TP. Hồ Chí Minh- Hàng dởm vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp

Mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nhưng các mặt hàng nhập lậu, hàng giả, nhái thương hiệu, hàng kém chất lượng vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên thị trường TP. Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Văn Bách - Phó Chi cục QLTT TP. Hồ Chí Minh đánh giá về tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng dởm hiện nay trên thị trường thành phố.

Hàng chục nghìn sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng bị thu giữ chứa tại kho của Chi cục QLTT TP. Hồ Chí Minh

Theo ông Bách, gần đây lực lượng QLTT TP. Hồ Chí Minh tăng cường công tác kiểm tra và phát hiện nhiều loại hàng nhập lậu, hàng giả, nhái nhãn hiệu, hàng kém chất lượng. Các mặt hàng kinh doanh trái phép này bị phát hiện nhiều nhất là hàng tiêu dùng như giày dép, đồng hồ, quần áo, hàng điện tử, đồ chơi trẻ em, thực phẩm chế biến, thực phẩm chức năng, rượu bia, nước giải khát… “Các mặt hàng tiêu dùng có thương hiệu nổi tiếng của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài được làm giả, nhái nhãn hiệu rất tinh vi, hoạt động có tổ chức và có yếu tố nước ngoài tham gia trong chuỗi sản xuất, vì thế công tác kiểm tra, xử lý rất gian nan” - ông Bách nhận định.

Ngày 19/3, Đội QLTT 12B - Chi cục QLTT TP. Hồ Chí Minh kiểm tra cơ sở nón Kiên Nga (địa chỉ 1224 Nguyễn Văn Quá, quận 12) phát hiện cơ sở này sản xuất, chứa trữ, kinh doanh nón nhái các nhãn hiệu nổi tiếng như Adidas, Nike, Puma, Gucci, Polo... với số lượng lớn.

Tại hiện trường, lực lượng kiểm tra xác định cơ sở nón Kiên Nga vừa là kho hàng, kinh doanh đồng thời là nơi sản xuất nón các loại nhái nhiều nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới. Chưa hết, cơ sở này còn nhập lậu số lượng lớn nón vải từ Trung Quốc làm giả nhiều nhãn hiệu nổi tiếng để tiêu thụ. Theo ước tính sơ bộ, cơ sở nón Kiên Nga hiện đang tồn trữ hàng trăm nghìn chiếc nón các loại và cơ quan chức năng đang tiếp tục kiểm tra để xử lý.

Cơ sở nón Kiên Nga bị lực lượng QLTT quận 12 phát hiện nhiều loại sản phẩm nhái các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới

Từ đầu năm 2018 đến nay, lực lượng QLTT tăng cường kiểm tra hàng gian, hàng giả, tập trung vào những đường dây, ổ nhóm sản xuất, kinh doanh, chứa trữ hàng gian và mỗi lần kiểm tra là phát hiện ra hàng… dởm.

Trong một tuần (từ ngày 14-21/3), lực lượng QLTT thành phố thực hiện kiểm tra 432 vụ chuyên ngành và liên ngành, tăng 78 vụ so với tuần trước, đã phát hiện 103 vụ vi phạm. Chỉ tính riêng kiểm tra chuyên ngành, đã phát hiện 81 vụ vi phạm, trong đó 12 vụ hàng cấm, 31 vụ hàng nhập lậu, 12 vụ vi phạm về hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ.

Trong 31 vụ hàng nhập lậu đã bị xử lý, QLTT thành phố đã thu giữ 26.440kg thực phẩm, vải; 11.554 đơn vị sản phẩm quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm, giày dép, đồ chơi trẻ em, đồng hồ đeo tay, thiết bị điện... Trong 12 vụ hàng giả, đã thu giữ 6.577 đơn vị sản phẩm gồm quần áo, giày dép, đồng hồ đeo tay các nhãn hiệu H&M, Gap, Adidas, Nike, Panasonic, Casio... Hàng hóa không hóa đơn, nguồn gốc đã thu giữ 2.525kg bột ngọt, thực phẩm chế biến và 294 đơn vị sản phẩm bánh, nước trái cây, sữa.

