TP Hồ Chí Minh sắp có Trung tâm chuyên sâu tim mạch trẻ em

Trung tâm chuyên sâu tim mạch trẻ em tại TP Hồ Chí Minh có thể thực hiện tất cả các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị hiện đại, tiên tiến nhất, giải quyết hầu hết các bệnh lý tim phức tạp nhất ở trẻ em như phẫu thuật tim cho trẻ sinh non tháng, cực nhẹ cân.

Quy hoạch phát triển của Ngành Y tế thành phố trong những năm tới chỉ rõ, Bệnh viện Nhi đồng 1 được định hướng phát triển chuyên sâu trong lĩnh vực tim mạch trẻ em bên cạnh việc phát triển đồng bộ các chuyên khoa khác trong nhi khoa.

Được sự chấp thuận đầu tư và phê duyệt của Ủy ban nhân dân TP.HCM, Trung tâm tim mạch trẻ em sẽ được khởi công cuối năm 2018 và dự kiến đưa vào hoạt động cuối năm 2020.

Trung tâm tim mạch trẻ em sẽ được khởi công vào cuối năm 2018 và dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm 2020

Song song với quá trình xây dựng cơ sở vật chất, đội ngũ bác sĩ, phẫu thuật viên, điều dưỡng, kỹ thuật viên sẽ tiếp tục được đào tạo chuyên sâu từ các chuyên gia hàng đầu thế giới trong lãnh vực tim mạch trẻ em.

Từ đó có đủ năng lực thực hiện tất cả các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị hiện đại, tiên tiến nhất, giải quyết hầu hết các bệnh lý tim phức tạp nhất ở trẻ em như phẫu thuật tim cho trẻ sinh non tháng, cực nhẹ cân, và nhóm trẻ có nguy cơ cao (RACHS-1 nhóm 5 - 6), thăm dò và can thiệp điện sinh lý tim, liệu pháp điều trị bằng tế bào gốc, đặc biệt sẽ tiến tới ghép tim trong tương lai không xa.

Sự ra đời của Trung tâm chuyên sâu tim mạch trẻ em tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 trong thời gian không xa là một tin vui cho trẻ em không may mắc bệnh tim bẩm sinh ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khu vực phía Nam.

Theo các chuyên gia tim mạch, tim bẩm sinh là một trong những bệnh lý thường gặp nhất ở trẻ em, có tỉ lệ tử vong rất cao cũng như để lại nhiều hậu quả nặng nề cho bản thân người bệnh, gia đình và xã hội.

Thống kê cho thấy, cứ 1.000 trẻ được sinh ra thì có khoảng 7-8 trẻ bị tim bẩm sinh. Chỉ riêng tại BV Nhi đồng 1, số lượng bệnh nhi tim bẩm sinh nhập viện tăng cao theo từng năm cả về số lượng lẫn mức độ nặng của bệnh, từ 1.200 ca vào năm 2004 đến hơn 2.500 ca vào năm 2017, trong đó đa phần là bệnh nặng cần có chỉ định can thiệp ngoại khoa.

L.Minh

Nguồn Gia Đình Mới: https://www.giadinhmoi.vn/tp-ho-chi-minh-sap-co-trung-tam-chuyen-sau-tim-mach-tre-em-d10939.html