TP. Hồ Chí Minh: Phát hiện, xử lý nhiều vụ mất vệ sinh an toàn thực phẩm

Mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý nhưng tình trạng sản xuất, chứa trữ, chế biến và bày bán thực phẩm mất an toàn vệ sinh vẫn tồn tại ở nhiều khâu, nhiều lĩnh vực.

Đại diện Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2020, lực lượng QLTT TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện 1.224 vụ vi phạm, trong đó hoạt động kiểm tra chuyên ngành đã phát hiện 53 vụ vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đã xử lý 1.181 vụ, thu nộp ngân sách 21,7 tỷ đồng; trị giá hàng tịch thu đang chờ bán khoảng 98 tỷ đồng; trị giá hàng hóa chờ tiêu hủy khoảng 17,2 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Ngọc Hải Yến - Phó Phòng Kiểm tra phối hợp chuyên ngành Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh - cho biết, cùng với kiểm tra chuyên ngành, Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh còn tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố và quận huyện, phát hiện 194 vụ vi phạm. Trong đó có 118 vụ vi phạm về kiểm dịch, đã giao cơ quan thú y xử lý 1.882 con gia cầm, 69 con gia súc và 648kg thịt gia súc, gia cầm không có giấy chứng nhận kiểm dịch.

Kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm cấp quận, phát hiện 26 vụ vi phạm do không đủ dụng cụ bảo quản thực phẩm sống, chín riêng biệt; bày bán, chứa đựng thực phẩm trên thiết bị, dụng cụ, vật liệu không đảm bảo vệ sinh…

Thực hiện kế hoạch kiểm tra an toàn thực phẩm và chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2020, các đội QLTT đã phát hiện 157 vụ vi phạm, trong đó hàng không hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ đã bị tạm giữ 164.308 đơn vị sản phẩm thực phẩm các loại; hàng hóa hết hạn sử dụng đã tạm giữ 580kg bơ động vật, thịt trâu Ấn Độ. Hàng hóa giả xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu, thiết kế, chế tạo, gia công, lắp ráp, chế biến, đóng gói dấu hiệu xâm phạm nhãn hiệu đã tạm giữ 734kg và 3.793 đơn vị sản phẩm thực phẩm các loại.

Kết quả kiểm tra, kiểm soát nhóm hàng hóa bình ổn thị trường, các đội QLTT đã phát hiện 73 vụ vi phạm. Hàng hóa vi phạm do không hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc, xuất xứ. Đã tạm giữ 12.580kg đường cát, 1.124kg bột mì, thịt bò, thịt gà, thịt heo các loại; 73.536 đơn vị sản phẩm sữa, mì gói, bánh kẹo, thực phẩm các loại, 80kg thịt trâu hết hạn sử dụng.

Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại một khu chợ truyền thống trên địa bàn quận 7, TP. Hồ Chí Minh

Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại một khu chợ truyền thống trên địa bàn quận 7, TP. Hồ Chí Minh

Theo bà Nguyễn Ngọc Hải Yến, ngoài số thực phẩm vi phạm bị thu giữ, từ đầu năm đến nay, lực lượng kiểm tra liên ngành còn phát hiện các hành vi vi phạm khác trong sản xuất kinh doanh thực phẩm. Cụ thể, mặc dù hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh nhưng nhiều cơ sở không có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không đáp ứng kiến thức về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật…

Trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh ngoài các vụ vi phạm đã bị phát hiện và xử lý, các bếp ăn tập thể tại các công ty, trường học cũng đang là mối lo về mất an toàn thực phẩm. Trên đia bàn thành phố hiện có 1.280 bếp ăn tập thể tự tổ chức, 112 bếp ăn tập thể thuê nấu, 292 cơ sở nhận suất ăn sẵn, 630 căng tin trong trường học. Theo Ban quản lý an toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, từ năm 2015 - 2019, tại TP. Hồ Chí Minh đã xảy ra 22 vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học với 196 người mắc, do khâu chế biến, vận chuyển suất ăn khiến cho vi sinh vật xâm nhập gây ngộ độc.

Nhằm quản lý thực phẩm an toàn vệ sinh, Ban quản lý an toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ ký kết quy chế phối hợp về đảm bảo an toàn thực phẩm trong khu chế xuất - khu công nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020 - 2023. Triển khai kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm, nhân rộng các mô hình điểm về kiểm soát an toàn thực phẩm đối với kinh doanh thức ăn đường phố năm 2020 và các năm tiếp theo. Tổ chúc phát triển “chuỗi thực phẩm an toàn” trên địa bàn.

Các cơ quan chức năng tổ chức cổ động tuyên truyền Tháng hành động an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2020 tại chợ Phạm Văn Hai, quận Tân Bình

Tính đến nay, Ban quản lý Đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn” đã cấp 493 giấy chứng nhận cho 367 trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh vào chuỗi, tổng sản lượng đạt 231.503 tấn/năm. Hiện tại, đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm và trứng gia cầm, đã tiếp nhận 213 hồ sơ, trong đó đã cấp code cho 205 hồ sơ. Theo đó, đề án có số lượng heo thịt là 931.632 con/năm, gà thịt 16.069.300 con/năm, trứng gia cầm 194.778.700 quả/năm.

Ông Lê Minh Hải - Phó trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh - cho biết, từ đầu năm đến nay, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã được đẩy mạnh, tuy nhiên tình trạng nhiều loại thực phẩm đang lưu thông trên địa bàn vẫn còn tồn tại. Nguyên nhân là do một bộ phận người dân có thu nhập thấp thường chọn mua hàng thực phẩm giá rẻ, tạo điều kiện cho thực phẩm không đảm bảo chất lượng lưu thông trên thị trường. Mặt khác, một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm hoạt động vào ban đêm nhằm tránh kiểm tra đã gây khó khăn cho công tác kiểm soát, đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Trần Thế

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tp-ho-chi-minh-phat-hien-xu-ly-nhieu-vu-mat-ve-sinh-an-toan-thuc-pham-140062.html