TP. Hồ Chí Minh: Thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng có triển vọng cao để hưởng lợi từ FTA

Để xuất khẩu tăng trưởng bền vững trong bối cảnh thị trường thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến khó lường, TP. Hồ Chí Minh sẽ chủ động trong công tác điều hành, có biện pháp thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng có khả năng tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và tăng cường quản lý chặt chẽ trước nguy cơ gian lận thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa.

Xuất khẩu tăng trưởng khá nhờ nhóm hàng công nghiệp

Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp thành phố đạt 19,62 tỷ USD, tăng 9,2% (cùng kỳ tăng 7,6%). Trong đó nhóm hàng công nghiệp chiếm tỷ trọng cao nhất với kim ngạch đạt 12,9 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2018. Riêng nhóm hàng nông-lâm-thủy sản chỉ đạt 2,3 tỷ USD, giảm 3,49% so với cùng kỳ năm 2018. Nguyên nhân được Sở Công Thương chỉ ra là do trong những tháng đầu năm 2019, xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản xuất hiện tình trạng cung vượt cầu, giá xuất khẩu giảm, cạnh tranh gia tăng, nhu cầu tiêu thụ chững lại… Theo thống kê 5 tháng năm 2019, giá xuất khẩu bình quân mặt hàng cà phê giảm 11,4%, hạt tiêu giảm 26%, gạo giảm 15,5%, cao su giảm 7,1%...

Về triển vọng xuất khẩu trong thời gian tới, các chuyên gia dự báo, nhiều ngành hàng của Việt Nam được đánh giá sẽ hưởng lợi để thay thế cho hàng Trung Quốc trên thị trường Mỹ, cùng với đó là sự chuyển dịch đầu tư từ nền kinh tế thứ hai thế giới sang những thị trường lân cận sẽ thúc đẩy dòng chảy FDI. Sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư vào Việt Nam là cơ sở để kỳ vọng hoạt động xuất khẩu sẽ có những bứt phá trong những năm tới.

Cụ thể, với chính sách mở cửa thị trường, tác động của các FTA đã có hiệu lực và triển vọng từ các FTA đang đàm phán là cơ sở quan trọng đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới. Bên cạnh đó, dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào các lĩnh vực sản xuất quan trọng, đặc biệt là khu vực chế biến, chế tạo là nền tảng cho việc gia tăng sản lượng, kim ngạch hàng hóa phục vụ xuất khẩu.

Với TP. Hồ Chí Minh, theo Sở Công Thương, tình hình đơn hàng cho năm 2019 của một số ngành hàng công nghiệp chính có tín hiệu khả quan, nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng cho cả năm 2019.

Chẳng hạn với ngành gỗ, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh cho biết, đơn hàng của doanh nghiệp ngành này hầu hết đã được đàm phán đến hết năm. Hay với lĩnh vực dệt may, theo đại diện Tổng công ty 28, đơn hàng của doanh nghiệp này đã chốt xong từ đầu năm.

Nông thủy sản có thể giảm

Dù có những thuận lợi song Sở Công Thương cho rằng trong ngắn hạn, xuất khẩu hàng hóa được dự báo sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi sự suy yếu của thương mại toàn cầu, đặc biệt là những ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc - 2 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.

Phân tích cụ thể, Sở này chỉ ra, hiện Trung Quốc dùng giải pháp phá giá đồng Nhân dân tệ để làm giảm tác động thực tế của thuế quan lên hàng hóa xuất khẩu đến Mỹ, điều này sẽ ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cũng như khả năng gia tăng nhập siêu từ thị trường này trong thời gian tới. Trong trường hợp này, giá hàng hóa xuất từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ cao hơn, gây khó khăn cho việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Đặc biệt, với hàng nông sản, kể từ tháng 5/2019, Trung Quốc đã tăng cường công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc đối với trái cây nhập khẩu nói chung và dưa hấu nói riêng thông qua các quy định yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu của Trung Quốc tiến hành đăng ký mẫu tem nhãn truy xuất nguồn gốc tại cơ quan Hải quan Trung Quốc và dán tem nhãn này trên các sản phẩm/bao bì trái cây nhập khẩu.

Tăng cường công tác hỗ trợ doanh nghiệp

Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu tiếp tục có nhiều diễn biến mới khó lường, lãnh đạo Sở Công Thương cho biết sắp tới sẽ tổ chức Hội thảo về Đầu tư và Xuất khẩu trên địa bàn, trong đó đánh giá nguyên nhân suy giảm tăng trưởng xuất khẩu đối với các mặt hàng; dự báo xu hướng tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu trong cả năm 2019. Đồng thời Sở sẽ theo dõi sát biến động của tình hình thế giới, đặc biệt là diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung để chủ động trong công tác điều hành, có biện pháp thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng có khả năng tận dụng cơ hội để xuất khẩu và tăng cường quản lý chặt chẽ trước nguy cơ gian lận thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa. Từ đó hỗ trợ các Hiệp hội, doanh nghiệp về thông tin cảnh báo và cách phòng tránh, xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại nhằm đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của doanh nghiệp.

Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho rằng, các doanh nghiệp cũng cần nâng cao nhận thức, tìm hiểu thị trường cũng như những cơ hội mà các FTA mang lại trong từng lĩnh vực, ngành nghề của mình và lựa chọn phương thức tốt nhất để điều chỉnh mô hình, sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường.

Thùy Dương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tp-ho-chi-minh-thuc-day-xuat-khau-nhung-mat-hang-co-trien-vong-cao-de-huong-loi-tu-fta-122159.html