TP Hồ Chí Minh nỗ lực ngăn chặn ma túy đá - Bài 2: Triệt phá 'nguồn cung'

Chỉ trong tháng 3/2019, các lực lượng chức năng thuộc Bộ Công an, Hải quan, Biên phòng và các địa phương trong cả nước đã phối hợp triệt phá các đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia, qua đó thu giữ hàng trăm kg ma túy đá và bắt giữ hàng chục đối tượng, trong đó có đối tượng cầm đầu.

Những chiến công này là minh chứng cụ thể cho những nỗ lực ngăn chặn cơn lốc ma túy đá đang có chiều hướng "đổ bộ" vào nước ta nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

Quy mô ngày càng lớn

Trong Chuyên án 218LP, sau khi phát hiện bắt giữ một đối tượng người Lào và thu giữ 308,6 kg ma túy tổng hợp vào tháng 10/2018, Bộ Công an đã xác lập chuyên án. Các lực lượng của Bộ Công an phối hợp với Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh phát hiện, bắt giữ một đối tượng người Lào ngày 17/2/2019, thu giữ hơn 287 kg ma túy đá.

Điều tra mở rộng, Ban chuyên án nhận thấy, ngay sau khi đồng phạm bị bắt, các đối tượng cầm đầu tiếp tục điều hành hoạt động vận chuyển ma túy từ khu vực Tam giác vàng vào Việt Nam, sau đó vận chuyển qua đường biển đi nước thứ ba tiêu thụ dưới vỏ bọc doanh nghiệp may mặc xuất khẩu hàng hóa.

Ngày 20/3/2019, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Công an phối hợp với Bộ đội Biên phòng và Tổng cục Hải bắt 11 đối tượng, thu giữ 300kg chất ma túy. Ảnh: TTXVN phát

Ngày 20/3/2019, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Công an phối hợp với Bộ đội Biên phòng và Tổng cục Hải bắt 11 đối tượng, thu giữ 300kg chất ma túy. Ảnh: TTXVN phát

Qua thời gian theo dõi, điều tra, đến chiều 20/3, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành khám phá thành công chuyên án mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Lào về Thành phố Hồ Chí Minh.

Công an bắt quả tang 12 thùng các tông chứa 300 kg ma túy được các đối tượng vận chuyển về tập kết trước cửa kho của Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch vụ Hasan, ở phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân. Hiện Công an đã khởi tố bị can đối với 5 đối tượng, trong đó có hai đối tượng người Trung Quốc.

Tiếp đó, vào tối 27/3, tổ công tác 363 Công an Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp đội Cảnh sát Giao thông An Sương (Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an Thành phố) tuần tra kiểm soát trên địa bàn đã phát hiện một ôtô 4 chỗ biển số tỉnh Bình Dương và một xe bán tải biển số tỉnh Thái Nguyên đi vào khu vực cầu vượt An Sương.

Qua kiểm tra xe bán tải, lực lượng chức năng phát hiện trên xe có 5 thùng các tông chứa gần 900 bánh heroin, bắt giữ một đối tượng mang quốc tịch Đài Loan (Trung Quốc).

Ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh, nhận định: Tình hình vận chuyển trái phép các chất ma túy từ nước ngoài qua địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay diễn biến khá phức tạp, tính chất nghiêm trọng.

Qua các vụ phát hiện và bắt giữ gần đây cho thấy, tội phạm ma túy trong và ngoài nước đã câu kết chặt chẽ với nhau, hình thành đường dây, tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, hoạt động với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Tội phạm ma túy có yếu tố nước ngoài lợi dụng tuyến cảng biển, tuyến hàng không (bao gồm sân bay, bưu điện, chuyển phát nhanh) để vận chuyển trái phép chất ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam, một phần để sử dụng trong nước, một phần để trung chuyển sang nước thứ ba.

…và diễn biến phức tạp

Theo Thượng tá Ngô Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), trong bối cảnh kinh tế mở, hội nhập thương mại sâu rộng, các thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa ngày càng thuận lợi. Tuy nhiên, chính điều này cũng bị các đối tượng buôn bán ma túy lợi dụng triệt để, mở các công ty “vỏ bọc” rồi ngụy trang ma túy trong các hàng hóa, từ đó xuất sang nước thứ ba.

Cụ thể, trong vụ án bắt giữ 300 kg ma túy vừa qua, sau khi đưa về Thành phố Hồ Chí Minh, ma túy được tập kết tại trước cửa kho của Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch vụ Hasan (địa chỉ tại quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh, ngành nghề may mặc, xuất khẩu hàng hóa) để chuẩn bị xuất sang Đài Loan (Trung Quốc).

