TP Hồ Chí Minh 'mạnh tay' xử lý vi phạm trật tự xây dựng

Tại TP Hồ Chí Minh, tình hình vi phạm trật tự xây dựng đang diễn biến ngày càng phức tạp cả về số vụ và mức độ vi phạm. Lãnh đạo UBND thành phố đã nhiều lần chỉ đạo UBND các quận, huyện và sở, ngành có liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý.

Vi phạm tràn lan

Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, trong năm 2018, quận Thủ Đức là nơi gia tăng các trường hợp xây dựng sai phép với 112 trường hợp; trong đó, phải kể đến phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức là địa bàn “nóng” về vi phạm trật tự xây dựng với nhiều căn nhà xây dựng không phép mọc lên, tồn tại trong nhiều năm nay. Chỉ khi người dân tố giác, phản ánh thì lực lượng chức năng mới kiểm tra, xử lý nhưng có nhiều trường hợp xử lý không dứt điểm, thiếu quyết liệt, gây bức xúc trong nhân dân.

Một số đối tượng ngang nhiên san ủi, xây dựng trên phần đất quy hoạch đường, thuộc dự án hẻm 232, đường HT13, quận 12.

Một số đối tượng ngang nhiên san ủi, xây dựng trên phần đất quy hoạch đường, thuộc dự án hẻm 232, đường HT13, quận 12.

Đơn cử, từ năm 2014, tại Khu phố 8 phường Hiệp Bình Chánh tồn tại 4 căn xây dựng không phép; trong đó, 3 căn vẫn tồn tại đến cuối năm 2017, 5 căn nhà xây dựng không phép tại đường 48 tồn tại từ năm 2012 (đến năm 2017 mới bị tháo dỡ), 4 căn xây dựng không phép tại đường 46 tồn tại từ năm 2012 (cuối năm 2016 mới có quyết định cưỡng chế). Có trường hợp xây nhà xưởng 500m2 không phép tại đường 48 nhưng chỉ mới đình thi công xây dựng.

Đặc biệt là việc xây dựng 3 căn nhà không phép tại khu đất không số, đối diện với nhà 29/40/7/17 đường 42. Đây là khu đất nông nghiệp, nằm trong quy hoạch công viên cây xanh được các đối tượng mua theo hình thức giấy viết tay, sau đó xây nhà bán lại cho nhiều người. Sự việc tồn tại nhiều năm qua nhưng chỉ mới xử lý gần đây, khiến nhiều người dân lâm vào cảnh “trắng tay”.

Anh D. người có nhà bị cưỡng chế cho biết, vì không đủ tiền mua nhà nên anh bỏ ra 800 triệu đồng mua đất qua giấy viết tay. Được người bán hứa hẹn không bị phá dỡ nên anh xây nhà cấp 4 cùng vợ con sinh sống. Sau khi bị cưỡng chế phá dỡ, gia đình tìm cách liên lạc với người bán đất nhưng thất bại, phải xin chính quyền tá túc bằng việc dựng lều sát chỗ cũ để ở trong thời gian tìm chỗ ở mới.

Một căn nhà xây dựng không phép trên đất quy hoạch tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức.

Tương tự là cảnh mua đất nông nghiệp, phân lô bán nền ồ ạt, dẫn tới vi phạm trật tự xây dựng tại quận Tân Phú. Vừa qua UBND phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú có thông báo cảnh báo người dân việc phân lô bán nền đất hẻm 38 đường Nguyễn Sơn. Theo đó, khu đất rộng hơn 4.000m2 là đất nông nghiệp, thuộc quy hoạch đất công viên cây xanh nhưng lại được phân lô rao bán công khai.

Không “kém cạnh” là tình hình vi phạm trật tự xây dựng tại quận 12. Nhiều người dân sống tại hẻm 232, đường HT13, khu phố 5, phường Hiệp Thành, quận 12 phản ánh tình trạng xây dựng không phép, sai phép trên đường dự phóng hẻm 232 (đường quy hoạch sẽ mở rộng), đường HT13 nhưng lực lượng chức năng quản lý đô thị của UBND phường Hiệp Thành và quận 12 chậm xử lý.

Tại đây, có đối tượng ngang nhiên tập kết phương tiện, vật liệu và tiến hành san ủi đất, khoan giếng, đổ bê tông kiên cố, xây hàng rào, lưới thép B40 cao 2m, dựng các cột thép lớn chuẩn bị phân lô trên phần đất thuộc đường dự phóng nhưng không hề gặp bất kỳ “cản trở” nào.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp Thành thừa nhận, công trình nói trên được một người mua đất là ông Nguyễn Văn Thanh tổ chức xây dựng trên đường dự phóng hẻm 232, quy hoạch mở rộng 30m. Công trình được xây dựng trên phần đất đang là đất nông nghiệp, được mua theo giấy viết tay từ bà Nguyễn Thị Rịch ở 18/4, Khu phố 5, phường Hiệp Thành, quận 12.

Thay vì giữ nguyên hiện trạng đường dự phóng, nghiêm cấm xây dựng trên đường quy hoạch thì UBND phường Hiệp Thành lại không hề có động thái kiên quyết, mạnh mẽ nào để ngăn chặn công trình vi phạm trật tự xây dựng. Nhiều người dân bức xúc cho rằng, đối tượng tổ chức xây dựng công trình vi phạm đã được hợp thức hóa, sau này khi Nhà nước làm đường sẽ phải đền bù, hỗ trợ, Nhà nước vừa tốn thêm một khoản tiền đồng thời quy hoạch đô thị bị xem thường và rơi vào cảnh “nhếch nhác".

