu tư khá lớn, trong khi mỗi năm ngân sách chỉ có thể cân đối khoảng 30.000 tỷ đồng cho các dự án đầu tư trên địa bàn.

Đây là hình thức huy động vốn ổn định nhất và có thể cùng lúc giải quyết về nguồn vốn, đồng thời tiết kiệm ngân sách, giảm áp lực nợ công, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng và tạo nên sự cạnh tranh mạnh mẽ của các thành phần kinh tế - Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Dưới góc độ là nhà tư vấn các giải pháp về vốn đầu tư hạ tầng, ông Ousmare Dione - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - cho rằng, TP. Hồ Chí Minh là một đại đô thị, thu hút vốn đầu tư nước ngoài đứng đầu cả nước. Để duy trì lợi thế cạnh tranh cũng như giải quyết các thách thức từ tốc độ đô thị hóa nhanh, thành phố cần đầu tư hạ tầng nhiều hơn, đặc biệt là lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục và môi trường. Nhưng nếu chỉ dựa vào đầu tư công thì thành phố không đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn về hạ tầng và dịch vụ. Vì vậy, thành phố cần cải thiện hiệu quả đầu tư công và hướng đến việc phát huy tốt hơn nguồn lực từ khu vực tư nhân. PPP sẽ là một giải pháp cho vấn đề trên, giải quyết được nhu cầu hạ tầng và gia tăng phúc lợi xã hội cho thành phố.

Mô hình hợp tác dài hạn cùng chia sẻ lợi ích

Mặc dù đạt được một số mặt tích cực, tuy nhiên trong thực tiễn triển khai cho thấy còn nhiều thách thức, rào cản cần vượt qua để nâng cao hiệu quả giữa các hợp tác PPP trong giai đoạn sắp tới. Đó là hệ thống hành lang pháp lý cần được bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp.

Theo ông Ousmare Dione, để mô hình PPP thành công, cần phải công nhận đây là mô hình hợp tác lâu dài, trong đó cả khu vực công và tư cùng chia sẻ không chỉ lợi ích mà còn có cả rủi ro. PPP phải là mô hình hợp tác toàn diện để các bên liên quan đều có lợi.

Vì vậy, để đẩy mạnh PPP trong thời gian tới, thành phố cần tập trung xây dựng các giải pháp theo những định hướng, quan điểm xem PPP là quan hệ đối tác, bình đẳng giữa các bên tham gia hợp đồng. Cần xem PPP là hợp đồng dài hạn (20 - 30 năm) ẩn chứa nhiều rủi ro trong tương lai, do đó cần cách làm bài bản từng bước, bố trí đủ nguồn lực đầu tư, chính sách rõ ràng và quan trọng là phải ổn định chính sách. Việc thực hiện dự án PPP cần đảm bảo nguyên tắc của thị trường, đặt yếu tố cạnh tranh, công bằng và minh bạch, hợp đồng dự án phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và nhà đầu tư...

Trên cơ sở kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn dự kiến được phân bổ và các nguồn lực khác, thành phố tiếp tục rà soát đề xuất các dự án có thể chuyển đổi từ hình thức đầu tư công sang hình thức PPP, làm cơ sở mời gọi đầu tư. Ưu tiên các dự án có nguồn thu từ người sử dụng. Trường hợp không thể áp dụng hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thì tùy mức độ cấp bách mới xem xét đến việc đầu tư bằng ngân sách. Đẩy mạnh công khai, minh bạch thông tin các dự án PPP. Tận dụng các nguồn vốn hỗ trợ kỹ thuật (không hoàn lại) của các nhà tài trợ quốc tế (JICA, ADB, UK...) để sàng lọc, xây dựng danh mục các dự án có thể triển khai theo hình thức PPP.

Để thúc đẩy các dự án đầu tư PPP trên địa bàn thành phố, trong thời gian tới thành phố sẽ tập trung hoàn tất các thủ tục chuẩn bị đầu tư đối với một dự án thuộc lĩnh vực xử lý nước thải, một dự án thuộc lĩnh vực y tế thông qua việc thu phí, hoàn trả chi phí đầu tư dự án từ nguồn thu dịch vụ công; qua đó nhân rộng mô hình, đẩy mạnh việc kêu gọi đầu tư các dự án trong lĩnh vực tương tự.

Ngọc Thảo

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tp-ho-chi-minh-tim-giai-phap-thuc-day-dau-tu-ppp-117509.html