TP Hồ Chí Minh: Không chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch

Mặc dù TP Hồ Chí Minh đã không còn nằm trong nhóm có nguy cơ cao, nhưng lãnh đạo Thành phố vẫn yêu cầu các sở-ngành, quận-huyện và người dân tuyệt đối không chủ quan, lơ là; tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của UBND Thành phố về phòng, chống dịch COVID-19.

Lãnh đạo UBND TP chỉ đạo cuộc họp (Ảnh: Trung tâm báo chí Thành phố)

Chiều tối ngày 22/4/2020, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 TP Hồ Chí Minh tổ chức họp giao ban trực tuyến về tình hình dịch bệnh diễn ra trên địa bàn.

Chủ trì tại điểm cầu UBND Thành phố có Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Anh Đức. Tham dự có đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành cùng lãnh đạo các quận, huyện tại các điểm cầu địa phương.

Theo báo cáo của Sở Y tế, tới thời điểm hiện nay trên địa bàn Thành phố chỉ còn 2 ca bệnh đang tiếp tục điều trị với tình trạng sức khỏe ổn định. Số trường hợp đang cách ly tập trung tính tới nay là 52 trường hợp.

Thành phố đã tổ chức xét nghiệm sàng lọc giám sát công nhân lưu trú trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Tính tới ngày 21/4/2020 đã thực hiện xét nghiệm cho 6.280 công nhân, trong đó 5.372 mẫu có kết quả âm tính, còn 908 mẫu chờ kết quả.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Thanh Liêm cho biết, sau buổi họp Thường trực Chính phủ vừa diễn ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận Thành phố nằm trong nhóm có nguy cơ. Như vậy, từ 23/4, TP Hồ Chí Minh sẽ thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị 15 thay vì cách ly xã hội như Chỉ thị 16.

Để tiếp tục phát huy những kết quả quý giá đạt được trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Thành phố, trên cơ sở hướng dẫn của Ban chỉ đạo Quốc gia, đồng chí Lê Thanh Liêm yêu cầu, các sở-ngành, quận-huyện và người dân trên địa bàn Thành phố thực hiện các nội dung phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị 15/CT- TTg của Thủ tướng Chính phủ. “UBND Thành phố sẽ sớm ban hành hướng dẫn cụ thể”, đồng chí Lê Thanh Liêm cho biết. Đồng thời, yêu cầu các địa phương tuyệt đối không chủ quan, lơ là và tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của UBND Thành phố về phòng, chống dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, Thành phố tiếp tục thẩm định và ban hành các bộ chỉ số an toàn trên các lĩnh vực để làm căn cứ đánh giá cho việc hoạt động trở lại theo lộ trình của các ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Đồng chí Lê Thanh Liêm cũng nhấn mạnh, các sở - ngành và đơn vị liên quan chuẩn bị sẵn sàng các phương án để trong thời gian tới sẽ đón người Việt Nam từ nước ngoài về, đảm bảo tuân thủ các quy trình phòng chống dịch an toàn và hiệu quả.

TP Hồ Chí Minh đã nhiều ngày không xuất hiện ca nhiễm, tuy nhiên vẫn tồn tại nguy cơ. Lãnh đạo Thành phố yêu cầu các sở - ngành, quận - huyện cần chủ động xây dựng và triển khai các giải pháp vừa phòng, chống dịch bệnh vừa đảm bảo đời sống sản xuất. Các địa phương cũng tổ chức đánh giá lại toàn bộ công tác phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian qua trên địa bàn mình, gửi báo cáo về Sở Y tế để tổng hợp trước ngày 26/4/2020.

Đồng chí Lê Thanh Liêm cũng yêu cầu tất cả các hoạt động kinh doanh vận tải có điều kiện đều chưa được hoạt động cho đến khi Sở Giao thông vận tải ban hành Bộ tiêu chí đánh giá chỉ số rủi ro lây nhiễm COVID-19. Các ngành nghề kinh doanh khác cũng chỉ được hoạt động khi có Bộ tiêu chí đánh giá chỉ số rủi ro lây nhiễm do cơ quan nhà nước thuộc lĩnh vực hoạt động đó ban hành.

Từ ngày 20/3 đến ngày 22/4/2020, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận tổng cộng số tiền, hàng là hơn 163 tỷ 038 triệu đồng của 6.545 đơn vị, cá nhân ủng hộ. Trong đó, ủng hộ công tác phòng chống dịch COVID-19 là 142 tỷ 547 triệu đồng (tiền mặt: 120 tỷ 461 triệu đồng và hàng hóa trị giá 22 tỷ 086 triệu đồng). Ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do hạn hán xâm nhập mặn gây ra là hơn 20 tỷ 491 triệu đồng.

Đến nay, đã phân phối tiền, hàng hóa, với tổng giá trị hơn 45 tỷ 261 triệu đồng, trong đó: chi 7 tỷ đồng để hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn; chi hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19 là 38 tỷ 261 triệu đồng. Tất cả đã được chuyển đến các cơ sở điều trị, các bệnh viện dã chiến, các khu cách ly, các y, bác sĩ, lực lượng tình nguyện, nhân viên phục vụ công tác phòng, chống dịch và những người cách ly.

V.Lê

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/thoi-su/tp-ho-chi-minh-khong-chu-quan-lo-la-trong-phong-chong-dich-553387.html