TP Hồ Chí Minh: Tăng cường phối hợp trong thực hiện các dự án chống ngập

Đó là đề nghị của Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ tại buổi giám sát về tiến độ triển khai các dự án chống ngập với UBND TP ngày 13/6.

Toàn cảnh buổi giám sát. Ảnh: TL

Toàn cảnh buổi giám sát. Ảnh: TL

Dự án chống ngập chưa phát huy hiệu quả

Báo cáo tại buổi giám sát, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị Nguyễn Hoàng Anh Dũng cho biết: Chương trình giảm ngập nước của TP thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần cải thiện bộ mặt của TP.

Đồng thời, hạn chế tình trạng ngập nước gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, góp phần cải thiện điều kiện sống của nhân dân, đảm bảo lưu thông cho các phương tiện tham gia giao thông.

Tính đến thời điểm hiện nay, các tuyến đường được xem là “rốn ngập” của TP đã không còn xuất hiện tình trạng ngập nước. Đến cuối năm 2018, TP còn 18 tuyến đường trục chính bị ngập do mưa (giảm hơn 85%) và còn 5 tuyến đường trục chính bị ngập do triều (giảm gần 95%).

Tại buổi giám sát, một số đại biểu HĐND TP cho rằng, hiện nay tiến độ thực hiện các dự án chống ngập trên địa bàn TP còn quá chậm, tính hiệu quả của các dự án sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng chưa cao do thiếu sự kết nối đồng bộ.

Phó trưởng Ban Đô thị HĐND TP Nguyễn Minh Nhựt cho biết: Hiện nay, qua giám sát, phần lớn các dự án chống ngập triển khai đang chậm tiến độ do vướng công tác giải phóng mặt bằng. Do đó, UBND TP cần có giải pháp căn cơ, lâu dài để giải quyết vấn đề này.

Phó Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Nguyễn Văn Đạt đưa ra dẫn chứng: Với đường Nguyễn Văn Quá (quận 12) vốn đầu tư khá lớn nhưng khi làm xong không phát huy hiệu quả. Mỗi khi mưa xuống đường vẫn còn ngập do phải chờ dự án cải tạo tuyến rạch Cây Lim mới phát huy hệ thống thoát nước của tuyến đường.

Còn ở quận 9, có 2 dự án gần 400 tỷ đồng gồm xây dựng hệ thống thoát nước đường Đỗ Xuân Hợp (đoạn từ Xa lộ Hà Nội đến cầu Rạch Chiếc) và xây dựng hệ thống thoát nước đường Đỗ Xuân Hợp (đoạn từ cầu Rạch Chiếc đến Nguyễn Duy Trinh) nhưng làm xong đường vẫn ngập.

Các đại biểu cũng cho biết: Hiện nay công tác xử lý các trường hợp xây dựng lấn chiếm hệ thống thoát nước, hành lang bảo vệ kênh, rạch chưa quyết liệt; việc triển khai làm hệ thống cống hộp thay thế các tuyến rạch nhỏ sẽ làm giảm khả năng thoát nước, dẫn đến tình trạng ngập nước cần phải được xử lý triệt để và nghiên cứu kỹ.

Phó Ban Pháp chế HĐND TP Lê Minh Đức chia sẻ: Qua giám sát ở các quận, huyện cho thấy việc lấn chiếm hệ thống thoát nước, hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch là rất rõ nhưng khi hỏi địa phương là không xử lý triệt để được. Điều này cho thấy, việc xử lý các trường hợp xây dựng lấn chiếm hệ thống thoát nước, hành lang bảo vệ kênh, rạch là chưa quyết liệt…

Bố trí nguồn lực đầu tư các công trình

Giải trình làm rõ những vấn đề đại biểu HĐND TP đặt ra, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho rằng: TP đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, vượt quá tầm kiểm soát; đặc biệt ở những khu vực vùng ven ngoại thành công tác quản lý chưa tốt.

Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ phát biểu kết luận buổi giám sát. Ảnh: TL

Chính sự phát triển đô thị nhanh dẫn đến tình trạng ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường. Trong đó, ngập nước là một trong những nội dung mà TP đặc biệt quan tâm.

Trong nhiều năm qua, TP đã tập trung chỉ đạo giải quyết và có nhiều giải pháp triển khai thực hiện. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tần suất và vũ lượng mưa trên địa bàn TP tăng, triều cường dâng cao, tình trạng sạt lở và lún nền đất nghiêm trọng… Trong khi đó, hệ thống thoát nước chưa kịp đầu tư nâng cấp và mở rộng, thậm chí việc đầu tư nâng cấp có làm nhưng không đồng bộ nên tác động đến quá trình thực hiện chương trình giảm ngập.

Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết: Sắp tới, TP tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp mà chương trình giảm ngập nước đặt ra, trong đó đẩy nhanh nghiên cứu các quy hoạch và nghiên cứu đồng bộ; đồng thời bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng và thực hiện các công trình.

TP xác định tính ưu tiên trong bố trí ngân sách và kêu gọi đầu tư từ các nguồn vốn khác. Trong đó, vốn ngân sách ưu tiên cho công tác giải phóng mặt bằng, các công trình chuyển tiếp, các công trình cấp bách, cải tạo lại hệ thống thoát nước.

Kết luận buổi giám sát, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ đề nghị trong thời gian tới, UBND TP tiếp tục quan tâm chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, nhất là công tác giải phóng mặt bằng để đảm bảo kịp thời cho chủ đầu tư, đơn vị thi công thực hiện dự án.

UBND TP tiếp tục đeo bám kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm tham mưu Chính phủ ban hành nghị quyết về quy trình thí điểm rút ngắn thời gian bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn TP.

Tăng cường chỉ đạo công tác phối hợp giữa các đơn vị sở, ngành, các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện các dự án chống ngập; chú ý điều chỉnh cơ sở pháp lý trong quá trình thực hiện các dự án để thuận lợi cho thủ tục hành chính và giải ngân.

Đồng thời, cần rà soát, phân công nhiệm vụ của các sở, ngành và phát huy hiệu quả theo hướng tăng mạnh việc phân cấp, ủy quyền để tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho các đơn vị trong việc thực hiện các dự án; chỉ đạo các quận, huyện đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong việc tham gia chống ngập nước trên địa bàn TP.

Thiên Lý

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/doi-song/tp-ho-chi-minh-tang-cuong-phoi-hop-trong-thuc-hien-cac-du-an-chong-ngap_t114c1159n149915