TP. Hồ Chí Minh liên kết, mở rộng không gian phát triển kinh tế

Để nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế TP. Hồ Chí Minh, đáp ứng yêu cầu hội nhập, thành phố sẽ chuyển từ mô hình nền kinh tế chú trọng yếu tố đầu vào sang mô hình đổi mới, sáng tạo hướng đến các mục tiêu dài hạn với ba nội dung là phát triển công nghệ, cơ sở hạ tầng, con người.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của thành phố trong 8 tháng/2018 đạt 679.845 tỷ đồng, tăng 12,6% so cùng kỳ

Tăng trưởng kinh tế ổn định

Trong 8 tháng/2018, thành phố (TP) đã có 618 dự án có vốn nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư trên địa bàn với tổng vốn đăng ký đạt 542,4 triệu USD, tăng 20% về giấy phép và giảm 31,2% về vốn đăng ký so với năm 2017. Điều chỉnh tăng vốn đầu tư có 168 dự án, vốn đạt 464,7 triệu USD. Tổng vốn đăng ký cấp phép mới và tăng vốn đến hết tháng 8/2018 đạt 1 tỷ USD, bằng 73% so với cùng kỳ năm trước. Góp vốn, mua cổ phần có 1.876 trường hợp, tổng vốn đạt trên 4 tỷ USD, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của TP trong 8 tháng/2018 tăng 7,59% so với cùng kỳ, những ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao như sản xuất phương tiện vận tải; sản xuất giấy; sản xuất sản phẩm điện tử; sản xuất kim loại; dệt; trang phục. Lĩnh vực thương mại tiếp tục phát triển, tập trung về chất lượng và hoạt động tốt, đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa cho nhu cầu sinh hoạt người dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng/2018 đạt 679.845 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ. Lĩnh vực thương mại dịch vụ có 22.279 DN thành lập mới với vốn đăng ký kinh doanh 254.928,9 tỷ đồng, tăng 7,25% về số lượng so cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của DN TP tính chung 8 tháng/2018 đạt 24,66 tỷ USD, tăng 6,0% so với cùng kỳ. Nếu không tính giá trị dầu thô, kim ngạch ước đạt 23 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, sự phát triển của khu vực đầu tư nước ngoài tác động mạnh đến khu vực sản xuất trong nước, tạo sự cạnh tranh, thúc đẩy các DN trong nước cải thiện sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng ngày càng đa dạng, phong phú của người dân trên địa bàn.

Ông Sử Ngọc Anh - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kinh tế của TP tiếp tục tăng trưởng ổn định, với đà tăng trưởng này TP cũng đang đặt ra nhiều mục tiêu phát triển mới. Đến nay sau gần 3 năm triển khai thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh kinh tế TP đáp ứng yêu cầu hội nhập giai đoạn 2016 - 2020, TP duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao ổn định, môi trường đầu tư được cải thiện, niềm tin của DN, nhà đầu tư được nâng lên, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế phát triển. Chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế TP đáp ứng yêu cầu hội nhập giai đoạn 2016 - 2020 là một trong bảy chương trình đột phá của TP.

Chú trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng

Theo GS.TS Nguyễn Trọng Hoài, Trường Đại học Kinh tế TP, để nâng cao chất lượng tăng trưởng cho nền kinh tế TP, cần chuyển từ mô hình nền kinh tế chú trọng yếu tố đầu vào sang mô hình hiệu quả, đổi mới, sáng tạo hướng đến các mục tiêu dài hạn với ba nội dung cần chú trọng phát triển là công nghệ- cơ sở hạ tầng, con người, thể chế. Đồng thời, nâng cao năng suất quản lý điều hành chung bằng ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông cho các giao dịch công.

Theo đó, TP cần xác định trở thành trung tâm tài chính, công nghệ cao, tiêu thụ của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Chuyển dần các ngành, lĩnh vực thâm dụng lao động sang các địa phương lân cận, các vùng nông thôn và xây dựng các đô thị vệ tinh xung quanh thay vì tập trung tại TP và thu hút quá nhiều người nhập cư.

GS.TS Nguyễn Thị Cành, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính thuộc Trường Đại học Kinh tế - Luật TP. Hồ Chí Minh cho hay, TP cần có chính sách hỗ trợ vốn hữu hiệu hơn cho các DN nhỏ và vừa, cần ưu tiên cho các dự án đầu tư công nghệ cao, đầu tư phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, có chính sách đột phá đầu tư về khoa học công nghệ và ưu đãi cho DN trong đầu tư đổi mới công nghệ. Các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của TP cần dựa trên nền tảng kinh tế chia sẻ, ứng dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 theo hướng tăng năng suất cho các DN, các ngành và tiểu ngành kinh tế của TP một cách cụ thể với tính thực thi cao, xây dựng chuỗi giá trị toàn cầu cho các ngành sản xuất thế mạnh.

Năm 2019 TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 8- 8,5%, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế TP; thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực gắn với phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu phù hợp. Đồng thời, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển đô thị bền vững, thực hiện hiệu quả Đề án “Xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”; Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2016- 2020…

Ngọc Thảo

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/tp-ho-chi-minh-lien-ket-mo-rong-khong-gian-phat-trien-kinh-te-108471.html