Công ty này do bà Phan Thị Mỹ N. (sinh năm 1979) làm Giám đốc điều hành. Xác minh nhân thân, N. chính là người yêu của Wu He Shan (sinh năm 1963, quốc tịch Trung Quốc), người điều hành thực sự của Công ty.

Đáng chú ý, trong quá trình kiểm tra Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch vụ Hasan, lực lượng chức năng đã phát hiện 30 vỏ bao tải cùng loại với số bao đựng 300 kg ma túy bị bắt giữ trước đó và nhiều hạt nhựa PP (tinh thể hạt nhựa có kích thước, trọng lượng tương đối tương đồng với tinh thể ma túy đá).

Các đối tượng đã chuẩn bị quần áo, giày dép và đáng chú ý là hạt nhựa PP để giấu kèm với ma túy đá trong các thùng hàng để xuất khẩu qua đường biển, gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Kiểm tra tờ khai hải quan, trong 5 năm qua, Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch vụ Hasan chỉ mới có 40 tờ khai.

Có thể thấy, những hoạt động kinh doanh “đáng ngờ” của Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch vụ Hasan đã chứng minh, Công ty này chỉ là một “vỏ bọc” để “ông trùm” We Ha Shan vận chuyển ma túy sang nước thứ ba qua đường biển.

Tương tự, thời gia quan, lực lượng Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển ma túy với quy mô, số lượng lớn từ Mỹ, Canada và một số quốc gia châu Âu thông qua đường hàng không, bưu điện, chuyển phát nhanh vào Việt Nam và xuất ma túy, tiền chất ma túy trái phép sang Australia. Đặc biệt, từ đầu năm 2018 đến nay, việc nhập khẩu trái phép cần sa và ma túy tổng hợp MDMA (thuốc lắc) dưới hình thức quà biếu phi mậu dịch là hiện tượng đáng báo động.

Thượng tá Ngô Thanh Bình đánh giá, sau khi Công an tập trung lực lượng đánh vào hai điểm nóng ma túy là Lóng Luông (Sơn La) và Hang Kia (Hòa Bình), tội phạm ma túy đã chuyển hướng để tìm ra những con đường vận chuyển mới.

Tuyến đường vận chuyển phía Nam từ Campuchia và Lào qua Việt Nam là tuyến đường mà lực lượng chức năng đã tập trung nhưng chưa đủ mạnh, chưa quyết liệt ngăn chặn được bọn tội phạm.

Ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng tội phạm ma túy triệt để lợi dụng các chính sách tạo thuận lợi trong hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh..., nhất là trong thực hiện thủ tục hải quan, thông quan điện tử đối với hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện xuất nhập khẩu để vận chuyển ma túy với các phương thức, thủ đoạn thường sử dụng như: cất giấu ma túy vào hàng hóa, hành lý xuất nhập khẩu; hoặc gia công cất giấu giữa các cạnh, vách thùng bao bì hàng hóa, trong các quyển sách, bìa album, tranh ảnh, trong thực phẩm, máy hút bụi, hộp và túi đựng dĩa CD, ổ cứng máy vi tính…; sử dụng chưng minh nhân dân giả gửi hàng hoặc dịch vụ đại lý khai thuê làm thủ tục hải quan đối với bưu phẩm, bưu kiện xuất nhập cảnh để né tránh trách nhiệm khi bị phát hiện.

Trên tuyến cảng biển, các tổ chức tội phạm lựa chọn các doanh nghiệp chưa từng vi phạm pháp luật về hải quan để ủy thác xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài. Theo đó, ma túy được chúng ngụy trang tinh vi trong các lô hàng nguyên liệu sản xuất (hạt nhựa, nhựa tái sinh…) được miễn kiểm tra thực tế (luồng xanh, luồng vàng).

Những diễn biến vừa qua cho thấy, quy mô và tính chất của các vụ mua bán, vận chuyển ma túy ngày càng lớn, phức tạp. Qua đó, đòi hỏi các lực lượng chức năng và địa phương cần chủ động tăng cường phối hợp, có kế hoạch và các biện pháp hiệu quả hơn trong công tác đấu tranh với tội phạm ma túy hiện nay.

Thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực ngăn chặn ma túy đá Bài 3: Giảm 'nguồn cầu'

Anh Tuấn - Thành Chung - Xuân Anh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/phap-luat/tp-ho-chi-minh-no-luc-ngan-chan-ma-tuy-da-bai-2-triet-pha-nguon-cung-20190412084741601.htm