TP. Hồ Chí Minh: Hai năm, xử phạt 254 trường hợp hút thuốc nơi công cộng

Trong hai năm thực hiện thí điểm dự án môi trường không khói thuốc tại bến xe Miền Tây và bến xe buýt Sài Gòn, nhìn chung môi trường xung quanh đã được cải thiện nhưng mục đích loại trừ khói thuốc lá ra khỏi nơi công cộng còn hạn chế.

Đây là đánh giá của Ban chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá tại bến xe miền Tây và bến xe buýt Sài Gòn tại Hội nghị Tổng kết 2 năm thực hiện môi trường không khói thuốc nơi công cộng tổ chức sáng ngày 26/11.

Đại diện Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh cho biết, từ tháng 11/2018 đến tháng 10/2020, đã xử lý vi phạm 254 trường hợp cán bộ, nhân viên làm việc tại bến xe Miền Tây và bến xe buýt Sài Gòn, số tiền phạt tương đương 109 triệu đồng. Đối với hành khách, lực lượng kiểm soát nhắc nhở gần 9.000 lượt hành khách, riêng hành khách bị phạt vì hút thuốc lá tại bến xe chưa quá 10 người.

Ông Diệp Minh Sang - Phó Ban bảo vệ bến xe miền Tây - thông tin, mỗi ngày bến xe miền Tây đón khoảng 30.000 hành khách, việc hạn chế khói thuốc lá trong khuôn viên bến xe đã có nhiều thay đổi nhưng đối với hành khách vẫn chưa có nhiều chuyển biến.

Đại diện các sở ngành tham gia Hội nghị

Đại diện các sở ngành tham gia Hội nghị

Cụ thể, hiện nay các nhân viên bến xe, nhà xe không còn hút thuốc nơi công cộng; người kinh doanh, người bán hàng rong trong bến xe không còn bán thuốc lá. Tuy nhiên với hành khách chỉ dừng lại ở khâu nhắc nhở, rất khó xử phạt, mặc dù quy định xử phạt đã có.

Ông Sang dẫn chứng, mới đây, đoàn liên ngành kiểm tra, UBND phường An lạc, quận 6 đã ra quyết định xử phạt một tài xế về hành vi hút thuốc nơi công cộng. Tài xế ký biên bản và gửi lại chứng minh thư, nhưng người này đã bỏ chứng minh thư và không nộp phạt.

Ông Hồ Thế Vinh - Phó Ban kiểm tra giao thông công cộng - Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh - nói rằng, 95 - 98% hành khách trên phương tiện giao thông công cộng tại Thành phố hiện không còn ảnh hưởng của khói thuốc lá thụ động, nhờ xử lý nghiêm các lái xe vi phạm.

Đơn cử, năm 2019, có 121 trường hợp nhân viên, lái xe hút thuốc trên phương tiện công cộng bị phạt 61 triệu đồng; 11 tháng đầu năm 2020 chỉ còn 42 trường hợp bị phạt với số tiền 22,5 triệu đồng. Trên phương tiện xe buýt, hiện không còn tình trạng hành khách hút thuốc nhưng tại bến xe, nhà chờ xe nhiều người vẫn còn hút thuốc, chưa nhận thức được đây là hành vi ảnh hưởng đến môi trường sống.

Tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh, biển cấm hút thuốc mới với mức xử phạt từ 100.000 - 300.000 đồng (theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP) được lắp đặt trên hơn 1.500 phương tiện giao thông và toàn bộ khu vực tại bến xe và nhiều hình thức khyến cáo khác nhưng tình trạng hút thuốc lá ở những nơi công cộng vẫn diễn ra rất phổ biến.

Để xây dựng môi trường làm việc an toàn, lành mạnh không khói thuốc, đại diện Viện Y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh cho rằng, ngoài khâu tuyên truyền, các cơ quan chức năng cần tăng chế tài xử phạt và phải thực hiện thường xuyên. Ghi hình và phạt nguội người vi phạm như ngành giao thông là một giải pháp để cộng nhận thức rõ và có trách nhiệm hơn trong việc sử dụng thuốc lá nơi công cộng.

Thuốc lá nhập lậu qua biên giới Tây Nam

Bà Nguyễn Hoàng Yến - Giám đốc Trung tâm Tư vấn sức khỏe và Phát triển cộng đồng - cho biết, thực thi môi trường không khói thuốc thông qua tăng cường thưởng phạt và sự tham gia của cộng đồng đã cho thấy những vấn đề khó khăn hoàn toàn có thể được giải quyết nếu như có sự cam kết, ủng hộ và tích cực tham gia của các bên liên quan.

Theo bà Yến, việc tạo môi trường không khói thuốc trách nhiệm của các sở ngành, đơn vị công sở, doanh nghiệp chứ không riêng gì giao thông công cộng. Một khi cả cộng đồng vào cuộc chắc chắn hiệu ứng làm sạch môi trường không khói thuốc là không khó và người dân cũng dễ dàng thực thi.

Theo Bộ Y tế, Việt Nam hiện là quốc gia đứng trong số 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới với khoảng 15,3 triệu người hút và 33 triệu người bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động. Mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Đến năm 2030, dự báo con số này có thể tăng lên tới 70.000 người/năm. Nhìn vào những con số nêu trên, rõ ràng hành vi hút thuốc lá nơi công cộng là việc làm cần phải cân nhắc đối với mọi người. Chỉ cần thay đổi một hành vi không hút thuốc nơi công cộng, mỗi cá nhân sẽ giúp cho cộng đồng bớt đi gánh nặng của bệnh tật.

Trần Thế

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tp-ho-chi-minh-hai-nam-xu-phat-254-truong-hop-hut-thuoc-noi-cong-cong-148204.html