TP.Hồ Chí Minh: Doanh nghiệp ứng phó với giá xăng, điện tăng

Sau đợt điều chỉnh giá xăng dầu và giá điện vừa qua, nhiều doanh nghiệp (DN) hoạt động trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh buộc phải điều chỉnh hoạt động sản xuất- kinh doanh, tiết giảm chi phí, điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ.

Bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc- Chủ nhiệm HTX Thỏ Việt- chia sẻ, việc giá điện tăng ảnh hưởng rất lớn tới đơn vị, bởi để vận hành dàn máy tưới nước cho rau, củ phải tiêu hao một lượng điện rất lớn. Trong khi đó, năm nay, thời tiết dự báo sẽ khô hạn hơn nên càng phải sử dụng điện nhiều hơn. Tuy nhiên, HTX lại không thể tăng giá bán vì giá bán rau, củ phụ thuộc vào nguồn cung của thị trường, nếu thời điểm thu hoạch rộ, dù lỗ vẫn phải bán.

Đau đầu với giá điện, xăng tăng, bà Nguyễn Thị Ánh- Giám đốc Công ty Thủy sản Sông Tiền (Sotico)- cho hay, để sản xuất 1 tấn thành phẩm thủy sản, công ty phải tiêu hao 1,3 triệu đồng tiền điện, nay giá điện tăng, công ty phải trả lên tới 2,2 triệu đồng. Điều đáng buồn là dù giá đầu vào tăng nhiều nhưng giá đầu ra lại giảm bởi thị trường đang có biến động về tỷ giá tiền tệ. “Chúng tôi đang cố gắng rà soát lại các chi phí đầu vào, tiết kiệm tối đa từng khâu để giá thành ổn định”- bà Ánh nói.

Ông Vũ Minh Long- Tổng giám đốc Công ty CP Thanh niên xung phong (Adeco)- cho hay, với một doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi và nuôi gia cầm lấy trứng như Adeco thì lượng điện sử dụng vô cùng lớn, nay giá điện tăng đương nhiên là sẽ ảnh hưởng mạnh tới sản xuất. Theo ông Long, từ đầu năm tới nay, giá thức ăn chăn nuôi liên tục giảm. Đến nay, thức ăn chăn nuôi các loại bán từ nhà máy đã giảm khoảng 5% so với cuối năm 2014. Tác động kép này như một “cú đánh mạnh”, buộc DN phải cơ cấu lại hoạt động kinh doanh sao cho phù hợp. Cụ thể, để thích ứng với những khó khăn mới, Adeco đang cố gắng kiểm soát lại bộ máy, hạ tối đa các chi phí không hợp lý như: Thay thế các bóng đèn có điện năng thấp, tuyên truyền ý thức tiết kiệm điện cho cán bộ, công nhân viên…

Với mặt hàng thủy sản xuất khẩu, dù giá đầu vào tăng nhiều nhưng giá đầu ra lại giảm bởi thị trường đang có biến động về tỷ giá tiền tệ.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng- Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhựa Tân Phú- thời điểm trước khi tăng giá điện, Nhựa Tân Phú dự trù phải chi trả khoảng 25 tỷ đồng tiền điện. Nay giá điện lại tăng thêm 7,5% đồng nghĩa với việc giá thành sẽ tăng lên rất nhiều. Ngoài điện, các chi phí đầu vào khác cũng đang tăng, do đó, việc tiết kiệm điện là yêu cầu cấp thiết của DN. Ông Hùng cho biết, không chỉ bây giờ công ty mới tính đến chuyện phải tiết kiệm điện mà liên tục từ năm 2009 tới nay, công ty đã thực hiện 4 chương trình tiết kiệm điện như: Quỹ giảm thiểu ô nhiễm môi trường, quỹ xanh tiết kiệm điện... Qua các chương trình này, công ty đã thay thế các thiết bị chiếu sáng cũ, đầu tư công nghệ mới, tái sử dụng nguyên liệu... Với cả 4 chương trình này, mỗi năm công ty đã tiết kiệm được trên dưới 2,6 tỷ đồng tiền điện, chưa kể tới việc tái sử dụng phế liệu, giảm lượng rác thải. Như vậy, tổng cộng mỗi năm công ty đã tiết kiệm được khoảng 4 tỷ đồng.

Có thể nói, với “cú đúp” tăng giá xăng, điện vừa qua, nhiều DN đã nhanh chóng đưa ra những giải pháp thích ứng kịp thời nhằm bảo đảm ổn định trong sản xuất- kinh doanh.

Thùy Dương

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/tpho-chi-minh-doanh-nghiep-ung-pho-voi-gia-xang-dien-tang-48681.html