Đối với mặt hàng nước giải khát, từ đầu năm 2018 đến nay, QLTT thành phố đã phát hiện 5 vụ vi phạm, thu giữ 1.069 thùng nước giải khát hiệu Redbull và Mirinda không có hóa đơn chứng từ; 3.200 thùng nước giải khát hiệu Mirinda có nhãn bị che lấp, rách nát, mờ không đọc được.

Tại thị trường TP. Hồ Chí Minh, vấn nạn hàng giả ngày càng diễn biến phức tạp và chưa có điểm dừng, mặc dù các cơ quan chống hàng giả và doanh nghiệp đang nỗ lực kiểm soát. Các mặt hàng tiêu dùng như quần áo, giày dép, đồng hồ, máy tính, mỹ phẩm thương hiệu càng lớn càng bị làm giả.

Ông Nguyễn Ngọc Tý - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Nón Sơn - cho biết, nhà sản xuất ngày càng “cạnh tranh” không lại với nạn hàng giả vì nó phát triển quá nhanh và quá tinh vi. Theo ông Tý, TP. Hồ Chí Minh là trung tâm tiêu thụ hàng giả đồng thời là nơi sản xuất quy mô lớn các loại hàng giả để cung cấp cho các địa phương. Riêng Nón Sơn được phát hiện sản xuất nhiều ở khu vực huyện Bình Chánh, quận 6, quận Tân Phú. “Nón Sơn giả tại thị trường Tây Nguyên, miền Tây Nam bộ với giá tương đương của hàng thật là 300.000 - 320.000 đồng/chiếc, trong khi giá thành sản xuất chưa tới 100.000 đồng/chiếc thì doanh nghiệp cạnh tranh sao được” - ông Tý bức xúc.

Để hạn chế hàng giả trên thị trường, ông Tý cho rằng, cơ sở làm ra hàng giả không bé nhỏ như cây kim sợi chỉ mà có máy móc, đội ngũ nhân viên hùng hậu nhưng tại sao các cơ quan chức năng lại không phát hiện được. Từ thực tế này, địa phương nào để xảy ra tình trạng sản xuất hàng giá thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm thì hy vọng có kết quả.

Người tiêu dùng khó phân biệt Nón Sơn thật và giả khi kiểu dáng và từng chi tiết nhỏ giống hệt nhau

Từ đầu năm 2018 đến nay, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh không chỉ phát hiện nhiều lô hàng điện máy đã qua sử dụng, rác công nghiệp, hóa chất, phân bón mà còn phát hiện nhiều vụ nhập lậu thực phẩm kém chất lượng.

Trong 2 tháng đầu năm 2018, chỉ tính riêng tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã phát hiện hơn 10 vụ nhập khẩu hàng hóa không đạt chất lượng, tiêu chuẩn. Cụ thể, vào đầu tháng 2, lực lượng hải quan đã phát hiện một công ty ở Hà Nội nhập phụ phẩm chế biến ngô, lô hàng trị giá trên 3,6 tỷ đồng không đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định. Công ty này bị phạt hành chính 30 triệu đồng và buộc tái xuất lô hàng. Trước đó, Công ty Dịch vụ xuất nhập khẩu G (quận 1 TP. Hồ Chí Minh) nhập hơn 2.800 hộp đông trùng hạ thảo, lô hàng trị giá 377 triệu đồng không đạt chất lượng, hải quan buộc doanh nghiệp này tái xuất lô hàng và xử phạt hành chính 50 triệu đồng.

Theo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng sự thông thoáng trong khâu thông quan để nhập lậu hàng hóa, trong đó có nhiều lô hàng thuộc diện cấm nhập khẩu, hàng thực phẩm kém chất lượng hoặc không đủ điều kiện để lưu thông trên thị trường Việt Nam.

Trần Thế

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/tp-ho-chi-minh-hang-dom-van-tiep-tuc-dien-bien-phuc-tap.html