TP. Hồ Chí Minh: Phát hiện sai phạm tại Công ty Dịch vụ công ích quận 12

Theo kết luận thanh tra, việc Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 12 (Công ty DVCI) có 4 xe cũ được trang bị từ thời điểm năm 2007 và 7 xe được trang bị từ năm 20102016, tất cả các xe này đều được áp dụng định mức cũ từ năm 2007 là chưa chính xác.

 Trụ sở Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 12

Trụ sở Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 12

Định mức nhiên liệu không phù hợp

Phản ánh với Báo Công lý, do nghi ngờ lãnh đạo Công ty DVCI có dấu hiệu tham nhũng, “rút ruột” các công trình xây dựng trên địa bàn quận để phục vụ lợi ích cá nhân, nên ngày 25/7/2017, các nhân viên của công ty này là ông Nguyễn Hữu Tường, ông Nguyễn Tấn Nghiệm và ông Nguyễn Quý Nghi đã gửi đơn đến UBND quận 12 (TP. Hồ Chí Minh), đề nghị làm rõ một số nội dung liên quan đến Giám đốc công ty nói trên. Những người này đề nghị cơ quan chức năng làm rõ vấn đề liên quan đến định mức tiêu thụ nhiên liệu đối với các xe ép rác. Theo họ, định mức khoán xăng dầu cho các xe vận chuyển rất cao so với thực tế, thậm chí có những xe định mức cao gấp 2 lần so với số lượng thực tế, gây thiệt hại đáng kể cho Công ty DVCI.

Kết luận thanh tra Về thanh tra trách nhiệm quản lý, điều hành doanh nghiệp của Giám đốc Công ty DVCI quận 12

Đến ngày 23/1, UBND quận 12 đã đưa ra Kết luận thanh tra về thanh tra trách nhiệm quản lý, điều hành doanh nghiệp của Giám đốc Công ty DVCI. Theo đó, hiện tại Công ty DVCI đang khai thác và sử dụng 11 xe ép rác để vận chuyển rác từ bô rác phường Hiệp Thành (quận 12) về bãi rác Phước Hiệp tại huyện Củ Chi với quãng đường đi là 43.49 km. Về cơ sở để áp dụng định mức nhiên liệu cho các xe này thì năm 2007, Công ty DVCI trang bị 4 xe ép rác có trọng tải 10 tấn và áp dụng mức nhiên liệu theo thông báo số 10 của Công ty Dịch vụ và Phát triển đô thị (nay là Công ty DVCI). Cụ thể, 2 xe hiệu DaeWoo áp dụng khoán 43 lít và 2 xe hiệu Kamaz áp dụng khoán 45 lít.

Đáng nói nhất, đối với 7 xe còn lại dù được mua từ năm 2010 đến năm 2016 nhưng Công ty DVCI cũng vẫn áp dụng định mức nhiên liệu theo thông báo nói trên. Theo đó, 7 xe này được áp dụng khoán định mức nhiên liệu là 43 lít (bằng với khoán định mức nhiên liệu của 2 xe hiệu DaeWoo mà Công ty DVCI đã trang bị từ năm 2007 - PV).

Qua quá trình thanh tra, cơ quan chức năng cho rằng, sau thời điểm năm 2007, Công ty DVCI có trang bị 7 xe ép rác mới; tuy nhiên, công ty này không kiểm tra xác định lại định mức nhiên liệu là không phù hợp.

Kết luận thanh tra nêu: “Nhận thấy: Công ty DVCI được chuyển đổi từ loại hình doanh nghiệp nhà nước sang mô hình công ty TNHH MTV từ thời điểm năm 2010, tuy nhiên công ty vẫn áp dụng những văn bản từ năm 2007 để xác định định mức nhiên liệu là không phù hợp với Quy chế hoạt động của công ty. Đồng thời, việc công ty có trang bị 7 xe ép rác mới (sau thời điểm 2007) nhưng không kiểm tra xác định lại mức nhiên liệu là không phù hợp”

Có dấu hiệu tham nhũng?

