TP. Hồ Chí Minh hội nhập xu hướng phát triển đô thị sáng tạo

Kiến tạo đô thị sáng tạo trên quy mô bao nhiêu là phù hợp cho TP. HCM? Sáng tạo như thế nào? Vốn ở đâu? Chuẩn bị nguồn nhân lực thế nào, kết nối giữa các khu vực ra sao?... Đó là các vấn đề quan trọng sẽ được hơn 600 đại biểu bàn thảo tại Diễn đàn Kinh tế TP. HCM năm 2018 - HEF 2018 vì một động lực phát triển mới cho thành phố.

Đây là sự kiện được Chính quyền TP. HCM lần đầu tiên tổ chức nhằm giới thiệu với các nhà đầu tư về kế hoạch xây dựng khu vực phía Đông Thành phố theo xu hướng đô thị sáng tạo. Sự kiện cũng là dịp để thành phố tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế… về kế hoạch này cũng như các biện pháp tăng cường sự gắn kết, tương tác giữa doanh nghiệp - viện nghiên cứu - chính quyền trong quá trình xây dựng đô thị sáng tạo.

Lộ trình đô thị sáng tạo

Khu đô thị sáng tạo là xu hướng phát triển đô thị được thai nghén đầu tiên vào những năm 1950 tại Mỹ, sau đó lan rộng ra nhiều thành phố lớn trên thế giới và phát triển rõ nét trong vài thập kỷ gần đây. Tại Việt Nam, vào cuối năm 2017, Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân đã khởi xướng ý tưởng tích hợp quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức thành Khu đô thị sáng tạo TP. HCM dựa trên một tiền đề quan trọng của bối cảnh phát triển mới của Việt Nam và thế giới. Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017-2018 đã cho thấy dù có những tiến bộ, các chỉ số liên quan đến đổi mới sáng tạo của Việt Nam còn khiêm tốn. Cụ thể: Giáo dục và đào tạo ở cấp sau phổ thông: 84; Mức độ sẵn sàng của công nghệ 79; Hiệu suất thị trường lao động: 57; Sáng tạo: 71: Năng lực sáng tạo: 79, Chất lượng các tổ chức nghiên cứu khoa học: 90, Hợp tác trường đại học – ngành doanh nghiệp trong nghiên cứu và phát triển R&D: 62, Khả năng các nhà khoa học và kỹ sư: 78, Chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển R&D ở công ty 46, Sản phẩm công nghệ chính phủ 40.

Chủ trương xây dựng Đô thị sáng tạo phía Đông Thành phố, như một hạt nhân khởi điểm dẫn đầu cho việc triển khai cuộc cách mạng 4.0.

Ở TP. HCM, các con số thống kê cho thấy sự chuyển dịch của nền kinh tế thiên về đổi mới, sáng tạo trong thời gian giữa nhiệm kỳ vừa qua đang diễn ra (dịch vụ chiếm 58,34% GRDP trong năm 2017, tỷ lệ đổi mới sáng tạo là 34,4% trong năm 2016).

Bản chất của khu đô thị sáng tạo là nơi có các hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp diễn ra với cường độ và mật độ cao. Thực tiễn từ các nước cho thấy, khu đô thị sáng tạo luôn gắn với các đại học nghiên cứu, đóng vai trò là nguồn cung các nhà cách tân và doanh nhân khởi nghiệp tiềm năng, chủ thể của hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp.

Vì thế cần xem “đô thị sáng tạo” là một lộ trình (chứ không phải chỉ là 1-2 sản phẩm). Lộ trình “đô thị sáng tạo” đòi hỏi một chiến lược toàn diện với mục tiêu chiến lược dài hạn (thương hiệu được cộng đồng quốc tế công nhận, hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững, nơi chốn hấp dẫn cho giới công nghệ sống và làm việc, phòng thí nghiệm cho các ý tưởng đổi mới cho cả TP. HCM nói riêng, và khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung) và những mục tiêu ngắn hạn (thí điểm các ý tưởng về đô thị thông minh, thu hút các nguồn đầu tư của tư nhân, hỗ trợ phát triển chính thức ODA liên quan đến các lĩnh vực công nghệ, liên kết được các đối tác ở khu Đông lại với nhau để thực hiện các chương trình, dự án cụ thể).

Thực tiễn từ các nước cho thấy, khu đô thị sáng tạo luôn gắn với các đại học nghiên cứu, đóng vai trò là nguồn cung các nhà cách tân và doanh nhân khởi nghiệp tiềm năng, chủ thể của hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp, như TP. Philadelphia (Mỹ), Khu công nghệ cao One North (Singapore), Khu đô thị sáng tạo Siam trong lòng thủ đô Bangkok (Thái Lan)...

Nhìn lại giai đoạn 2011 -2015, kinh tế TP. HCM duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao. GDP bình quân đạt 9,6%, gấp 1,63 lần bình quân cả nước. Tuy vậy, tăng trưởng kinh tế của TP. HCM có xu hướng giảm nếu quan sát theo những khoảng cách cột mốc thời gian, đặc biệt là những năm gần đây và dự kiến trong các năm kế tiếp: từ bình quân 10,7% trong giai đoạn 1996–2005 và 11,4% trong giai đoạn 2006–2010, xuống còn 9,6% trong giai đoạn 2011–2015 và dự kiến khoảng 8,7% trong giai đoạn 2016–2020.

