TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh truyền thông điểm đến an toàn để vực dậy ngành du lịch

Chiều 2/6, Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh và Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh và Hiệp Hội Du lịch Việt Nam đã cùng tổ chức tọa đàm 'Phát huy vai trò của truyền thông trong chương trình 'Người Việt Nam đi du lịch Việt' để tìm ra những giải pháp sớm vực dậy ngành du lịch thành phố nói riêng và ngành du lịch Việt Nam nói chung.

Bà Võ Thị Ngọc Thúy, Phó giám đốc Sở du lịch TP Hồ Chí Minh, cho biết trong đợt dịch bệnh vừa qua, Sở đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19.

Bà Võ Thị Ngọc Thúy, Phó giám đốc Sở du lịch TP Hồ Chí Minh, cho biết trong đợt dịch bệnh vừa qua, Sở đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19.

Xóa bỏ tâm lý e ngại dịch bệnh

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp Hội Du lịch Việt Nam, cho biết trong quý 1/2019, Việt Nam đón 24 triệu 900 ngàn khách nội địa. Quý 1/2020, Việt Nam đón 13 triệu khách du lịch nội địa. Nếu Việt Nam có thể đón khách nội địa trở lại bình thường thì cả năm Việt Nam sẽ đón khoảng 31 triệu khách (năm 2019 Việt Nam đón 82 triệu khách). Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp, nhà quản lý vẫn chưa tập trung làm các chương trình thu hút du khách nên khả năng cuối năm 2020, Việt Nam vẫn chỉ đón 13 triệu khách nội địa, bằng con số du khách của quý 1.

“TP Hồ Chí Minh muốn khôi phục ngành du lịch sau dịch bệnh COVID-19, trước mắt cần đẩy mạnh tuyên truyền điểm đến an toàn với các gói kích cầu giảm giá sâu thực chất cho người dân, du khách. Chỉ khi tuyên truyền điểm đến an toàn, người dân mới có thể xóa bỏ tâm lý e ngại khi đi du lịch trong thời điểm này”, ông Nguyễn Hữu Thọ đề xuất.

Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng giám đốc Saigontourist Group, cho biết không chỉ truyền thông du lịch an toàn tới người Việt Nam mà cả người nước ngoài đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh.

Tương tự, ông Võ Anh Tài, Phó Tổng giám đốc Saigontourist Group, cho rằng TP Hồ Chí Minh không chỉ truyền thông điểm đến du lịch TP Hồ Chí Minh an toàn với người Việt Nam mà cả người nước ngoài đang sinh sống tại đây, và đang áp dụng bộ tiêu chí an toàn tại các cơ sở lưu trú, điểm đến, điểm tham quan du lịch để du khách nơi nào đảm bảo an toàn cho du khách đi du lịch an toàn. Trước mắt, giúp du khách không e ngại khi đi du lịch tại TP Hồ Chí Minh, về lâu dài giúp du khách an tâm khi từ TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh thành khác du lịch.

Ngoài ra, ông Võ Anh Tài cũng đề xuất Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cần chủ trì phát động chương trình “Người TP Hồ Chí Minh đi du lịch TP Hồ Chí Minh” trên địa bàn thành phố. Bởi du lịch TP Hồ Chí Minh có sức hút riêng và là thị trường lớn nhất cả nước gửi khách đi du lịch khắp nơi. “Qua nghiên cứu nhiều năm cho thấy, nhiều công nhân, học sinh, người dân chưa biết nhiều về TP Hồ Chí Minh. Vì vậy, việc giới thiệu tham gia các tour tìm hiểu về TP Hồ Chí Minh, người dân đang sinh sống và làm việc tại đây sẽ có cơ hội khám phá những sản phẩm, nét văn hóa đặc trưng của thành phố như ẩm thực, du lịch đường sông, du lịch sinh thái...”, ông Võ Anh Tài nói.

