TP. Hồ Chí Minh: Tăng cường lực lượng tấn công hàng lậu, hàng giả

TP. Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đã đạt được, tình trạng buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại vẫn tiềm ẩn, diễn biến còn rất phức tạp, ảnh hưởng lớn đến nền sản xuất trong nước và quyền lợi của người tiêu dùng.

Đây là ý kiến của ông Đàm Thanh Thế - Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia phát biểu tại Hội nghị Tổng kết Kế hoạch số 15 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 TP. Hồ Chí Minh sau một năm thực hiện về công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại trên địa bàn thành phố, tổ chức chiều ngày 26/6.

Các lực lượng cùng tham gia tấn công hàng nhập lậu giảm

Ông Đàm Thanh Thế cho biết, nhằm chủ động phòng chống hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia xây dựng Kế hoạch số 15 và phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 của TP. Hồ Chí Minh tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiên vi phạm trên địa bàn thành phố.

Sau một năm thực hiện, tình hình buôn lậu, chứa trữ hàng lậu, sản xuất và kinh doanh hàng giả cơ bản đã được kéo giảm, nhiều địa điểm nóng không còn hoạt động công khai, manh động như trước. Nổi bật là triệt xóa một số cụm kho tàng trữ hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ...

Theo ông Đàm Thanh Thế, thực hiện Kế hoạch số 15 giữa Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Tổng cục QLTT và Ban Chỉ đạo 389 TP. Hồ Chí Minh đã đạt hiệu quả cao, trở thành hình mẫu phối hợp giữa cơ quan trung ương với địa phương trong đấu tranh với tội phạm buôn bán hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn.

Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cùng với Ban Chỉ đạo 389 TP. Hồ Chí Minh tổng kết Kế hoạch số 15

Ông Trịnh Mạnh Cường - Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia - thông tin, sau một năm thực hiện Kế hoạch số 15, Ban Chỉ đạo 389 TP. Hồ Chí Minh đã kiểm tra 15 vụ việc, phát hiện vi phạm tại các kho, cụm kho trên địa bàn thành phố, xử phạt vi phạm hành chính hơn 4,2 tỷ đồng.

Cụ thể, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Tổng cục QLTT phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 TP.Hồ Chí Minh đã phát hiện nhiều kho bãi chứa hàng hóa không nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là 18 kho hàng tại 621 Phạm Văn Chí, quận 6. Điển hình như vụ Công ty Cổ phần bao bì kho bãi Bình Tây cố ý làm trái quyết định của UBND TP. Hồ Chí Minh về việc chấm dứt cho thuê đất tại quận 6, song thực tế doanh nghiệp này cho thuê lại khu đất trong thời gian 20 tháng, đã thu trái phép hơn 14 tỷ đồng.

Tại hội nghị, đại diện Cục thuế, Công an, Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh cho rằng, thực hiện Kế hoạch số 15, kết quả thu được cao nhất là đã triệt xóa một số cụm kho tàng trữ hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái. Kế hoạch phối kết hợp này còn tạo nên sự phối hợp đồng bộ của các lực lượng chức năng từ trung ương đến địa phương trong công tác chống hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại trên địa bàn.

Ông Trương Văn Ba - Cục trưởng Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh - cho biết, Kế hoạch số 15 tập trung vào kho bãi chứa hàng lậu ở thành phố, do đó các đối tượng buôn lậu đường hàng không, đường sắt; hàng lậu qua biên giới ở Long An, Bình Phước, Tây Ninh... giảm nhiều, góp phần giảm áp lực cho các lực lượng của địa phương. Trong 6 tháng đầu năm 2020, Cục QLTT thành phố đã bắt giữ và thu nộp ngân sách hơn 100 tỷ đồng hàng lậu, hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu.

Đại diện lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an TP. Hồ Chí Minh cho hay, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại hiện nay còn rất phức tạp. Từ đầu năm đến nay, lực lượng công an kinh tế của thành phố đã triệt phá 660 vụ vi phạm với 600 đối tượng tham gia, trị giá hàng vi phạm khoảng 60 tỷ đồng.

