TP.Hồ Chí Minh đẩy mạnh phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vấn đề luôn được TP.Hồ Chí Minh quan tâm đầu tư, phát triển. Những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu, phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất góp phần làm cho diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống người dân được nâng cao rõ rệt.

Mô hình trồng hoa lan ứng dụng công nghệ cao ở Bình Chánh - Ảnh: Phạm Cường

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.Hồ Chí Minh, năm 2017, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 19.480 tỷ đồng, trong đó trồng trọt đạt hơn 5.085 tỷ đồng, chăn nuôi đạt hơn 7.054 tỷ đồng, lâm nghiệp đạt 161,3 tỷ đồng, thủy sản đạt 5.748 tỷ đồng, dịch vụ nông nghiệp đạt 1.431 tỷ đồng.

Cơ cấu nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị với giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác đến cuối năm 2017 đạt 450 triệu đồng/ha/năm (tăng 1,6 lần so với năm 2013), giảm diện tích trồng lúa một vụ và diện tích trồng mía hiệu quả thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của Thành phố như: Hoa lan, mai, cây kiểng, bò thịt, cá cảnh, rau an toàn, chim yến

Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, nhiều hình thức tổ chức liên kết sản xuất được hình thành hoạt động ngày càng hiệu quả đã góp phần đưa ngành nông nghiệp thành phố tiếp tục tăng trưởng với tỷ lệ tăng bình quân 5,5%/năm (vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố đề ra tăng bình quân 5%/năm), tiến tới xây dựng nông nghiệp Thành phố hiện đại, bền vững.

Việc chuyển đổi đã tạo sự chuyển biến tích cực trong thu nhập và đời sống của người nông dân, góp phần tham gia phát triển nông nghiệp Thành phố trở thành nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng công nghệ cao, công nghệ sinh học, là trung tâm sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao, an toàn, bảo vệ môi trường, gắn với phát triển du lịch, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường. Hiện nay, cơ bản các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đều có thị trường tiêu thụ.

Thu nhập bình quân của người nông dân khu vực nông thôn trên địa bàn Thành phố hiện đạt trên 49,18 triệu đồng/người/năm, tăng 23,8 % so với năm 2015. Nông dân Thành phố tích cực tham gia các phong trào thi đua, học tập nâng cao trình độ, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, phù hợp nhu cầu của thị trường.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố đã góp phần tích cực nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người nông dân nông thôn, diện mạo nông thôn ngày càng thay đổi. Hạ tầng kinh tế xã hội được đầu tư xây dựng bộ. 100% hộ dân tại các huyện, quận được tiếp cận và sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn quốc gia... Tỷ lệ hộ nghèo trong khu vực nông thôn của Thành phố giảm từ 10,26% năm 2013 xuống 2,58% năm 2017.

Để phát triển nông nghiệp, Thành phố đã có nhiều chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn, trong đó có các chương trình vay vốn ưu đãi. Trong giai đoạn 2011-2017, các quận, huyện đã phê duyệt quyết định cho hơn 22.600 lượt hộ nông dân vay vốn với tổng số vốn lên tới hơn 11.180 tỷ đồng.. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, đã phê duyệt cho 430 hộ, tổng vốn gần 476 tỷ đồng.

Một cơ sở sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP - Ảnh: Phạm Cường

Theo ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.Hồ Chí Minh, qua công tác tuyên truyền các hộ dân, đặc biệt là các hộ nghèo chủ động vay vốn thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô phát triển sản xuất, góp phần phát triển kinh tế gia đình, tạo động lực hỗ trợ các hộ xóa đói giảm nghèo, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo định hướng phát triển của Thành phố, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi chất lượng tốt, sản lượng cao.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố hiện đang phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân Thành phố, UBND các quận, huyện để rà soát, nắm bắt nhu cầu đào tạo nghề của người dân cũng như nhu cầu đào tạo, tuyển dụng của doanh nghiệp.

Theo ông Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP, nhờ công tác phối hợp trong tập huấn, tuyên truyền về chính sách đào tạo nghề, người dân đã dần nhận thức được vai trò của việc học nghề là nhằm nâng cao thu nhập, có việc làm ổn định. Một bộ phận lao động nông thôn sau khi học nghề đã chuyển sang phát triển những mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn. Cụ thể, trong năm 2017 đã có khoảng 4000 lao động nông thôn trên địa bàn Thành phố được học nghề, trong đó gần 92% lao động sau khi học nghề đã có việc làm.

Tuy nhiên, trên thực tế có thể thấy, sự phát triển của nông nghiệp thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng của Thành phố. Nông dân còn sản xuất nhỏ lẻ; sản xuất, chăn nuôi chưa được định hướng theo nhu cầu của thị trường nên làm phát sinh sản phẩm dư thừa; việc liên kết tiêu thụ nông sản chưa ổn định; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất còn hạn chế… gây không ít khó khăn cho sự phát triển của nông nghiệp Thành phố.

Trong thời gian tới, việc áp dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào quá trình sản xuất nông nghiệp là một yêu cầu tất yếu để nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành nông nghiệp trên thị trường. Những mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, việc sử dụng máy móc hiện đại vào sản xuất nông nghiệp cùng với các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn của Trung ương và Thành phố sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nông nghiệp Thành phố tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân.

Thành phố đẩy mạnh phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững trọng tâm là phát triển hoa cây kiểng, rau an toàn, cá cảnh, thủy sản, heo, bò sữa… theo hướng hợp tác, liên kết ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, gắn với phát triển du lịch sinh thái và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, sẽ chú trọng đến việc chuyển đổi mô hình sản xuất cơ sở từ hộ cá thể sang hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; tăng cường hợp tác từ khâu cung ứng vật tư đầu vào đến sản xuất chế biến, tiêu thụ nông sản. Từ đó nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của ngành nông nghiệp, xây dựng các chuỗi liên kết và chuỗi cung ứng trong nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước, nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân./.

VL

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/kinh-te/tp-ho-chi-minh-day-manh-phat-trien-nong-nghiep-do-thi-hien-dai-hieu-qua-ben-vung-495279.html