TP. Hồ Chí Minh: Giải quyết tranh chấp lao động trước những thách thức mới

Hội thảo 'Vai trò của đại diện lao động và việc giải quyết tranh chấp lao động – thực trạng và giải pháp'do Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp với Quỹ Rosa Luxemburg - CHLB Đức tổ chức vừa qua ngày 16/10, tại TP. Hồ Chí Minh

Theo Viện Nghiên cứu Lập pháp, thực tiễn các vụ tranh chấp lao động, đình công trong thời gian qua cho thấy đa số mang tính tự phát, không tuân theo trình tự, thủ tục quy định. Chế định hòa giải lao động chưa phát huy hiệu quả trong việc giải quyết tranh chấp lao động tập thể.

Hiện cả nước có trên 1.000 hòa giải viên lao động nhưng số lượng vụ việc tranh chấp được giải quyết qua hòa giải thấp, chủ yếu hòa giải thành công đối với các tranh chấp lao động cá nhân. Trong khi đó, cơ chế hòa giải tập thể tại Hội đồng trọng tài lao động và tòa án chưa hiệu quả. Qua đó cho thấy quy định của pháp luật về giải quyết tranh chấp lao động, nhất là tranh chấp lao động tập thể và đình công chưa phù hợp, cần được xem xét, sửa đổi.

Hòa giải viên lao động cùng tổ công tác liên ngành đã tham gia hòa giải những vụ tranh chấp lao động tập thể.

Hòa giải viên lao động cùng tổ công tác liên ngành đã tham gia hòa giải những vụ tranh chấp lao động tập thể.

Trong khi đó, công đoàn các cấp, nhất là cấp cơ sở còn đang lúng túng trong việc thực hiện vai trò đại diện của mình đối với người lao động ở khu vực kinh tế tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài. Mặt khác trong bối cảnh hiện nay, việc tham gia ký kết các Hiệp định thương mại đặt ra yêu cầu cho Việt Nam phải tiến hành sửa đổi và hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến tổ chức đại diện người lao động.

Tham luận tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, cần phải sửa đổi các quy định về giải quyết tranh chấp theo hướng mở rộng cơ hội cho các bên tranh chấp có nhiều lựa chọn các phương thức giải quyết tranh chấp khác nhau mà họ thấy phù hợp. Đồng thời cần quy định thẩm quyền thực chất, mở rộng phạm vi áp dụng, đổi mới tổ chức cũng như hoạt động của Hội đồng trọng tài.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Nguyễn Văn Bình cho biết: " Câu chuyện về giải quyết tranh chấp lao động đang đặt ra những yêu cầu và thách thức mới, hoặc phát sinh từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mà các quan hệ xã hội, các quan hệ lao động hiện hành đã đặt ra các thách thức đó. Đặc điểm của tranh chấp lao động khác với tranh chấp dân sự thông thường" ông Bình thông tin.

THANH MẠNH

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/tp-ho-chi-minh-giai-quyet-tranh-chap-lao-dong-truoc-nhung-thach-thuc-moi-d83581.html