Ông Nguyễn Quý Nghi cho biết, vào ngày 20/8/2010, ông được nhận thi công Công trình Đắp đê bao rạch Tám Trung tại phường Thạnh Xuân, quận 12. Theo hợp đồng, trước khi khởi công, ông được công ty cho ứng số tiến là 475 triệu đồng để lo chuẩn bị vật tư, xe máy, cất lán trại, thuê công nhân… Tuy nhiên, khi ông vừa nhận tiền ứng xong thì liền bị ông Bùi Thế Kiệt (thời điểm đó là Kề toán trưởng của Công ty DVCI) giữ lại 80 triệu đồng trong tổng số tiền ứng (có bản ký nhận tiền của ông Kiệt).

Lý giải điều này, khi làm việc với cơ quan chức năng, ông Kiệt xác nhận có nhận 50 triệu đồng từ ông Nghi và ký nhận vào vị trí có dòng viết tay “Đưa Kiệt 50 triệu” trên sổ tay cá nhân của ông Nghi (được thể hiện rõ trong kết luận thanh tra). Ông Kiệt cho biết, ông nhận số tiền 22.203.680 đồng/50 triệu (tương ứng với 1% giá trị hợp đồng khoán việc) để chi cho người giới thiệu công trình về cho công ty là ông Trần Thanh Tòng (Giám đốc Công ty DVCI). Theo ông Kiệt, khoản tiền này là tiền thưởng theo chủ trương của công ty DVCI tại Thông báo số 04/TB-12.DUC ngày 24/4/2009.

Sổ tay của ông Nghi có chữ ký nhận tiền của ông Kiệt

Còn đối với số tiền là 27.796.680 đồng/50 triệu đồng, ông Kiệt cho biết, đây là số tiền ông mượn của ông Nghi với tư cách cá nhân. Theo ông Kiệt, đến nay ông vẫn chưa thanh toán số tiền này lại cho ông Nghi là do ông Kiệt quên và từ thời điểm cho mượn tiền đến nay ông Nghi cũng không yêu cầu ông Kiệt trả lại khoản tiền này.

Ngoài ra, ông Kiệt khẳng định mình không nhận thêm bất kỳ khoản tiền nào từ ông Nghi. Đáng chú ý, ông Kiệt còn cho rằng, chữ ký tại vị trí có dòng chữ viết tay “30” (bên dưới vị trí có dòng chữ viết tay: “Đưa Kiệt 50 triệu”) không phải là chữ ký của ông Kiệt và ông Kiệt cũng không biết “30” có nghĩa là gì.

Phản bác lại lời khai nhận của ông Kiệt được nêu trong kết luận thanh tra, nhóm người đề đơn đến UBND quận 12 cho rằng: “Đối với số tiền 27.796.320 đồng ông Kiệt nhận là vay nợ của ông Nghi, nếu ông Nghi cho ông Kiệt nợ thì tại sao ông Nghi lại không ghi chú rõ trong sổ tay của mình về nội dung nợ trên. Mặt khác, tiền vay nợ sao lại tính đến đơn vị là đồng, trên thực tế làm sao có khoản cho vay dân sự nào lại tính chính xác đến như thế và làm sao giao dịch để thanh toán đúng theo con số trên. Hơn nữa, nếu cho vay phải xác định lãi suất là bao nhiêu, thời gian trả nợ bao lâu? Do vậy, nội dung thanh tra cho rằng ông Kiệt nợ ông Nghi 27.796.320 đồng là không thực tế và không thể xảy ra”.

Ngoài ra, những người này còn nhận định, cơ quan chức năng cần thiết phải giám định lại chữ viết, chữ ký trong sổ tay của ông Nghi để xác định rõ có hay không việc ông Kiệt nhận số tiền 30 triệu đồng (ngoài số tiền 50 triệu ông Kiệt đã xác nhận) từ ông Nghi. Bởi lẽ, theo ông Nghi, chữ ký xác nhận 50 triệu, chữ viết “30” bên dưới và chữ ký cạnh đó là do cùng một người viết, cùng 1 cây viết, cùng một màu mực.

Khải Minh - Trí Dũng

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/dieu-tra-diem-nong/tp-ho-chi-minh-phat-hien-sai-pham-tai-cong-ty-dich-vu-cong-ich-quan-12-249370.html