TP. Hồ Chí Minh khẳng định vai trò tiên phong

Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh năm 2018 - HEF 2018 đã kết thúc thành công với nhiều kết quả quan trọng, vai trò tiên phong của Thành phố trong triển khai đường lối đối ngoại nhằm phát triển kinh tế - xã hội đã được khắc họa rõ nét. Giám đốc Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh Lê Quang Long đã chia sẻ như vậy trong cuộc trao đổi với báo TG&VN.

Giám đốc Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh Lê Quang Long.

Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật của HEF 2018, sự kiện thành công có đáp ứng được mục tiêu và kỳ vọng mà Thành phố đã đề ra?

HEF 2018 với chủ đề “Kiến tạo đô thị sáng tạo, tương tác – Vai trò động lực của doanh nghiệp” được tổ chức trong bối cảnh Thành phố đang tích cực triển khai xây dựng khu vực phía Đông Thành phố, bao gồm Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức trở thành khu đô thị sáng tạo mang tính tương tác cao. Diễn đàn tập trung vào 4 chủ đề chính: (1) xu hướng phát triển của các mô hình đô thị sáng tạo và tác động đối với kinh tế - xã hội; (2) chủ trương xây dựng khu vực phía Đông Thành phố theo hướng đô thị sáng tạo; (3) vai trò động lực của doanh nghiệp trong quá trình kiến tạo đô thị sáng tạo và (4) cơ chế hợp tác giữa Doanh nghiệp – Nhà khoa học - Nhà nước.

Diễn đàn đã mang lại nhiều kết quả quan trọng và thực chất, đáp ứng các yêu cầu đã đề ra, cụ thể như sau:

Thứ nhất, thông qua Diễn đàn đã truyền tải đến cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế thông điệp về quyết tâm xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh, sáng tạo; xây dựng chính quyền kiến tạo phục vụ, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Đặc biệt, thông điệp này rất phù hợp với vị thế Thành phố là đầu tàu kinh tế, trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước và trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Thứ hai, Diễn đàn đã quy tụ nhiều chuyên gia, học giả đến từ các quốc gia có thế mạnh về đổi mới sáng tạo (như Phần Lan, Thụy Điển, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản…) và các tổ chức quốc tế lớn (WB, IFC, APEC…) để trao đổi về kinh nghiệm, bài học về sáng tạo và đón đầu làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0. Có thể nói đây là “Diễn đàn của ý tưởng” lớn nhất của Thành phố trong năm 2018 với mục tiêu đi sâu phân tích vai trò động lực của doanh nghiệp và xu thế, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với quá trình kiến tạo đô thị sáng tạo, từ đó xây dựng các quyết sách phù hợp.

Thứ ba, thành công của Diễn đàn đã tạo nền tảng để có thể trở thành một sự kiện thường niên mang đậm dấu ấn của Thành phố, quy tụ đông đảo lãnh đạo địa phương các nước, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế, góp phần quảng bá và nâng cao vị thế của Thành phố trên trường quốc tế.

Diễn đàn Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh năm 2018. (Nguồn: SNV)

Những kết quả thu được từ HEF 2018 có ý nghĩa đối với sự phát triển của Thành phố trong giai đoạn hội nhập hiện nay. Theo ông, dấu ấn đối ngoại quan trọng nhất đã được thể hiện như thế nào qua sự kiện lần này?

Ngoài các phiên toàn thể với 800 đại biểu tham dự, trong khuôn khổ HEF 2018 có 5 phiên thảo luận chia thành 8 nhóm, với 250-300 đại biểu dự mỗi phiên; hơn 50 tham luận và ý kiến trao đổi trực tiếp.

Diễn đàn HEF 2018 là một trong những bước đi cụ thể hiện thực hóa chủ đề năm ngoại giao 2018: “Chủ động, tích cực phát huy môi trường thuận lợi cho phát triển và hội nhập quốc tế” và Nghị quyết ĐH Đảng bộ Thành phố lần thứ X về “Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế”. Có thể nói, qua Diễn đàn, dấu ấn đối ngoại quan trọng nhất của Thành phố được thể hiện qua các khía cạnh sau:

Trước hết, Thành phố từng phối hợp với các Bộ ngành Trung ương tổ chức các diễn đàn, sự kiện quốc tế lớn trong khu vực như Diễn đàn WEF Đông Á 2010, các sự kiện của năm APEC Việt Nam 2006 và 2017,... Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Thành phố chủ trì tổ chức một sự kiện quốc tế lớn tầm khu vực, tạo được dấu ấn và tiếng vang lớn đối với bạn bè quốc tế.

Thứ hai, Thành phố đã lựa chọn nội dung và chủ đề của Diễn đàn HEF phù hợp, không chỉ xuất phát từ nhu cầu của Thành phố mà còn thu hút được sự quan tâm của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các địa phương nước ngoài cũng như cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Do đó, Diễn đàn đã thu hút được đông đảo đại biểu trong nước và quốc tế tham gia với nhiều nội dung trao đổi bổ ích, thiết thực.