Kể cả khu đô thị kiểu mẫu

Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7 do Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng làm chủ đầu tư được xem là khu đô thị kiểu mẫu, hiện đại, văn minh của TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, một thực tế đang diễn ra ở đây là việc có nhiều lô đất nằm trong quy hoạch khu đô thị chưa được chủ đất sử dụng, xây dựng mà bỏ trống, cho thuê lại để mở nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, kéo theo tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, xây sai thiết kế mẫu nhà đã được phê duyệt.

Mới đây, UBND phường Tân Phong, UBND quận 7 đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm; trong đó, quận đã ra quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm đối với hộ dân Trần Thị Mến tại lô R4-20, Khu 22, Hưng Gia 4 (thuộc Khu A Khu đô thị Phú Mỹ Hưng) vì xây dựng công trình sai quy hoạch.

Hiện việc phối hợp kiểm tra, xử lý của các cơ quan có liên quan trong vi phạm xây dựng đang bị lơ là. Theo UBND phường Tân Phong, một số trường hợp công trình có sẵn và công trình xây dựng nhà tạm để kinh doanh không phù hợp với quy hoạch, lén lút thi công vào ngày cuối tuần, ban đêm xây dựng nhà khung sắt mái bạt hoặc tôn. Đặc biệt chủ đầu tư cố tình viện nhiều lý do không cung cấp hồ sơ xây dựng cho UBND phường Tân Phong đã gây khó khăn cho việc kiểm tra xử lý.

UBND phường Tân Phong, quận 7 đã đề nghị Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng hỗ trợ, cử lực lượng ngăn chặn công nhân và phương tiện, máy móc vào thi công đối với các công trình xây dựng vi phạm, đồng thời cung cấp hồ sơ chủ đầu tư công trình vi phạm để UBND phường Tân Phong xử lý theo quy định cũng như không cung cấp các dịch vụ liên quan cho các công trình vi phạm.

Phần đất thuộc dự án Khu dân cư Ven Sông, quận 7 được cho thuê lại và xây dựng sai phép.

Cũng tại phường Tân Phong, quận 7, Khu II Khu dân cư Ven Sông thuộc sở hữu của Công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn (gọi tắt là Sadeco), từ năm 2017, do chưa có kế hoạch khai thác khu đất này và buông lỏng quản lý nên đã xảy ra lấn chiếm. Tại cuộc họp diễn ra ngày 19/6/2014, Sadeco đã đồng ý cho Công ty TNHH MTV Sông Thanh Bình (gọi tắt là Công ty Sông Thanh Bình) nhận quản lý giữ đất, bù lại Công ty Sông Thanh Bình được khai thác tạm trên khu đất thay vì Sadeco phải trả chi phí quản lý.

Tháng 12/2014, Công ty Sông Thanh Bình ký hợp đồng cho thuê quyền sử dụng đất cho Công ty TNHH Thương mại Cao Thuận với diện tích 12.300m2 tại Khu II Dự án Khu dân cư Ven Sông để làm kho bãi, nhà xưởng. Thời gian thuê từ năm 2014 đến năm 2025, giá thuê 160 triệu đồng/tháng.

Thay vì tăng cường quản lý trật tự xây dựng theo quy hoạch chức năng Khu II Khu dân cư Ven Sông thì vào tháng 12/2014, UBND quận 7 chấp thuận cho Công ty Sông Thanh Bình xây dựng tạm hàng rào và các hạng mục phụ trợ. Đến tháng 8/2015, UBND quận 7 có văn bản số 2506/UBND-QLĐT chấp thuận chủ trương xây dựng tạm của Công ty Sông Thanh Bình để khai thác quỹ đất trống.

Trái với chủ trương khó hiểu trên, trong công văn số 1366/BQLKN-QHXD gửi Công ty Sông Thanh Bình, Ban Quản lý khu Nam cho rằng, khu đất nói trên đã được UBND Tp. Hồ Chí Minh giao làm cơ sở hạ tầng khu dân cư, được phê duyệt quy hoạch phân lô tỷ lệ 1/500 nên việc Công ty Sông Thanh Bình xin phép xây dựng tạm là không phù hợp pháp lý dự án. Khu đất này cũng không thuộc trường hợp xem xét cấp phép xây dựng tạm.

Hệ quả là nhiều năm nay, Sadeco liên tục đòi Công ty Sông Thanh Bình trả đất nhưng chưa được. Trong khi đó tình trạng san lấp, xây dựng tại đây diễn ra công khai nhưng lại không bị chính quyền xử lý. Phía ngoài khu đất được rào tạm các tấm tôn, phía trong ngổn ngang tập kết xe tải, vật liệu, bán cây cảnh, treo biển quảng cáo gây mất mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nguy cơ sạt lở bờ sông.

Đã đến lúc TP Hồ Chí Minh cần áp dụng hình thức xử lý nghiêm minh; trong đó có việc áp dụng Điều 343 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định “Tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở” để xử lý vi phạm, có như vậy mới đủ sức răn đe, phòng ngừa cũng như củng cố niềm tin trong nhân dân.

Bài và ảnh: Trần Xuân Tình (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/tp-ho-chi-minh-manh-tay-xu-ly-vi-pham-trat-tu-xay-dung-20190226145927098.htm