TP Hồ Chí Minh: Khoanh vùng, dập dịch khẩn trương, triệt để

TP Hồ Chí Minh cần tiếp tục điều tra truy vết, khoanh vùng, dập dịch khẩn trương, triệt để; tăng cường giám sát, phòng chống dịch COVID-19 trong khu công nghiệp; đảm bảo năng lực và chất lượng cách ly tập trung; tăng cường giám sát cách ly tại nhà...

Đó là ý kiến đưa ra tại cuộc họp giao ban trực tuyến về tình hình dịch bệnh trên địa bàn do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/6.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi và Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong chủ trì cuộc họp.

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: SGGP

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: SGGP

Phát biểu chỉ đạo tại buổi họp, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi cho rằng, mặc dù về cơ bản Thành phố đã kiểm soát được dịch bệnh, tuy nhiên các trường hợp lây nhiễm trong thời gian qua cho thấy, thời gian ủ bệnh cũng chính là thời gian dịch bệnh lây lan, trong khi đó người dân vẫn còn có tâm lý chủ quan và chưa thực hiện nghiêm Thông điệp 5K, dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, các thông tin mang tính cảnh báo, nâng cao ý thức người dân, để người dân hiểu được mức độ nghiêm trọng khi vi phạm nguyên tắc phòng chống dịch; chủ động trong việc kiểm soát thông tin trên mạng xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh cơ chế trao đổi thông tin giữa TP Hồ Chí Minh và các địa phương để không chỉ người dân Thành phố mà cả người dân các địa phương hiểu rõ, hiểu đúng về tình hình dịch bệnh diễn ra trên địa bàn Thành phố.

Bên cạnh đó, đồng chí cũng nhấn mạnh cần tăng cường công tác kiểm tra và hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch tại các Khu công nghiệp, Khu chế xuất…

Nâng cao năng lực và chất lượng cách ly tập trung, đảm bảo đủ điều kiện cách ly an toàn, phù hợp chi phí; tăng cường biện pháp giám sát cách ly tại nhà nhằm giảm tải cho khu cách ly tập trung.

Đối với việc giãn cách xã hội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi lưu ý cần đánh giá kỹ để áp dụng hình thức phù hợp trong thời gian tới, từ đó thông tin kịp thời tới người dân và các địa phương lân cận.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, mặc dù toàn Thành phố đã thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, Quận 12 thực hiện Chỉ thị 16 trong vòng 15 ngày kể từ ngày 31/5, nhưng mỗi ngày Thành phố vẫn ghi nhận từ 30-50 ca bệnh. Đa số các trường hợp mắc là F1 trong các khu cách ly, các khu phong tỏa hoặc phát hiện qua xét nghiệm tầm soát khi đến khám bệnh tại các bệnh viện và truy vết rộng tại các khu phố, công ty, cao ốc.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) cho thấy, tỷ lệ chuyển từ F1 lên F0 có xu hướng giảm dần, nhưng tỷ lệ các trường hợp ca mắc mới được phát hiện từ khám sàng lọc tại bệnh viện, phòng khám có xu hướng tăng. Chủ tịch UBND Thành phố cho rằng, điều đó chứng tỏ tình hình dịch bệnh trong cộng đồng chưa được kiểm soát triệt để.

Đặc biệt, Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh về vấn đề đáng lo hiện nay là người dân khi đi khám không thành thật khai các triệu chứng ngay từ khâu khám sàng lọc, do đó ảnh hưởng rất lớn đến công tác sàng lọc của các bệnh viện. Dựa vào thời gian ủ bệnh là 14-21 ngày, Chủ tịch UBND TP nhận định trong 10 ngày tới có thể phát hiện thêm các ca bệnh rải rác từ những ổ dịch đã được kiểm soát.

Từ đó, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong cho rằng cần tận dụng tối đa những ngày áp dụng giãn cách tiếp theo, bên cạnh việc yêu cầu người dân khai báo y tế đầy đủ, khám kiểm tra sức khỏe ngay khi có triệu chứng nghi ngờ hoặc có yếu tố dịch tễ để kịp thời phát hiện tình trạng bệnh và cách ly điều trị sớm. Thành phố cần tiếp tục điều tra truy vết, khoanh vùng, dập dịch khẩn trương, triệt để; Tăng cường giám sát, phòng chống dịch COVID-19 trong khu công nghiệp; Đảm bảo năng lực và chất lượng cách ly tập trung; tăng cường giám sát cách ly tại nhà; Tăng cường năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2; Sẵn sàng năng lực điều trị người bệnh COVID-19, chủ động xây dựng phương án đáp ứng chống dịch với 5.000 ca nhiễm; Đối với các tòa nhà văn phòng, công ty, trung tâm thương mại được phong tỏa để xử lý phòng, chống dịch.

Về việc tiêm vắc xin, đồng chí Nguyễn Thành Phong cho biết, với mục tiêu 2/3 dân số Thành phố sẽ được tiêm vắc xin COVID-19 trong năm nay, bên cạnh chương trình tiêm vắc xin của cả nước, cùng với sự phối hợp đồng bộ với các cơ quan trung ương và hướng dẫn của Bộ Y tế, Thành phố sẽ thành lập Tổ công tác mua-tiêm vắc xin COVID-19 để thực hiện việc đàm phán nguồn cung vắc xin, tham mưu và tổ chức tiêm vắc xin./.

Theo Phó chủ tịch UBND Thành phố Dương Anh Đức, kinh nghiệm trong các đợt chống dịch vừa qua cho thấy, có 3 yếu tố quyết định đến kết quả trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh COVID-19. Đầu tiên là ý thức tự giác vì cộng đồng, sự hợp tác của người dân đối với các biện pháp phòng dịch của Thành phố. Yếu tố thứ 2 là sự cảnh giác và chuyên nghiệp của hệ thống y tế trong mọi tình huống để đảm bảo không gây lây lan tại các cơ sở y tế, trong đó đặc biệt chú trọng công tác sàng lọc, phân luồng. Yếu tố thứ 3 là ý thức trách hiệm và sự nghiêm túc của các cơ quan, đơn vị, nhất là những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao như các khu công nghiệp, khu chế xuất, các doanh nghiệp có địa điểm làm việc trong môi trường kín…

Từ đó, Phó chủ tịch UBND Thành phố Dương Anh Đức đề nghị các quận, huyện và các đơn vị trên địa bàn Thành phố thường xuyên tổ chức tự đánh giá mức độ nguy cơ theo tiêu chí phân loại của Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 Quốc gia đã ban hành theo Quyết định số 2686. Thành phố sẽ căn cứ vào báo cáo đánh giá nguy cơ được phân loại theo từng quận, huyện, xã… để quyết định các biện pháp phù hợp cho địa phương trong thời gian tới.

V.Lê

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/khoa-giao/tp-ho-chi-minh-khoanh-vung-dap-dich-khan-truong-triet-de-582939.html