Hỗ trợ 1 triệu khi đi du lịch trọn gói

Liên quan đến giải pháp khôi phục nhanh ngành du lịch bằng kích cầu du lịch, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty Vietravel, cho biết muốn kích cầu du lịch hiệu quả và thu hút thêm nhiều du khách, chúng ta có thể nghiên cứu chính sách hỗ trợ 1 triệu đồng cho du khách khi đăng kí tour. Chương trình này chỉ áp dụng cho du khách đi tour trọn gói của tất cả công ty du lịch (khách mua dịch vụ lẻ không được hưởng). Theo đó, khi khách mua tour sẽ được trừ ngay 1 triệu đồng.

Đại diện công ty Vietravel đề xuất nên hỗ trợ một triệu đồng cho du khách khi đăng kí đi tour trọn gói của công ty.

“Khi chính sách này được áp dụng, từ nay đến cuối năm sẽ có khoảng 10 triệu lượt khách nội địa đi du lịch trong nước và nhà nước chỉ bỏ ra khoảng 10.000 tỉ đồng từ chính sách tặng 1 triệu đồng/du khách đi tour. Nhưng khi mỗi người đi du lịch sẽ chi tiêu ít nhất từ 3-5 triệu đồng, tương đương khoảng 30.000 - 50.000 tỉ đồng được đưa vào nền kinh tế và tạo gói vốn quay vòng nhanh chóng cho ngành du lịch. Chính sách này về lâu dài rất cần thiết để hồi sinh ngành du lịch", ông Nguyễn Quốc Kỳ nói.

Bà Võ Thị Ngọc Thúy, Phó giám đốc Sở du lịch TP Hồ Chí Minh, cho biết trong đợt dịch bệnh vừa qua, Sở đã đồng hành với các doanh nghiệp để vượt qua giai đoạn khó khăn. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Sở đã xây dựng chiến dịch truyền thông “Hello TP Hồ Chí Minh”, tập trung giới thiệu một số sản phẩm mới; tung ra gói kích cầu với sự tham gia của 24 doanh nghiệp với mức giảm 60%, Sở cũng yêu cầu doanh nghiệp khi giảm giá tour nhưng không giảm chất lượng, dịch vụ đi kèm.

Theo bà Võ Thị Ngọc Thúy, mục tiêu sâu xa của chiến dịch này cũng là chiến dịch quảng bá TP Hồ Chí Minh an toàn đến du khách, giải tỏa tâm lý cho du khách khi đi du lịch trong mùa dịch. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp tung ra các gói kích cầu nhưng nếu tâm lý du khách chưa giải tỏa được thì kích cầu du lịch cũng không hiệu quả. Vì vậy, báo chí đóng vai trò mạnh mẽ trong việc thúc đẩy truyền thông các điểm đến du lịch an toàn tới từng đối tượng du khách.

“Ngoài ra, với chiến dịch "Hello TP Hồ Chí Minh", thành phố cũng mong muốn kích cầu du lịch nội địa. Với khoảng 10 triệu dân thành phố, trong đó chỉ cần có 2/3 người dân đi du lịch thì TP Hồ Chí Minh đã đạt được hiệu quả kích cầu trong thời gian tới”, bà Võ Thị Ngọc Thúy chia sẻ.

Ông Trịnh Hồng Quang, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines, cho biết trong cuộc họp giữa hãng với Cục Hàng không Việt Nam mới đây, các đơn vị đã chọn ra một số thị trường: Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức… để từng bước khai thông quốc tế. Do thị trường quốc tế đóng vai trò rất quan trọng với ngành hàng không nên hãng cũng phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành giảm giá kích cầu du lịch với mức giảm giá sâu dành cho du khách đi du lịch.

Bài và ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/du-lich/tp-ho-chi-minh-day-manh-truyen-thong-diem-den-an-toan-de-vuc-day-nganh-du-lich-20200602184513599.htm