TP Hồ Chí Minh nỗ lực chống ngập khi mưa lớn, triều cường

NDĐT – Năm nay, mưa diễn ra ngay trong mùa nắng. Theo số liệu thống kê, trước đây 5 năm mới xuất hiện một trận mưa với vũ lượng khoảng 96 mm trong ba giờ, nhưng từ năm 2002 đến nay, TP Hồ Chí Minh đã xuất hiện 45 trận mưa. Chỉ tính từ đầu năm 2017 đến nay đã xảy ra tám trận mưa trên 100 mm, trận mưa có vũ lượng lớn nhất hơn 206 mm ngày 12-10. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập thành phố.

Biến đổi khí hậu tác động khó lường

Thông tin trong chương trình Đối thoại cùng chính quyền thành phố chủ đề “Bàn giải pháp chống ngập ở TP Hồ Chí Minh ” do HĐND thành phố phối hợp Đài Tiếng nói nhân dân TP Hồ Chí Minh (VOH) thực hiện ngày 4-11 cho biết, địa hình TP Hồ Chí Minh tương đối thấp ở mức +1,5m, trong khi đỉnh triều cao nhất hiện nay đã ở mức +1,7m. Trong thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã nâng cấp, cải tạo trên 500 km đê bao sung yếu; lắp đặt trên 1.000 van ngăn triều tại cửa xả, xây dựng 13 cống kiểm soát ngăn triều lớn, lắp đặt 26 trạm bơm.

Về quy hoạch hạ tầng thoát nước, theo ông Nguyễn Ngọc Minh Phú, Phó Trưởng Phòng Cấp nước - Sở Giao thông vận tải TP, từ năm 1998 đến năm 2000, cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản Jica hỗ trợ nghiên cứu, lập quy hoạch tổng thể thoát nước thành phố đến năm 2020. Trong đó, phạm vi nghiên cứu quy hoạch gần 600 km² được chia làm 6 vùng thoát nước: Trung tâm, Bắc, Tây, Nam, Đông Bắc. Vào thời điểm đó, ông Phú cho rằng, chưa có tác động rõ của biến đổi khí hậu. Hiện nay, do ảnh hưởng này, các thông số tính toán đầu vào như vũ lượng mưa, mực nước triều đã thay đổi theo hướng tăng so với số liệu tính toán trước đây. Đồng thời, do tốc độ đô thị phát triển nhanh, thành phố mới điều chỉnh lại quy hoạch thoát nước cho phù hợp.

Ông Diệp Nguyên Thịnh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên thoát nước đô thị TP cũng nhìn nhận, thời gian gần đây, mưa lớn thường tập trung vào cuối mùa mưa và bước vào triều cường, lượng nước thấm trong đất đã đầy, no nước nên đất không còn thấm được nữa. Đồng thời, các hồ chứa thượng nguồn như hồ Dầu Tiếng, hồ thủy điện trên hệ thống sông Đồng Nai xả lũ và đáy sông kênh rạch không thường xuyên duy tu nạo vét đã cạn dần, bờ sông kênh rạch ngày càng bị lấn chiếm thu hẹp dòng chảy. Vì vậy, mực nước sông Sài Gòn tại trạm Phú An liên tục tăng, tăng nhanh hơn cả mực nước biển dân tại Vũng Tàu dẫn đến ngập.

“Vừa rồi công ty cũng cho lắp đặt các hố ga, ngăn mùi. Năm 2017, đã ứng dụng trên ba tuyến đường: Vĩnh Khánh quận 4, Trương Định quận 1, 3, Lê Đức Thọ, Gò Vấp. Ngoài ra, ứng dụng chỉ đường trên điện thoại thông minh để người dân biết được các tuyến đường nào ngập nên tránh” ông Diệp Nguyên Thịnh cho biết thêm.

Hiện đã có một số điểm ngập nặng được cải thiện như: Xã Bình Mỹ huyện Củ Chi; xã Nhị Bình huyện Hóc Môn; phường Thạnh Xuân, Thạnh Lộc, An Phú Đông quận 12, P. Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước quận Thủ Đức; khu vực Tân Định quận 1,Vòng xoay Cây Gõ quận 6; Mễ Cốc quận 8, khu vực Thanh Đa phường 21, 22, 25 quận Bình Thạnh.

Năm 2018: Sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nặng do triều

TP Hồ Chí Minh cũng đang triển khai hai nhóm giải pháp để chống ngập, ngăn triều. Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước - Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập thành phố cho biết, đối với khu vực đỉnh triều cao, thấp, thành phố cải tạo, nâng cấp hoặc xây mới hệ thống thoát nước, hồ điều tiết kết hợp trạm bơm như khu vực Thanh Đa, Mễ Cốc đã thực hiện hoặc chỉ cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước kết hợp trạm bơm như khu vực quận 6 kết hợp ba trạm bơm Phú Lâm, Cầu Mé và Đầm Sen.

Thành phố đã khởi công dự án Giải quyết ngập do triều cho khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến biến đổi khí hậu, giai đoạn 1. “Dự kiến hoàn thành ngày 30-4-2018. Sau khi dự án hoàn thành sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng ngập do triều lưu vực 550 km², trong đó, có các khu vực bị ngập nặng do triều hiện nay như Huỳnh Tấn Phát, Lê Văn Lương, Trần Xuân Soạn... ”, ông Long nói.

Về đầu tư xây dựng hồ điều tiết, theo ông Long, đây là giải pháp hỗ trợ thoát nước cho hệ thống thoát nước hiện hữu khi biến đổi khí hậu diễn ra mạnh mẽ.

Tại chương trình này, ông Nguyễn Tấn Tuyến, Phó Trưởng ban Đô Thị HĐND thành phố yêu cầu: Ngoài công tác quản lý, không để lấn chiếm san lấp kênh rạch trên địa bàn, TP Hồ Chí Minh rất cần có nguồn vốn xã hội hóa để xây dựng hệ thống thoát nước và khẩn trương khơi thông hệ thống mương rạch thoát nước để tăng lưu lượng dòng chảy, tăng dung tích chứa nước tại các kênh rạch.

“Hiện TP Hồ Chí Minh đang rất nỗ lực để giải quyết tình trạng ngập, tuy nhiên, do các công trình đều đang trong giai đoạn thí điểm hoặc chưa hoàn thành, vì vậy, rất mong quý thính giả cô bác cử tri thành phố chia sẻ”- ông Tuyến nói.

Từ đây đến 2020, TP Hồ Chí Minh sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước tại lưu vực trung tâm thành phố và một phần của năm lưu vực ngoại vi: Bắc, Tây, Nam, một phần Đông Bắc, Đông Nam rộng 550km2 với khoảng 6,5 triệu dân; đồng thời cải thiện môi trường nước, tăng không gian trữ nước và tạo cảnh quan đô thị, góp phần cải thiện đời sống dân sinh, bảo vệ môi trường thành phố. Bên cạnh đó, giải quyết triệt để tình trạng ngập nước do mưa; giải quyết cơ bản tình trạng ngập nước do lũ và triều, có xét đến hiện tượng mực nước biển dâng cao trong tương lai trên phạm vi toàn thành phố.

ĐĂNG QUÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/34609002-tp-ho-chi-minh-no-luc-chong-ngap-khi-mua-lon-trieu-cuong.html