TP Hồ Chí Minh: Có nên cho học sinh tiếp tục nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19?

Trước nhiều thông tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19. Tên gọi trước đó là nCoV) diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng, khiến nhiều người không khỏi lo lắng. Nhất là các bậc cha mẹ học sinh, vì sau ngày 16/2 tới đây, các cháu sẽ trở lại trường học.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp

Theo Bộ Y tế, tính đến 8 giờ sáng 13/2, chỉ riêng tại Trung Quốc số ca mắc dịch bệnh Covid-19 là 59.493, có 1.353 người chết, nghi nhiễm 16.067 người, hồi phục xuất viện là 4.740 người, nguy kịch 8.204 người, những người còn được theo dõi y tế là 185.037 người…

Tại TP Hồ Chí Minh, thông tin cập nhật tính đến nay số người đang được cách ly theo dõi tại nhà là 2.100 trường hợp về từ vùng dịch CoVid-19 (Trung Quốc). TP cũng đã và đang tiếp tục đưa vào hoạt động 2 bệnh viện dã chiến tại huyện Củ Chi và huyện Nhà Bè để thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19.

 Thông tin do Bộ Y tế cập nhật thể hiện số ca nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc tính đến 8 giờ sáng ngày 13/2.

Thông tin do Bộ Y tế cập nhật thể hiện số ca nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc tính đến 8 giờ sáng ngày 13/2.

Trước hàng loạt thông tin nêu trên, các bậc cha mẹ có con đang theo học tại các trường (từ cấp Mầm non cho đến bậc THPT), ắt hẳn không ai không lo lắng. Anh Trần Thanh Tùng (SN 1976, ngụ huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh), nói: “Tôi có 2 con nhỏ đang học lớp 3 và lớp 5. Hàng ngày tôi đọc báo để biết thông tin. Chỉ riêng tại quận Bình Tân, có tới 1.024 trường hợp người nước ngoài đang được ngành Y tế theo dõi. Sau khi sàng lọc vẫn còn khoảng 500 trường hợp tiếp tục theo dõi. Lãnh đạo quận Bình Tân cho rằng hiện nay sức khỏe những người này bình thường, chưa phát hiện trường hợp nào dương tính với Covid-19. Nhưng trong thực tế, tại thành phố chúng ta vẫn đang đưa vào sử dụng 2 bệnh viện dã chiến để phòng, chống dịch Covid-19”.

Anh Tùng khẳng định: “Nếu nhà trường có cho học sinh đi học trở lại, tôi cũng để cho các cháu nghỉ. Tôi phải bảo vệ con tôi chứ. Sức đề kháng của trẻ con làm sao bằng người lớn. Trong khi người lớn chúng ta nhiều người còn chưa nắm rõ cách rửa tay như thế nào để đảm bảo vệ sinh, thì con trẻ làm sao biết? Chưa kể mới đây, trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh còn ra thông báo cho các em sinh viên nghỉ học đến hết ngày 23/2. Chẳng lẽ các cháu mẫu giáo, các em học sinh từ cấp 1 đến cấp 3… khỏe hơn các em sinh viên”?

Còn ông Đào Kim Lân (cựu giáo viên, ngụ quận 6, TP Hồ Chí Minh), phân tích: “Với tình hình hiện nay, nhất là thời điểm ủ bệnh và cơ chế lây nhiễm phức tạp, lại kéo dài hơn dự kiến ban đầu (24 ngày thay vì 14 ngày), việc cho các em học sinh tiếp tục nghỉ là điều cần thiết. Đồng thời, nên chuẩn bị việc dời các kỳ thi, lùi theo tiến độ để tránh ảnh hưởng việc học của các em. Bởi lẽ đã có địa phương, cụ thể tỉnh Vĩnh Phúc có gần 40 em học sinh ở huyện Bình Xuyên có biểu hiện sốt, ho, khó thở đã được cách ly, theo dõi y tế.

Riêng tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên đã phát hiện ổ dịch và cơ quan chức năng đã tiến hành cách ly. Tuy nhiên vẫn chưa thống kê được số người ở địa phương này đã rời khỏi nơi ở trước thời điểm cách ly, và họ đã đi đến những nơi nào, tiếp xúc với ai? Có ai dám chắc những người đó chưa đổ về những thành phố lớn (trong đó có TP Hồ Chí Minh) để làm ăn, sinh sống”.

Học sinh nghỉ học dài ngày, ảnh hưởng đến ai?

Chị Phan Thị Hải Ninh (SN 1980, ngụ quận 6, TP Hồ Chí Minh), tâm tư: “Tôi có 2 con. Cháu lớn học lớp 10, cháu nhỏ học mầm non. Sau Tết Nguyên đán, các cháu được nghỉ dài ngày do dịch Covid-19, đối với cháu lớn đỡ phải lo lắng. Riêng cháu nhỏ mình không yên tâm, vì nếu anh nó có chăm cũng không bằng các cô giáo, do đó cũng ảnh hưởng đến công việc. Tuy nhiên, nếu dịch Covid-19, có nguy cơ diễn biến phức tạp thì nên cho nghỉ tiếp là phương án an toàn và tốt nhất”.