Trong khi tỷ trọng của khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh, tỷ trọng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tổng vốn đầu tư hàng năm của TP. HCM lại giảm dần và thấp hơn tỷ trọng của cả nước, chỉ đạt 17,5% so với 24,4%.

Tại sao các nhà đầu tư nước ngoài lại tìm điểm đến ở các địa phương khác? Vì sức bật mới ở các vùng mới chưa được khai phá, vì những chính sách năng động của các địa phương đang lên, vì ưu tiên lựa chọn mục tiêu đầu tư của doanh nghiệp thay đổi,… Các nguyên nhân khách quan đó là một phần của bức tranh, phần còn lại là bài toán động lực tăng trưởng khi TP. HCM đóng góp phần lớn ngân sách cho cả nước nhưng được giữ lại rất ít, bị giới hạn trần nợ công nên không đủ để đầu tư cơ bản.

Điều này là nguyên nhân chủ yếu của những điểm nghẽn nội tại của TP. HCM đang gặp phải: hạ tầng đô thị quá tải; kẹt xe, ngập nước trở thành hiện tượng thường ngày, diện tích nhà ở dưới mức bình quân cả nước, ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, ùn ứ không chỉ ở cửa ngõ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, mà còn cả trong việc bốc dỡ hàng hóa, các dịch vụ logistics ở cảng Cát Lái, hạ tầng thương mại thiếu…

Kế hoạch về khu đô thị sáng tạo ở phía Đông

Theo chỉ đạo của UBND TP. HCM, Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM (HUBA) phối hợp với Sở Ngoại vụ TP. HCM tổ chức Chương trình Diễn đàn Kinh tế TP. HCM năm 2018 - HEF 2018 với chủ đề “Kiến tạo đô thị sáng tạo, tương tác - Vai trò động lực của doanh nghiệp” vào ngày 23/11 tại Trung tâm hội nghị White Palace, Q. Phú Nhuận.

TP. HCM là thành phố lớn nhất cả nước chiếm 22% GDP, đóng góp 27% ngân sách quốc gia, được xác định là trung tâm văn hóa, giáo dục - đào tạo khoa học công nghệ, thương mại - tài chính, trung tâm nghiên cứu khoa học - dịch vụ, y tế chất lượng cao; công nghiệp công nghệ cao chuyên sâu với trình độ chuyên môn hóa cao và trung tâm nông nghiệp công nghệ cao; với khoảng hơn 10 triệu dân. Vì vậy, vai trò của TP. HCM đối với cả nước cực kì quan trọng, tác động rất lớn đến nền kinh tế quốc dân.

Khu vực phía Đông của TP. HCM với tiền đề là nơi các trường đại học, các Viện nghiên cứu, các doanh nghiệp có các sản phẩm mang hàm lượng khoa học – công nghệ cao có thể liên kết với nhau; đồng thời, là môi trường làm việc, học tập, sinh sống thuận lợi của các chuyên gia, các nhà khoa học và lực lượng lao động có trình độ và chất lượng cao.

Tại đây hiện có Khu đại học Quốc gia với 18 đại học thành viên và Viện nghiên cứu; Khu công nghệ cao giai đoạn 1 và 2 khoảng 1.066 ha với 13 tập đoàn, công ty lĩnh vực công nghệ cao; Trung tâm thương mại dịch vụ tài chính tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm: 657ha; các khu công nghiệp và khu chế xuất: Linh Trung 1, Linh Trung 2; Cát Lái; Bình Chiểu.

Sau khi được hình thành, Khu đô thị sáng tạo sẽ kết nối chặt chẽ và hiệu quả ba chức năng: là trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học – công nghệ, là trung tâm giáo dục – đào tạo nhân lực có trình độ và chất lượng cao, là trung tâm sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ công nghệ cao.

Khu đô thị sáng tạo sẽ góp phần thiết lập chuỗi giá trị gia tăng (từ các khâu nghiên cứu khoa học cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, đào tạo nguồn nhân lực, thiết kế sản phẩm, sản xuất sản phẩm phụ trợ, sản xuất sản phẩm công nghiệp, tiêu thụ sản phẩm và cung ứng dịch vụ) trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế và sự hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp.

Thành phố đã đề ra 7 chương trình đột phá nhằm phát triển một cách toàn diện. Năm 2017, Thành phố bổ sung đề án xây dựng TP. HCM trở thành Đô thị thông minh. Bên cạnh đó, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, Chính quyền Thành phố đưa ra chủ trương xây dựng Đô thị sáng tạo, như một hạt nhân khởi điểm dẫn đầu cho việc triển khai Cuộc cách mạng 4.0.

Chu Văn

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/tp-ho-chi-minh-hoi-nhap-xu-huong-phat-trien-do-thi-sang-tao-82083.html