TP Hồ Chí Minh thúc đẩy sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Nhận thức được vai trò quan trọng của Công nghệ cao (CNC) đối với sản xuất nông nghiệp, nên những năm qua, TP. Hồ Chí Minh luôn coi trọng và ưu tiên chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC bằng nhiều giải pháp thiết thực và cụ thể.

Ảnh minh họa (ảnh: V.Lê)

Ảnh minh họa (ảnh: V.Lê)

Có thể thấy, trong lĩnh vực nông nghiệp, các thành tựu về công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, tự động hóa đã và đang được nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao trong sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nông nghiệp Thành phố đã được xác định là nông nghiệp đô thị ứng dụng CNC và đây là hướng đi chủ yếu của ngành nông nghiệp Thành phố trong thời gian tới. Điều này đã được thể hiện qua tỷ lệ có ứng dụng CNC trong nông nghiệp tăng cao trong giai đoạn 2015-2020. Cụ thể, nếu như năm 2010, tỷ lệ này khoảng 10% đến năm 2016 là 35,8%, năm 2018 là 38,2% và sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tiếp theo.

Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP. Hồ Chí Minh cho biết, với việc ứng dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất được coi trọng trong thời gian qua đã hình thành nhiều loại hình và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như trồng rau thủy canh, dưa lưới, trồng ớt ngọt, hoa chuông trong điều kiện nhà màng, trồng trên giá thể, hệ thống tưới nhỏ giọt. Đối với chứng nhận VietGAP diện tích cây rau quả đạt 13.609,5 ha chiếm 61% so với diện tích gieo trồng rau Thành phố và chứng nhận VietGAHP chăn nuôi heo 130.500 con chiếm 45% so với đàn heo Thành phố; nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn đã giúp năng suất đạt 45 tấn/ha/vụ (135 tấn/ha/năm), so với nuôi bán thâm canh năng suất 12 tấn/ha/vụ (36 tấn/ha/năm).

Việc ứng dụng công nghệ cao được triển khai gắn với điều kiện thực tiễn, cơ giới hóa, tự động hóa và tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng 4.0, nâng cao hiệu quả sản xuất gắn với đào tạo nguồn nhân lực. Thành phố cũng đã đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, chuyển giao các tiến bộ về giống và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học để tạo nhiều giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và giá trị cao.

Trong lĩnh vực trồng trọt, hiện, Thành phố đang ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo giống (công nghệ gen, chỉ thị phân tử, công nghệ nuôi cấy túi phấn; xử lý chiếu xạ gây đột biến); Xây dựng các hệ thống nhà màng, nhà lưới kết hợp với ứng dụng công nghệ thông tin trong canh tác cây trồng trong nhà màng, nhà lưới; quản lý dịch hại, quản lý dinh dưỡng, quy trình canh tác, hệ thống điều khiển tự động...

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, đã nghiên cứu, ứng dụng công nghệ gen, chỉ thị phân tử trong việc xác định tính trạng ưu thế phục vụ cho công tác chọn tạo và nhân nhanh giống vật nuôi; ứng dụng công nghệ sinh học trong xác định gen gắn với các tính trạng về năng suất, chất lương; nghiên cứu sản xuất các bộ kít để chẩn đoán trong phòng trừ bệnh hại vật nuôi; phát hiện các chất cấm sử dụng trong chăn nuôi.

Để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp CNC trong thời gian tới, ông Trung cho biết, Thành phố sẽ tiếp tục tăng cường đào tạo, chuyển giao công nghệ sản xuất; xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao phù hợp với từng quận, huyện để chuyển giao thông qua mạng lưới liên kết 4 nhà; tiếp nhận việc chuyển giao một số CNC từ nước ngoài phù hợp với điều kiện ứng dụng tại thành phố để nhân rộng; hỗ trợ các mô hình sản xuất thử nghiệm cho các doanh nghiệp, Hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân theo hình thức nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí, xây dựng quy trình, kỹ thuật, đào tạo, quảng bá,…doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân chủ động thực hiện.

Bên cạnh đó, đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sẽ áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường và đảm bảo sức khỏe cộng đồng; đề xuất, đặt hàng các mô hình ứng dụng CNC.

Cũng theo ông Trung, Thành phố cần phải tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực ở trong và ngoài nước để nâng cao trình độ, có thể nắm bắt tốt những tiên tiến của khoa học kỹ thuật trên thế giới để áp dụng hiệu quả vào lĩnh vực này trên thực tiễn. Đặc biệt cần chú trọng việc mở các lớp đào tạo nghề về công nghệ cao trong nông nghiệp, các lớp tập huấn ngắn hạn nhằm chia sẻ các kỹ thuật về ứng dụng công nghệ cao cho nông dân.

Một trong những giải pháp nữa là Thành phố cũng sẽ có những ưu đãi về vốn, dành khoản vay ưu đãi của Nhà nước (từ các Ngân hàng thương mại) để cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời tăng cường khuyến khích các tổ chức khoa học trong và ngoài nước đầu tư các cơ sở nghiên cứu ứng dụng, trình diễn, chuyển giao cũng như tổ chức sản xuất các sản phẩm công nghệ cao; tạo điều kiện để công nghệ được thương mại hóa, đồng thời hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp tiếp nhận được công nghệ; hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân xúc tiến thị trường, tham gia hội nghị hội thảo, hội chợ ở nước ngoài, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.

TP. Hồ Chí Minh vừa đã xác định và công bố các loại cây trồng, vật nuôi là sản phẩm chủ lực ngành nông nghiệp Thành phố, bao gồm: rau, hoa kiểng, heo, bò sữa, tôm nước lợ, cá cảnh.

Năm 2019, ngành nông nghiệp Thành phố đặt mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP ở mức cao là 6%, nâng giá trị sản xuất bình quân từ 502 triệu đồng (2018) lên 550 triệu đồng/ha.

V.Lê

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/chao-xuan-ky-hoi-2019/dat-nuoc-vao-xuan/tp-ho-chi-minh-thuc-day-san-xuat-nong-nghiep-cong-nghe-cao-512626.html