Trợ lực cho doanh nghiệp từ chính sách tài khóa

Theo đánh giá của TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, chính sách tài khóa hỗ trợ trong năm 2021 đã khá phù hợp với nguồn lực Nhà nước và khó khăn thực tế doanh nghiệp gặp phải, qua đó đã thực sự hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, điều này sẽ càng được thể hiện rõ hơn trong năm 2022 và những năm tới.

PV: Trước tác động của đại dịch Covid-19 trong năm 2021, ông đánh giá như thế nào về sự trợ lực của chính sách tài khóa cho các doanh nghiệp?

TS. Tô Hoài Nam

TS. Tô Hoài Nam: Do tác động của dịch Covid-19, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế hơn lúc nào hết, chính sách hỗ trợ càng trở nên quan trọng với cộng đồng doanh nghiệp.

Như chúng ta đều thấy, thời gian qua các chính sách hỗ trợ đã góp phần rất lớn vào khả năng chống chọi và phục hồi của doanh nghiệp. Trong đó Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành hàng loạt chính sách giãn, hoãn thuế, tiền thuê đất, miễn giảm hàng loạt loại thuế, phí, lệ phí... cùng với việc miễn giảm thuế giá trị gia tăng cho một số ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng, miễn tiền chậm nộp đối với các doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ năm 2020… đã giúp doanh nghiệp giảm bớt được nhiều gánh nặng chi phí tài chính trong năm 2020 - 2021.

Theo khảo sát của Hiệp hội, có tới 70% doanh nghiệp đánh giá hài lòng với những chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Những chính sách tài khóa không chỉ hỗ trợ về tài chính mà còn tạo niềm tin, giúp cộng đồng doanh nhân cảm nhận được trách nghiệm cũng như sự quan tâm từ phía Chính phủ và cơ quan Nhà nước.

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Hồng Vân

PV: Dù đã đạt được kết quả tốt, theo ông trong thời gian tới, các chính sách hỗ trợ về tài khóa cần có những cải thiện như thế nào để hiệu quả hơn?

TS. Tô Hoài Nam: Các chính sách tài khóa được đưa ra hiện đã khá phù hợp về liều lượng, thời hạn hỗ trợ khi xét trên 2 phương diện là nguồn lực của Nhà nước cùng những khó khăn thực tế mà doanh nghiệp gặp phải. Nhưng như tôi đã nhiều lần trao đổi, các chính sách hỗ trợ chỉ góp phần vào khả năng phục hồi của doanh nghiệp, vấn đề cốt lõi vẫn nằm ở nội tại doanh nghiệp và khả năng phục hồi của nền kinh tế nói chung. Với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là khối doanh nghiệp siêu nhỏ, số liệu kinh doanh và báo cáo tài chính thường không minh bạch, thậm chí không có, nên rất khó hưởng thụ những hỗ trợ về thuế, phí. Các giải pháp về tạm hoãn, giãn thuế, phí cũng chỉ là tạm thời nên doanh nghiệp phải tính toán kỹ chiến lược kinh doanh nhằm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước.

Hơn nữa, nhiều chương trình hỗ trợ, tại một số cơ quan, địa phương, khoảng cách giữa ban hành chính sách và thực thi chính sách vẫn còn. Vì thế, việc cần làm và phải trở thành “điểm nhấn” cho thời gian tới là phải đẩy nhanh quá trình thực thi chính sách, mở rộng quy mô hơn, bởi trong khó khăn thì mọi hỗ trợ đều quý hơn những lúc bình thường. Các doanh nghiệp mong muốn chính sách hỗ trợ về tài chính cần được triển khai nhanh chóng, đặc biệt là thủ tục hành chính nên xử lý theo hướng cho nợ, tăng cường hậu kiểm để doanh nghiệp quan tâm được thụ hưởng ngay.

Ngoài ra trong thời gian tới, các chính sách hỗ trợ về tài khóa cần xem xét để hỗ trợ cho doanh nghiệp, lĩnh vực, ngành nghề một cách phù hợp; phải quan tâm đến sức hấp thụ của từng ngành, trao cho doanh nghiệp “cần câu”, đừng trao “con cá”; nên chăng kéo dài thời gian của các chính sách hỗ trợ bởi tiến trình phục hồi nền kinh tế sau đại dịch sẽ không nhanh chóng. Hơn nữa, chính sách tài khóa cần hướng đến đẩy mạnh đầu tư công đúng trọng tâm, không dàn trải, đảm bảo tính công bằng để cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng được tham gia như những doanh nghiệp lớn. Nhưng cùng với đó, các doanh nghiệp cũng phải lên phương án chủ động để thích ứng, sản xuất, kinh doanh, tận dụng tốt mọi cơ hội mà nền kinh tế và các cơ quan Nhà nước đưa ra.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, những hỗ trợ từ chính sách tài khóa phần lớn mang tính ngắn hạn, xin ông cho biết việc hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới cần thêm những hành động nào?

TS. Tô Hoài Nam: Nhiều doanh nghiệp hiện đang rất khó khăn về tình hình tài chính, giãn hoãn thuế, miễn giảm phí đúng là giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng tài chính, nhưng họ vẫn còn gánh trên mình chi phí lãi vay, chi phí logistics, chi phí nhân công, nguyên phụ liệu… đều tăng cao. Vì thế, trong hỗ trợ doanh nghiệp, các chính sách cần được phối hợp chặt chẽ với nhau, nhất là sự phối hợp của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ cũng như tăng cường tính dự báo, dự đoán mọi biến động của thị trường.

Hiện Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cùng một số cơ quan đang dự kiến đưa ra gói cấp bù lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn. Đây sẽ là “liều thuốc” hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp nếu được thực hiện khoa học, cẩn trọng. Ngoài ra, để hỗ trợ đúng và trúng, nhanh và mạnh, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ số, tăng cường đối thoại để tiếp thu ý kiến, phản hồi từ doanh nghiệp một cách công bằng, thấu đáo. Thấu hiểu doanh nghiệp thì các chính sách sẽ càng phù hợp hơn. Cùng với đó, việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô, giữ lạm phát ở mức hợp lý, tạo môi trường kinh doanh – đầu tư thuận lợi… sẽ cộng hưởng để doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi, sớm lấy lại nhịp độ kinh doanh trong “bình thường mới”.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tro-luc-cho-doanh-nghiep-tu-chinh-sach-tai-khoa-98248.html