TP Hồ Chí Minh gỡ rào cản xây dựng thành phố thông minh

Với mục tiêu giúp tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững, tạo môi trường sống tốt cho người dân thành phố, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp…, chính quyền TPHCM đang tích cực triển khai công tác thực hiện 'Đề án đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2025'.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan Trung tâm Điều hành đô thị thông minh tại UBND TPHCM (ngày 12/4/2019). Ảnh: Hà Khánh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan Trung tâm Điều hành đô thị thông minh tại UBND TPHCM (ngày 12/4/2019). Ảnh: Hà Khánh.

Để phát triển kinh tế bền vững

TPHCM là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, chiếm 22% GDP, đóng góp 27% ngân sách quốc gia. TPHCM có lực lượng lao động chất lượng cao, hiện nay tỷ lệ người lao động có bằng đại học ở TPHCM cao gấp 2,3 lần so với trung bình cả nước. Tuy nhiên, theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng ban chỉ đạo Đề án đô thị thông minh, TPHCM đang phải đối mặt với 5 thách thức đó là: kẹt xe, ngập nước, nhà ở cho người dân, ô nhiễm không khí và làm sao để tận dụng nguồn lực con người. TPHCM hiện có khoảng 10 triệu dân. Mỗi năm như vậy có “thành phố nhỏ” được sinh ra. Điều này xảy ra trong hơn một thập kỷ vừa qua, nếu không phát triển thành phố theo hướng đô thị thông minh thì không thể giải quyết được những vấn đề đô thị một cách hiệu quả.

Bên cạnh đó, thế mạnh mà TPHCM có thể tận dụng là truyền thống về đổi mới sáng tạo và sức mạnh của mỗi người dân thành phố. Trong một thập kỷ tới, TPHCM mong muốn tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, tiếp tục tăng trưởng năng suất lao động, duy trì mức đóng góp 30% GDP ngân sách quốc gia; trở thành hạt nhân của cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam… Việc trở thành đô thị thông minh là điều tất yếu.

Tại cuộc họp với lãnh đạo chủ chốt của TPHCM chiều ngày 12/4/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh tinh thần tiên phong, dẫn đầu của TPHCM trong phát triển đối với cả nước. Đây không chỉ là yêu cầu của Đảng bộ, nhân dân thành phố, là trách nhiệm của thành phố đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân cả nước, mà còn là yêu cầu của cuộc sống, của sự phát triển. Phải tìm cách tháo các điểm nghẽn để phát triển, để có thể so sánh với các thành phố khác ở châu Á.

Vì thế, theo Thủ tướng, TPHCM phải là địa phương đi trước trong cuộc cách mạng 4.0, xây dựng thành phố thông minh, đô thị sáng tạo, cải cách hành chính hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh so với các thành phố khác. Phải tiếp tục là một trong những đầu tàu quan trọng của cả nước, trung tâm lớn và hiện đại về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ của đất nước và khu vực ASEAN.

Từ tháng 11/2017, TPHCM đã triển khai thực hiện “Đề án đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2025”. Để hình thành đô thị thông minh, TPHCM đã tập trung xây dựng 4 trụ cột gồm: Kho dữ liệu dùng chung và phát triển Hệ sinh thái dữ liệu mở, Trung tâm điều hành đô thị thông minh, Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội, Trung tâm An toàn thông tin. Qua hơn một năm triển khai, đến nay bước đầu thành phố đã đạt được những kết quả nhất định.

Trung tâm Điều hành đô thị thông minh đặt tại trụ sở UBND TPHCM dự kiến được vận hành vào cuối tháng 4/2019. Ảnh: Hà Khánh.