Các cháu học sinh phải đeo khẩu trang trong suốt giờ học, liệu có an toàn phòng, chống dịch Covid-19? Ảnh: Học sinh 1 trường TH ở tỉnh Bình Phước đi học trong ngày đầu năm, sau đó được cho nghỉ đến nay.

Chị Nguyễn Thị Hạnh (SN 1981, Giám đốc Doanh nghiệp ngành giáo dục, ngụ quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), nêu quan điểm: “Sở GD&ĐT nên cho các em học sinh tiếp tục nghỉ. Bởi vì 1 em học sinh bị dương tính với Covid-19, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cả gia đình (cha, me, ông, bà…). Một trường học tại TP có ít nhất từ 1.300-1.400 học sinh, các thầy cô không chỉ dạy 1 tiết hay 1 lớp, mà dạy nhiều tiết, nhiều lớp trong một ngày. Nếu trong 1 lớp, có 1 em bị nhiễm Covid-19, thì khả năng 5-6 thầy cô nhiễm theo.

Các thầy cô sau khi dạy xong lớp này, phải sang lớp khác dạy tiếp, lúc đó lại tiếp tục lây theo kiểu F3, rồi lây lan cả trường thì sao? Nếu không ngăn chặn được dịch bệnh, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người dân, đặc biệt là nền kinh tế nước nhà”.

Cũng theo chị Hạnh, nếu nhà nước cho học sinh nghỉ học tiếp, các cháu sẽ ít bị ảnh hưởng. Bởi ảnh hưởng và tổn thất lớn là các doanh nghiệp chuyên về ngành giáo dục. Cụ thể, những doanh nghiệp kinh doanh trong việc dạy ngoại ngữ.

Các doanh nghiệp này thường sử dụng phần lớn giáo viên người nước ngoài, mỗi tháng phải chi trả cho họ từ 3.000-4.000USD. Họ sang Việt Nam chỉ sống bằng thu nhập từ việc dạy ngoại ngữ cho học sinh tại các trung tâm, các trường công lập hoặc tư thục. Do dịch bệnh Covid-19, các bạn giáo viên này phải nghỉ dạy trong một thời gian, nhưng các doanh nghiệp vẫn phải trả lương cho họ hằng tháng, trong khi đó lại hoàn toàn không có doanh thu. Chỉ cần 2-3 tháng không có doanh thu, nhưng vẫn phải trả lương cho nhân viên, doanh nghiệp sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên chúng tôi vẫn phải chấp nhận vì tình hình thực tế, và an toàn chung cho cộng đồng, cho đất nước.

“Theo tôi nên cho học sinh nghỉ học tới khi chúng ta chủ động khống chế được dịch Covid-19. Vì cho các cháu đi học, nếu dịch bệnh lây lan sẽ nguy hiểm gấp trăm lần thiệt hại về kinh tế. Nếu ngành giáo dục không cho học sinh nghỉ, tôi cũng cho các con nghỉ về trang trại để tự học online (môn Toán và Văn). Những môn không có trong chương trình online, tôi sẽ hướng dẫn các con tự học. Tất nhiên việc học online sẽ thuận lợi đối với những phụ huynh có điều kiện, còn những phụ huynh không có điều kiện, làm việc ở các công ty, xí nghiệp… sẽ bị thiệt thòi vì không có người kèm cặp con của mình. Nhưng mình phải chấp nhận vì cái chung”, chị Nguyễn Thị Hạnh, nói.

Theo kênh truyền hình Channel NewAsian (CNA), tính đến 8 giờ 10 phút sáng 13/2, số ca mắc bệnh Covid-19 là 60.014 người, số ca chết là 1.357 (1.355 ở Trung Quốc, 1 ở Phillippines, 1 ở Hong Kong).

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, cho biết đối với số người về từ Trung Quốc (hơn 2.100 người), theo hướng dẫn của Bộ Y tế nếu không đến từ tỉnh Hồ Bắc thì cho cách ly trong khu dân cư, không được đi ra khỏi nhà. Nếu ở khách sạn, không đi ra khỏi khách sạn để y tế địa phương đến chăm sóc y tế, theo dõi giám sát về nhiệt độ, nếu có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm CoVid-19, lập tức đưa vào bệnh viện để điều trị và cách ly tập trung.

TÂN TIẾN

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tp-ho-chi-minh-co-nen-cho-hoc-sinh-tiep-tuc-nghi-de-phong-chong-dich-covid-19-365075.html