TP. Hồ Chí Minh sau 44 năm giải phóng: Nông thôn khoác áo mới

Sau 44 năm giải phóng, tại khu vực ngoại thành TP. Hồ Chí Minh, hình ảnh người nông dân vừa uống cà phê vừa điều khiển hoạt động chăn nuôi, trồng trọt bằng điện thoại thông minh không còn là chuyện hiếm gặp. Nhờ áp dụng công nghệ cao cuộc sống của người nông dân đã khấm khá hơn rất nhiều so với trước đây.

Cảnh túng thiếu nhường chỗ cho sự no đủ

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP. Hồ Chí Minh, sau ngày giải phóng đất đai canh tác nông nghiệp ở Thủ Đức, Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh của thành phố đều bị hoang hóa và đan kín bom mìn, dây kẽm gai. Cả vùng khi đó có khoảng 45.000 ha đất trồng trọt, sản lượng lúa chỉ đạt 95.000 tấn. Từ năm 1975 - 1980, các lực lượng công binh, thanh niên xung phong đã tháo gỡ 128.000 quả bom mìn, gần 2.000 tấn đạn dược để khôi phục 70.000 ha đất trồng trọt.

Chăn nuôi kỹ thuật cao giúp nhiều người nông dân thoát nghèo và làm giàu

Chăn nuôi kỹ thuật cao giúp nhiều người nông dân thoát nghèo và làm giàu

Ông Huỳnh Tước, lão nông cao niên ở xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh nhớ lại, những ngày sau giải phóng, đất thì chật người lại đông, canh tác chủ yếu trồng lúa, cây ăn trái, chăn nuôi heo, gà vịt... và năng suất rất thấp. Cuộc sống vì thế rất cơ cực, nhiều người còn thiếu đói. "Người nông dân của thành phố bây giờ đã khác, cảnh túng thiếu đã nhường chỗ cho sự no đủ, có người còn làm giàu nhờ biết áp dụng khoa học - công nghệ cao" - ông Tước chia sẻ.

Giám đốc Sở NN&PTNT TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Phước Trung cho biết, trong những năm gần đây chính quyền thành phố đã ban hành nhiều chính sách để phát triển kinh tế nông nghiệp. Cùng với sự năng động của người nông dân, bộ mặt kinh tế vùng nông thôn của thành phố đã thật sự "thay da đổi thịt" từng ngày. GRDP ngành nông, lâm, ngư nghiệp của thành phố trong năm 2018 đạt 9.610 tỷ đồng, tăng 6,2% so với năm 2017. Đặc biệt, số hộ nghèo hiện tại ở khu vực nông thôn thành phố chỉ còn 2.154/352.176 hộ (chiếm tỷ lệ 0,61% trên tổng hộ dân tại 5 huyện) và không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia.

"Trong năm nay, thành phố phấn đấu có 42/56 xã đạt 19 tiêu chí và 14 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí. Năm 2020 sẽ có 56/56 xã đạt 19 tiêu chí và 5/5 huyện đạt 9/9 tiêu chí cấp huyện" - ông Trung thông tin thêm.

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu

Ngành nông nghiệp thành phố hiện đang tập trung chuyển đổi mạnh đất trồng lúa, mía, muối hiệu quả thấp sang phát triển 6 loại cây trồng, vật nuôi chủ lực theo hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học gồm rau, hoa cây kiểng, bò sữa, heo, tôm nước lợ, cá cảnh. Nhờ vậy, giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp trên địa bàn thành phố trong quý I/2019 đã đạt 4.843 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2018. Diện tích trồng rau đạt 3.876 ha, sản lượng 108.722 tấn; diện tích hoa, cây cảnh đạt 2.253 ha; tổng đàn bò 131.500 con, riêng bò vắt sữa 34.755 con, đạt sản lượng sữa bò tươi 52.237 tấn…

Hiện tại trên địa bàn thành phố có 1.174 tổ chức, cá nhân, đã được chứng nhận VietGAP với 1.381,5 ha, sản lượng đạt khoảng 129.110 tấn/năm. Bà Trần Ngọc Diệp - đại diện Công ty TNHH SXTMDV Hương Đất (quận Gò Vấp) - cho biết, công ty hiện có vườn rau tại phường 15, quận Tân Bình. Nhờ canh tác hữu cơ với nguyên tắc 6 không (không thuốc sâu, chất bảo quản, chất kích thích tăng trưởng...) và tự động hóa khâu chăm sóc, các loại rau má, cải, muống, dền... mang thương hiệu Hapy Vegi dễ dàng tiêu thụ ở các cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn thành phố. Thành lập năm 2012, HTX Mai Hoa có 20 xã viên canh tác 20 ha rau an toàn, rau VietGAP tại xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn.

Ông Năm Hồng, xã viên HTX Mai Hoa chia sẻ, sau khi áp dụng quy trình sản xuất kép kín, có truy xuất nguồn gốc, năng xuất rau xanh, củ quả, nấm cho năng suất gấp đôi, giá bán tăng gấp rưỡi so với cách trồng truyền thống. Theo ông Hồng, cái được lớn nhất khi tham gia vào chuỗi giá trị nhà nông - nhà khoa học - nhà phân phối thì nông dân không bị mất mùa, đầu ra ổn định và thu nhập tăng lên.

Ông Lê Thanh Liêm - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh: TP. Hồ Chí Minh hiện đang thực hiện mạnh mẽ cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp; tập trung vào phát triển sản xuất giống cây, con chất lượng cao, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học kết hợp du lịch sinh thái, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và thị trường tiêu thụ.

Trần Thế

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tp-ho-chi-minh-sau-44-nam-giai-phong-nong-thon-khoac-ao-moi-118831.html