TP Hồ Chí Minh đảm bảo nguồn cung hàng thiết yếu, hỗ trợ doanh nghiệp trong mùa dịch

Theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, thành phố hiện vẫn đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu và triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất trong mùa dịch bệnh COVID-19.

UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức cuộc họp trực tuyến về tình hình dịch bệnh COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh trong chiều 17/8. Ảnh: TTBC

UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức cuộc họp trực tuyến về tình hình dịch bệnh COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh trong chiều 17/8. Ảnh: TTBC

Chiều 17/8, báo cáo tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 TP Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, cho biết trong tuần qua, Sở tiếp tục phân công theo dõi hoạt động kinh doanh tại các siêu thị, cửa hàng, chợ truyền thống… để đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho người dân, tránh việc găm hàng tăng giá, đặc biệt là mặt hàng khẩu trang, nước sát khuẩn…

Qua theo dõi, mãi lực ở chợ truyền thống tương đối ổn định nhưng hệ thống phân phối siêu thị đã giảm 10% đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm. Ngoài ra, lượng khách hàng vào siêu thị mua sắm cũng giảm 50%, nguyên nhân do người dân hạn chế tiếp xúc nơi đông người. Tuy nhiên, lượng hàng hóa thiết yếu vẫn cung ứng đầy đủ và khách hàng mua sắm thông qua kênh mua sắm trực tuyến và giao hàng tại nhà của các hệ thống phân phối hiện đại cũng tăng lên đáng kể.

“Hiện nay, để đảm bảo mục tiêu kép “vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế”, Sở cũng thường xuyên phối hợp Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hồ Chí Minh theo dõi tình hình để kết nối hỗ trợ vốn vay cho doanh nghiệp trên địa bàn. Tính đến 31/7, các ngân hàng thương mại thuộc TP Hồ Chí Minh quản lý đã cho 25.000 khách hàng vay vốn để hỗ trợ trong bối cảnh dịch bệnh, với số tiền vay được giải ngân là 300.000 tỷ đồng, trong đó có 714 trường hợp đã được hỗ trợ về cơ cấu nợ vay và cho vay mới theo diện bị tác động của dịch bệnh. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại cũng chủ động giải quyết hỗ trợ cho 240.000 khách hàng của TP Hồ Chí Minh vay vốn theo diện bị tác động của dịch bệnh cần vốn để khôi phục sản xuất”, bà Nguyễn Huỳnh Trang nói.

Các hệ thống phân phối đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho người dân trong mùa dịch bệnh. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Chia sẻ thêm thông tin về nguồn cung hàng hóa tại các hệ thống phân phối, ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Marketing Saigon Co.op, cho biết hiện hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op trên cả nước đã chuẩn bị lượng hàng hóa lớn để đảm bảo lượng cung ứng ra thị trường trong mùa dịch bệnh nên người tiêu dùng không cần lo thiếu hàng hóa, nhất là nhóm hàng thiết yếu. Đồng thời, đơn vị cũng đã phối hợp với hàng trăm nhà cung cấp, đối tác cùng chốt phương án thực hiện giảm giá hàng hóa tới 50% cho nhiều sản phẩm trong tháng 8 này.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho biết việc phòng chống dịch bệnh COVID-19 của thành phố đã đạt kết quả bước đầu, tuy nhiên mục tiêu phục hồi, phát triển kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Cụ thể, theo Cục Thuế báo cho UBND TP Hồ Chí Minh, tính đến 31/7, thành phố có 21.226 doanh nghiệp ngừng kinh doanh và giải thể, dẫn tới số vốn giảm hơn 12.000 tỷ đồng. Điều này kéo theo hàng chục ngàn lao động mất việc và tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng kinh tế của thành phố.

Ngoài ra, trong tất cả các ngành, chịu nặng nề nhất hiện nay là ngành du lịch. Theo đó, những khách sạn trước đây công suất phòng luôn đạt mức 70-80%, đặc biệt khách sạn 4 - 5 sao, nhưng hiện nay chỉ đạt 2 - 3%. Trong khi đó, ngành dịch vụ (trong đó có du lịch) đóng góp 62% tổng giá trị sản phẩm của thành phố. Bởi thế, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã đề nghị các sở, ngành, quận, huyện hết sức quan tâm đến ngành này, đây cũng là thử thách để vượt qua và hoàn thành nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2020.

Ngành dịch vụ du lịch TP Hồ Chí Minh bị tác động nặng nề trong mùa dịch bệnh COVID-19. Ảnh: Nguyễn Hoàng

“Nếu chúng ta chỉ thực hiện với cách làm bình thường thì kinh tế thành phố sẽ sụt giảm tiếp và sẽ ảnh hưởng đến nhiều các chỉ tiêu xã hội khác, cho nên chúng ta phải phấn đấu cao hơn nữa với những giải pháp cụ thể, thích ứng kịp thời với tình huống mới. Theo đó, Chủ tịch UBND các quận, huyện cần ngồi lại xem có bao nhiêu doanh nghiệp trên địa bàn gặp khó khăn để hỗ trợ, giúp đỡ họ; những cái nào thuộc thẩm quyền của quận thì cần chủ động chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp; nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo lên thành phố để cùng giải quyết nhanh cho doanh nghiệp. Bình thường chúng ta đã đồng hành rồi nhưng trong hoàn cảnh hiện nay thì cần hỗ trợ, giúp sức cho doanh ngiệp nhiều hơn để họ hồi phục nhanh hơn trong điều kiện mới”, ông Nguyễn Thành Phong nói.

Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/tp-ho-chi-minh-dam-bao-nguon-cung-hang-thiet-yeu-ho-tro-doanh-nghiep-trong-mua-dich-20200817181715718.htm