Trung tâm điều hành đô thị thông minh sẵn sàng vận hành

Theo kế hoạch, Trung tâm điều hành đô thị thông minh (một trong 4 trụ cột của thành phố thông minh) được đặt tại trụ sở UBND TPHCM sẽ được vận hành tổng thể vào cuối tháng 4/2019. Những ngày này, các cán bộ của Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM cũng như nhân viên kỹ thuật đang gấp rút kiểm tra, hoàn thiện những chức năng đặc biệt, những hạng mục cuối cùng của trung tâm này. Trung tâm điều hành đô thị thông minh đã tích hợp được dữ liệu hình ảnh từ camera giám sát giao thông của công an thành phố, camera của trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn và các hệ thống camera an ninh được phát triển thời gian qua trên các quận/huyện, khu vực để kết nối thành một hệ thống camera tập trung. Tính tới thời điểm này có đến 1.100 camera được lắp đặt ở tầm cao, tầm trung và tầm thấp nhằm tăng chất lượng giám sát một cách tối đa. Trong đó phải kể đến 4 camera tầm cao được bố trí 4 hướng, có khả năng quan sát toàn thành phố.

Tại đây, màn hình chính hiển thị toàn bộ các bảng thông tin tổng hợp phục vụ công tác điều hành từ các hệ thống của cổng 1022 gồm qua tổng đài, qua mạng xã hội Facebook, dữ liệu hạ tầng đô thị như chiếu sáng, cây xanh, thoát nước, cấp nước, viễn thông… dữ liệu về lưu lượng xe tham gia giao thông, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thành phố. Kể cả những tâm tư, góp ý của người dân thành phố gửi về cũng được hiển thị. Đặc biệt, Trung tâm điều hành đô thị thông minh còn được xây dựng dưới hình thức app (ứng dụng) trên điện thoại di động để lãnh đạo thành phố có thể trực tiếp xem, quản lý ở mọi lúc mọi nơi. Từ đó hỗ trợ lãnh đạo đưa ra quyết định, chỉ đạo điều hành.

Ngoài Trung tâm điều hành đô thị thông minh thì ba trụ cột khác của đô thị thông minh cũng đang được tích cực xây dựng. Trong đó, Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội có thể sẽ được vận hành vào đầu tháng 5/2019 và cũng được tích hợp vào Trung tâm điều hành. Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, khi Trung tâm này hình thành sẽ vận hành theo cơ chế là những dữ liệu thông tin của Trung tâm Dữ liệu chuyển qua thì hệ thống phần mềm và Trung tâm này sẽ tính toán được những chỉ tiêu kinh tế -xã hội thành phố sẽ phát triển trong năm 2019, 2020 và những năm tiếp theo.

Đối với Trung tâm dữ liệu dùng chung theo mã nguồn mở sẽ được đặt ở Công viên phần mềm Quang Trung. Đây là một dự án sẽ được tích hợp những dữ liệu có sẵn của Thành phố. Theo đó các dữ liệu hộ tịch, dữ liệu về dân cư, dữ liệu về đất đai; hoạt động của các doanh nghiệp sẽ được tích hợp về thành một Trung tâm dữ liệu ở giai đoạn 1. Dự kiến đến khoảng năm 2020, TPHCM sẽ có thể có được một trung tâm dữ liệu đầy đủ các cơ sở dữ liệu của toàn thành phố, có thể chia sẽ được với doanh nghiệp cũng như chia sẻ được với các Bộ ngành của Trung ương và người dân có thể truy cập vào một số các số liệu cụ thể.

Ông Trần Vĩnh Tuyến cũng cho biết, TPHCM đã tiến hành phê duyệt Đề án xây dựng một công ty cổ phần để giúp thành phố vận hành Trung tâm An toàn thông tin, giúp cho hệ thống thông tin của Thành phố hiện nay an toàn hơn. Theo ông Tuyến, việc hình thành công ty cổ phần này với mục đích là thu hút được nhiều chuyên gia về an toàn thông tin của thành phố cũng như cả nước tham gia, góp vốn và góp nhân lực cũng như đóng góp trí tuệ vào việc đảm bảo an toàn thông tin cho toàn Thành phố.

Ngoài ra, Đề án đô thị thông minh được thí điểm thực hiện tại một số khu vực gồm Quận 1, Quận 12, trong đó, thực hiện một số nội dung như tiếp tục triển khai thí điểm các giải pháp công nghệ phục vụ quản lý điều hành, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Thu Dịu

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/tp-ho-chi-minh-go-rao-can-xay-dung-thanh-pho-thong-minh-103769.html