TP Hồ Chí Minh: Đương đầu với thách thức để phát triển

Bước vào năm 2019, TP Hồ Chí Minh trong bối cảnh có nhiều khó khăn hơn là thuận lợi, bởi chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc diễn biến phức tạp tác động mạnh mẽ đến kinh tế của Việt Nam, trong đó có TP. Nhưng chính quyền và Nhân dân TP Hồ Chí Minh vẫn vững bước trên đường phát triển và đạt được nhiều thành tựu kinh tế cụ thể…

Nỗ lực lấp đầy “điểm yếu”

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh - Nguyễn Thành Phong đã điểm lại những thành tựu trong năm 2018, tình hình kinh tế - xã hội của TP tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả mang tính toàn diện, đáng ghi nhận. Cụ thể, các lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo, văn hóa - xã hội, an toàn thực phẩm, gắn kết đầu tư với mở rộng hội nhập, hợp tác với khu vực và thế giới, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ và giải quyết kiến nghị cử tri, khiếu nại tố cáo được tập trung thực hiện…

Một góc TP Hồ Chí Minh ngày nay.

Một góc TP Hồ Chí Minh ngày nay.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Phong cho rằng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần tập trung tháo gỡ trong năm 2019. Đó là môi trường đầu tư của TP thời gian qua luôn gặp nhiều cạnh tranh trong và ngoài nước; Việc tăng dân số cơ học quá nhanh, bình quân trên 200.000 người/năm so với sự phát triển hạ tầng cơ sở, hạ tầng xã hội cũng là thách thức cho chính quyền TP; Hạ tầng đô thị không kịp đáp ứng nhu cầu; Các thiết chế văn hóa - xã hội, vui chơi giải trí còn thiếu so với nhu cầu thực tế của người dân. Cùng với đó, việc giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh do ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, tệ nạn xã hội còn nhiều bất cập…

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đánh giá, công tác cải cách hành chính thời gian qua chưa có điểm sáng nổi bật, chưa thỏa mãn được nhu cầu ủa người dân và DN. Nghị quyết số: 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh dù được triển khai thực hiện nhưng sự vận hành vào thực tế của các đề án, nội dung cụ thể vẫn còn chưa rõ ràng.

Mặt khác, công tác phối hợp giữa các ngành vẫn chưa có sự chủ động, các đơn vị trong thực thi công vụ còn chưa thực sự đồng bộ và hiệu quả. Tiến độ cổ phần hóa DNNN còn chậm so với kế hoạch, nguồn thu từ cổ phần hóa theo cơ chế đặc thù Nghị quyết 54 thực hiện chưa tốt nên chưa có nhiều nguồn vốn “cải thiện” hạ tầng cơ sở.

Cho nên, TP cần thực hiện tốt các nhiệm vụ như: Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa DNNN, sắp xếp nhà, đất của các cơ quan Trung ương trên địa bàn để tranh thủ tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính, ngân sách, từ đó có thêm nhiều nguồn vốn đầu tư đồng bộ các công trình hạ tầng trên địa bàn TP. Rà soát tất cả các lĩnh vực để đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh các Nghị định, Thông tư theo hướng phân cấp mạnh mẽ cho TP chủ động thực hiện quy trình, thủ tục phù hợp với khả năng và tình hình thực tiễn của TP, phục vụ tốt hơn nhu cầu của cá nhân và tổ chức trên địa bàn.

Xây dựng mô hình sáng tạo đổi mới

Có thể thấy, TP Hồ Chí Minh hiện có những giá trị sống động về thành tựu kinh tế - xã hội, cùng với chiếc “đòn bẩy” là sự kỳ vọng của người dân cả nước và công tác chỉ đạo thực tiễn của Đảng, Nhà nước.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0, TP cần một tầm nhìn dài hơi về tăng trưởng kinh tế bền vững. Đề án đô thị thông minh là một điển hình về tầm nhìn chiến lược, dựa vào mũi nhọn là kinh tế tri thức, thông qua các mô hình thí điểm trước đó của TP như: Khu chế xuất, công viên phần mềm, trung tâm công nghệ sinh học, khu công nghệ cao...

Song song đó, TP cũng có “hệ sinh thái khởi nghiệp”, thu hút sự tham gia của các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, nhiều quỹ đầu tư trong và ngoài nước, khu công nghệ cao có vị trí chủ đạo, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo của khu đô thị sáng tạo phía đông thành phố. Khu công nghệ cao hiện thu hút thành công hơn 10 tập đoàn, công ty công nghệ chuyên sản xuất sản phẩm công nghệ cao như: Intel, Nidec, Jabil, Sonion, Sanofi, FPT, Nipro, Datalogic, Samsung...

Qua hơn 15 năm xây dựng và phát triển, khu công nghệ cao của thành phố hiện có khoảng 150 dự án còn hiệu lực, trong đó tập trung ưu tiên thu hút đầu tư bốn lĩnh vực: Vi điện tử - Công nghệ thông tin - Viễn thông (gần 33,8%); Cơ khí chính xác - Tự động hóa (gần 19%); Công nghệ sinh học (trên 12%); Vật liệu mới - Năng lượng mới (4%); còn lại là các lĩnh vực dịch vụ, nghiên cứu, phát triển hạ tầng và đào tạo. Đáng chú ý, khu công nghệ cao đã hình thành “hệ sinh thái khởi nghiệp” đổi mới sáng tạo với các thành tố điển hình như: Các doanh nghiệp công nghệ cao, viện nghiên cứu, trường đại học...

Nhưng để đạt được các mục tiêu đề ra trong năm 2019, TP Hồ Chí Minh cần lấp đầy các “điểm yếu” trong cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh quá trình xây dựng chính quyền điện tử; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước qua phân cấp, ủy quyền trên các lĩnh vực quản lý hành chính Nhà nước; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Đề án xây dựng TP trở thành Đô thị thông minh như kỳ vọng…

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đề nghị các ngành, các cấp, đoàn thể, DN, hiệp hội tập trung trí tuệ nâng cao tinh thần trách nhiệm quán triệt sâu sắc phương châm hành động của Chính phủ đề ra trong năm 2019. Đó là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”. TP cần cùng nghiên cứu, trao đổi, thảo luận sâu về những giải pháp thiết thực, khả thi để triển khai có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; tạo động lực để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ từ nay đến năm 2020.

Sông Hương

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tp-ho-chi-minh-duong-dau-voi-thach-thuc-de-phat-trien-351552.html