Thứ ba, Diễn đàn đã cho thấy quyết tâm, cầu thị của lãnh đạo Thành phố trong tìm hiểu mô hình xây dựng khu đô thị sáng tạo, thể hiện qua việc các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Thành phố tham dự tất cả các hoạt động tại Diễn đàn và trực tiếp tham gia các phiên thảo luận để cùng trao đổi với đại biểu và diễn giả.

Ông có thể cho biết một số công việc và kết quả cụ thể mà Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh đã triển khai trong thời gian qua, nhằm góp phần thực hiện mục tiêu kiến tạo Đô thị sáng tạo của Thành phố.

Sở đã tích cực và có nhiều đóng góp quan trọng cho mục tiêu xây dựng Đô thị đổi mới sáng tạo, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (ĐMST), khai thác tiềm lực của cộng đồng tri thức và doanh nghiệp Thành phố, bao gồm:

Diễn đàn HEF 2018 để lại hình ảnh Thành phố rõ nét trong lòng bạn bè quốc tế về sự năng động, cởi mở, hiếu khách, năng lực kết nối, điều phối và tổ chức những sự kiện tầm cỡ quốc tế, khẳng định vai trò tiên phong trong việc triển khai đường lối đối ngoại đa phương hóa, tích cực tranh thủ nguồn ngoại lực nhằm phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

Một là, tham mưu tổ chức các chuyến đi nghiên cứu, học tập ở nước ngoài về các mô hình đô thị sáng tạo thành công trên thế giới để vận dụng cho Thành phố, ví dụ như các chuyến công tác của lãnh đạo Thành phố đến Thành phố Khoa học Tsukuba (Nhật Bản), Trung tâm Đổi mới sáng tạo Cambrigde Innovation Center (Hoa Kỳ),...

Hai là, chủ động sắp xếp và chuẩn bị kỹ nội dung để lãnh đạo Thành phố tiếp xúc với đại diện chính quyền, cơ quan nghiên cứu, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới (như Phần Lan, Hoa Kỳ, Canada, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Israel,...) nhằm giới thiệu, kêu gọi đầu tư triển khai xây dựng Đề án đô thị sáng tạo cũng như các chương trình kết nối, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh và hợp tác quốc tế.

Ba là, phối hợp tổ chức các hội nghị quốc tế, chương trình kết nối như Diễn đàn startup Việt, Hội nghị quốc tế về tầm nhìn cho đô thị sáng tạo TP.Hồ Chí Minh, Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp WHISE,... nhằm định vị vai trò và động lực của doanh nghiệp, các cơ chế, chính sách phù hợp giúp thúc đẩy quá trình xây dựng khu đô thị sáng tạo nói riêng và đối mới sáng tạo nói chung.

Thời gian qua, hoạt động đổi mới sáng tạo của Thành phố đã thu hút thêm nguồn ngoại lực từ các chương trình hợp tác quốc tế, như với Viện Nghiên cứu Massachusette (MIT), Cơ quan Đổi mới sáng tạo Israel (IIA), Quỹ Đầu tư IDG, Dragon Capital, Springs,... mở ra nhiều cơ hội cho quá trình xây dựng Đô thị sáng tạo và giúp phong trào đổi mới sáng tạo của Thành phố ngày càng phong phú và có hiệu ứng lan tỏa tích cực.

Ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm thực hiện hiệu quả công tác Ngoại giao phục vụ phát triển, đặc biệt về công tác tổ chức các sự kiện kinh tế quốc tế lớn, thể hiện rõ vai trò tham mưu của Sở trong các hoạt động đối ngoại tại địa phương.

Từ thực tiễn hoạt động với vai trò là một đơn vị trực thuộc Bộ Ngoại giao, đồng thời là cơ quan tham mưu và trực tiếp triển khai các nội dung hợp tác quốc tế của Thành phố, chúng tôi thấy cần chú ý đến một số vấn đề sau:

Đầu tiên, cần luôn quan tâm và chú trọng xây dựng mạng lưới kết nối chặt chẽ với các đối tác quốc tế thông qua các cơ quan, đơn vị trong Bộ (các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các đơn vị chức năng của Bộ); các cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự và hiệp hội doanh nghiệp các nước tại TP. Hồ Chí Minh và hệ thống hơn 50 địa phương nước ngoài có quan hệ hợp tác với Thành phố.

Thứ hai, luôn dựa trên các nhu cầu và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, đồng thời phù hợp với sự quan tâm và xu thế chung của cộng đồng quốc tế và khu vực để xây dựng các chủ đề của sự kiện và hoạt động đối ngoại, vì vậy, các sự kiện đối ngoại do Sở tham mưu và triển khai thực hiện luôn nhận được sự đồng thuận và quan tâm cao của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Một yếu tố không kém phần quan trọng chính là yếu tố con người. Đội ngũ cán bộ của Sở luôn trau dồi kiến thức về hội nhập quốc tế, đặc biệt là kinh tế quốc tế, đồng thời hiểu rõ các nhu cầu và trọng tâm phát triển của Thành phố, từ đó xây dựng các nội dung tham mưu và chương trình hành động phù hợp.

Xin cảm ơn ông!

Chu Văn

(thực hiện)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/tp-ho-chi-minh-khang-dinh-vai-tro-tien-phong-82549.html