TP. Hồ Chí Minh kêu gọi đầu tư vào các dự án chống ngập và xử lý nước thải

Ngày 9/8, tại Hội nghị mời gọi đầu tư các giải pháp chống ngập và xử lý nước thải của thành phố, trên cơ sở các dự án và dự kiến nguồn vốn triển khai giai đoạn 2016 - 2020, UBND TP. Hồ Chí Minh đã kêu gọi đầu tư vào 17 dự án chống ngập nước và xử lý nước thải bằng hình thức đối tác công tư (PPP).

Các dự án mời gọi đầu tư sẽ tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước tại khu vực trung tâm thành phố và một phần của 5 lưu vực ngoại vi

Theo báo cáo của UBND TP. Hồ Chí Minh, hiện nhu cầu đầu tư đến năm 2020 cho chương trình giảm ngập nước là trên 96.000 tỷ đồng; trong đó ngân sách thành phố chỉ đảm bảo cân đối khoảng 16.000 tỷ đồng, ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu 588 tỷ đồng, còn lại là các nguồn xã hội hóa và vận động nguồn ODA. Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp, việc tăng cường thu hút đầu tư các nguồn lực trong và ngoài nước được xem là giải pháp hữu hiệu để giảm ngập cho TP trở nên hết sức cấp bách.

Do vậy, TP. Hồ Chí Minh kêu gọi các doanh nghiệp (DN) tham gia đầu tư vào 17 dự án thuộc Chương trình chống ngập nước bằng hình thức đối tác công tư (PPP) bao gồm xây dựng hệ thống thu gom, nhà máy xử lý nước thải và cải tạo, nạo vét các tuyến kênh rạch đảm bảo phù hợp quy hoạch thoát nước trong tương lai, đồng bộ giải quyết đối với các kênh chính nhất là trong khu vực trung tâm TP.

Cụ thể, có 7 dự án kêu gọi đầu tư xây dựng thu gom, nhà máy xử lý nước thải bao gồm các nhà máy xử lý nước thải lưu vực Tây Sài Gòn, Bình Tân, Tân Hóa - Lò Gốm, Bắc Sài Gòn 1, Bắc Sài Gòn 2, Rạch Cầu Dừa và lưu vực Tây Bắc. Các dự án này có tổng mức đầu tư khoảng từ 5.000 đến gần 10.000 tỷ đồng. Đáng chú ý là Dự án Nhà máy xử lý nước thải lưu vực Tây Sài Gòn (tổng mức đầu tư 7.700 tỷ đồng) và Dự án Nhà máy xử lý nước thải lưu vực Bình Tân (tổng mức đầu tư 9.804 tỷ đồng).

Ngoài các dự án trên các nhà đầu tư cũng quan tâm tới 6 dự án cải tạo, nạo vét các kênh, rạch. Điểm đáng chú ý là các dự án này sẽ được TP thực hiện theo hình thức đầu tư BT đổi quỹ đất. Theo đó, TP sẽ tận dụng quỹ đất sẵn có và khai thác quỹ đất tại chỗ của dự án thông qua đấu giá công khai làm nguồn thu thực hiện dự án. Cũng trong danh mục kêu gọi đầu tư công bố lần này, TP còn mời gọi vào 3 dự án gồm đê bao và cống kiểm soát triều vòng ngoài (Sông Kinh, Rạch Tra, đê bao sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến sông Kinh) và 1 dự án ứng dụng công nghệ thông tin xử lý nước thải mới tại Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng.

Các dự án mời gọi đầu tư sẽ tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước tại khu vực trung tâm TP. Hồ Chí Minh và một phần của 5 lưu vực ngoại vi rộng 550km2 với khoảng 6,5 triệu dân, cải thiện môi trường nước, tăng không gian trữ nước và tạo cảnh quan đô thị, góp phần cải thiện đời sống dân sinh, bảo vệ môi trường. Quan điểm của TP đối với các dự án đầu tư phải minh bạch, TP sẽ lắng nghe ý kiến của tất cả các DN có năng lực, mong muốn đầu tư để giải quyết vấn đề chống ngập. Việc lựa chọn công nghệ các dự án phải dựa trên kinh nghiệm, năng lực thực tế, tâm huyết của nhà đầu tư trong việc giải quyết ngập cho TP.

Tại hội nghị, các chuyên gia và nhà đầu tư cũng đã giới thiệu và đề xuất một số giải pháp, công nghệ thực hiện chống ngập và xử lý nước thải như giải pháp Cross wave sử dụng mô đun nhựa xây dựng, lắp đặt ngầm dưới lòng đất nhằm mục đích điều tiết nước mưa của Công ty Cổ phần phát triển hạ tầng kỹ thuật VMCTech; giải pháp phát triển không gian điều tiết nước mưa của phó giáo sư, tiến sĩ Châu Nguyễn Minh Quang, Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, công cụ hỗ trợ cảnh báo ngập và hệ thống vận hành đồng bộ các dự án về chống ngập và xử lý nước thải của đại diện Công ty Tư vấn Royal Haskoning DHV- Hà Lan….

Thanh Thanh

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/tp-ho-chi-minh-keu-goi-dau-tu-vao-cac-du-an-chong-ngap-va-xu-ly-nuoc-thai-107162.html