Hàng lậu, hàng giả vẫn còn tiềm ẩn

Đại diện BanChỉ đạo 389 TP. Hồ Chí Minh, tại thị trường thành phố, hàng lậu tuồn vào thị trường ngoài hàng hóa tiêu dùng thiết yếu còn có ngà voi, máy tính, điện thoại di động, hàng điện tử, máy móc qua sử dụng, thực phẩm chức năng, thuốc tây, ma túy…Hành vi buôn lậu ngày càng tinh vi và khó kiểm soát, do nhiều đối tượng lợi dụng chính sách thông thoáng kiểm soát cửa khẩu hải quan, biên giới để buôn lậu.

Trong các container hàng nông sản xuất khẩu, không ít lô hàng độn cả ma túy với số lượng lớn. Tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa, nhập linh kiện, hàng hóa nước ngoài nhập về đóng gói hoặc lắp ráp gắn xuất xứ Việt Nam rồi xuất qua nước thứ ba; lợi dụng tạm nhập tái xuất để buôn lậu vẫn thường xuyên xẩy ra.

Hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ chưa được đẩy lùi, nguyên nhân được chỉ ra là do hàng lậu đã hình thành đường dây, ổ nhóm hoạt động có tổ chức. Hàng buôn lậu qua cảng biển, đường hàng không doanh nghiệp thường khai báo gian lận số hàng, mã hàng, nhiều lô hàng không ghi chủ hàng, thậm chí là doanh nghiệp ma, địa chỉ không có, nên khâu kiểm tra và xử lý rất gian nan.

Đối tượng sản xuất hàng giả thường là người dân nhập cư, địa chỉ không cố định, khi làm hàng giả đã chia nhỏ nhiều công đoạn nên kho xử lý dứt điểm. Thực tế cho thấy, nhiều vụ việc cơ quan hải quan phát hiện nhưng phối hợp rất chậm với lực lượng công an để nhanh chóng phá án, đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp vi phạm có đủ thời gian để tẩu tán tài sản, xóa dấu vết vi phạm…

Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và các lực lượng chức năng TP. Hồ Chí Minh kiểm tra các kho hàng tại 621 Phạm Văn Chí, phường 7, quận 6 và phát hiện ra nhiều sai phạm tại đây

Đại diện Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia nhận định, thời gian tới, nhất là sau đại dịch Covid-19 và dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu - 2021, tình hình kinh tế khởi sắc trở lại nhưng hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn cả nước nói chung, TP. Hồ Chí Minh nói riêng cũng sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường.

Vì vậy đòi hỏi mỗi ngành, lực lượng chức năng và các địa phương cần phải nâng cao ý thức trách nhiệm và vai trò của cơ quan, đơn vị trong công tác phòng, chốngbuôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và ngườ tiêu dùng trong sản xuất, kinh doanh.

Để đẩy lùi hàng lậu, hàng giả, ông Đàn Thanh Thế đề nghị các lục lượng chức năng cần nắm chắc tình hình trên tuyến, địa bàn, nhận diện những vấn đề, lĩnh vực, mặt hàng phức tạp, nổi cộm; các đường dây, ổ nhóm, đối tượng nổi lên những phương thức, thủ đoạn mới để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, triệt phá hiệu quả.

Mặt khác, các đơn vị và địa phương cần thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả;thường xuyên trao đổi thông tin, tình hình, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, tạo được sức mạnh tổng hợp từ trung ương đến địa phương. Đặc biệt cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm đối với hoạt động tập kết, tàng trữ hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ; các hoạt động kinh doanh có gắn với thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội như facebook, zalo...trên địa bàn.

Thế Vĩnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tp-ho-chi-minh-tang-cuong-luc-luong-tan-cong-hang-lau-hang-gia-139569.html