TP. Hồ Chí Minh phát triển nông nghiệp công nghệ cao bền vững

TP. Hồ Chí Minh có vị trí trung tâm, là đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung. Với tiềm năng đó, trong thời gian tới Thành phố sẽ ưu tiên phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó tập trung phát triển giống cây trồng, vật nuôi để trở thành ngành kinh tế đặc thù.

Ông Nguyễn Phước Trung - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh (NN&PTNT) – cho biết, hiện nay một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đang là thế mạnh của thành phố về chất lượng và giá bán như rau, hoa, sữa tươi, tôm, cá cảnh, heo, tổ chim yến. Do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, trong khi diện tích canh tác không thể mở rộng và đang có xu hướng giảm dần, nhu cầu nông nghiệp thành phố yêu cầu không chỉ đủ sản lượng cung cấp cho trên 12 triệu người mà còn phải có chất lượng, phong phú và đa dạng.

Do đó việc khuyến khích kêu gọi đầu tư nông nghiệp trong và ngoài nước trên địa bàn thành phố, tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và liên kết phối hợp với các tỉnh khác để tạo nguồn nguyên liệu ổn định và chất lượng cho người dân thành phố luôn là giải pháp hàng đầu mà thành phố quan tâm.

TP. Hồ Chí Minh tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp

TP. Hồ Chí Minh tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp

Theo sở NN&PTNT, hiện nay thành phố có diện tích đất nông nghiệp gần 114 ngàn ha, chiếm hơn 50% tổng diện tích toàn thành phố, trong đó đất sản xuất nông nghiệp khoảng 66.000 ha, đất lâm nghiệp 35.684 ha, đất nuôi trồng thủy sản 10.798 ha. Với trên 25.300 hộ đang đang sản xuất nông nghiệp, trình độ lao động ngày càng được tăng cao, tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo hơn 70%.

Tốc độ tăng trưởng nông lâm ngư nghiệp khá cao, năm 2018 GRDP đạt 9.610 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ. Cơ cấu nông nghiệp với trồng trọt chiếm tỉ trọng 25,1%, chăn nuôi 36,6%, dịch vụ 7,9%, thủy sản 29,7%.

Theo ông Trung, Thành phố có những sản phẩm nông nghiệp đã xuất khẩu, tuy nhiên quy mô và giá trị xuất khẩu chưa cao như: hoa lan, giống cây trồng, rau, cá cảnh, cá sấu.

“Thành phố cũng đã đầu tư nhiều cơ sở hạ tầng cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao như Trung Tâm công nghệ sinh học (diện tích 23ha), Trại Thực nghiệm và Trình diễn chăn nuôi bò sữa công nghệ cao Israel (DDEF) với 200 con, 1 Khu Nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 88ha. Đang thực hiện dự án Đầu tư xây dựng Khu Nông nghiệp công nghệ cao ngành thủy sản tại Cần Giờ (89,7ha) và dự án mở rộng Khu Nông nghiệp công nghệ cao hiện hữu thêm 23,3 ha tại xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi…” – ông Trung chia sẻ.

Tuy nhiên ông Trung nhận định, tỷ lệ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của thành phố chưa cao và đang có xu hướng tăng dần. Nếu như năm 2010, tỷ lệ này khoảng 10% đến năm 2016 là 35,8% , năm 2018 là 38,2%.

Hiện thành phố đã có 104 hợp tác xã và 1 liên hiệp HTX trong lĩnh vực nông nghiệp. Đã xuất hiện nhiều mô hình HTX điển hình với những cách làm mới, thành công theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị nông sản và đã có sản phẩm xuất khẩu.

Đến nay TP Hồ Chí Minh đã có 1.240 tổ chức, cá nhân sản xuất rau quả trên địa bàn TP được chứng nhận VietGAP

Về mục tiêu định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ông Trung - cho rằng, cần nâng cao tỷ lệ ứng dụng nhà lưới, nhà kính, nhà màng trong sản xuất rau, hoa cây kiểng giúp đảm bảo ổn định năng suất, chất lượng cây trồng; Hoàn thiện hệ thống thông tin về vùng trồng, diện tích, chủng loại nông sản, dự kiến sản lượng thu hoạch/vụ/năm và dự báo cung cầu một số mặt hàng nông sản chủ lực.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp: Xây dựng, thiết kế phần mềm quản lý dữ liệu sản nông nghiệp phục vụ công tác quản lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước thông qua công tác đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ chuyên ngành giống, đáp ứng với yêu cầu hội nhập quốc tế và khu vực, đặc biệt nguồn nhân lực trong quản lý, sản xuất giống.

Ngoài ra, tổ chức chứng nhận chất lượng giá trị giống vật nuôi theo các phương pháp tiên tiến; kiểm tra, kiểm nghiệm chất lượng giống bằng các phương pháp kỹ thuật tiên tiến, hiện đại.

Theo UBND TP. HCM, đến nay đã có 1.240 tổ chức, cá nhân sản xuất rau quả trên địa bàn TP được chứng nhận VietGAP với tổng diện tích canh tác 1.438ha (chiếm 46,8% diện tích trồng rau trên địa bàn thành phố), sản lượng dự kiến trên 147.700 tấn/năm. Việc triển khai dán tem truy xuất nguồn gốc rau củ quả VietGAP tại 7 hợp tác xã và 1 tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp với sản lượng rau được dán tem khoảng 15,3 tấn/ngày.

TP. HCM hiện có 3.517ha trồng rau, trong đó diện tích rau ứng dụng công nghệ cao là 43,9ha; tập trung huyện Củ Chi 2.004ha, huyện Bình Chánh 639ha, huyện Hóc Môn 430ha, các địa phương còn lại là 444ha.

Theo Ban Quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn là biến đổi khí hậu, tham gia các hiệp định thương mại tự do và nền công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh toàn cầu, thâm nhập vào đa lĩnh vực và cuộc sống. Ngoài nhiệm vụ phục vụ cho nhu cầu trong nước thì sản xuất nông nghiệp của Việt Nam hướng đến xuất khẩu để nâng cao giá trị gia tăng hơn nữa cho sản phẩm nông nghiệp.

Hoàng Tỷ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tp-ho-chi-minh-phat-trien-nong-nghiep-cong-nghe-cao-ben-vung-122205.html