TP Hồ Chí Minh: Chuyển đổi số và cập nhật kiến trúc chính quyền điện tử

Ngày 3/7, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 2392/QĐ-UBND cập nhật Kiến trúc Chính quyền điện tử TP và Quyết định số 2393/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình chuyển đổi số của TP.

Kiến trúc Chính quyền điện tử TP Hồ Chí Minh là một kế hoạch tổng thể giúp định hướng triển khai một cách thống nhất và đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước của TP, đáp ứng các mục tiêu chiến lược của TP phát triển thành đô thị thông minh.

 Một góc Trung tâm điều hành giao thông thông minh ở TP Hồ Chí Minh

Một góc Trung tâm điều hành giao thông thông minh ở TP Hồ Chí Minh

Bên cạnh đó, TP cần có các định hướng, giải pháp để chủ động tối ưu hóa các lợi ích từ chuyển đổi số trong mối tương quan với Đề án Xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh và Kiến trúc Chính quyền điện tử TP, đồng thời giảm thiểu các tác động tiêu cực do quá trình chuyển đổi số gây nên, nhất là phù hợp với Chương trình Chuyển đổi số quốc gia.

Thúc đẩy chuyển đổi số tại TP cũng chính là thúc đẩy nhiều việc đang làm và sẽ làm ở mức cao hơn, như Kho dữ liệu dùng chung (hạ tầng dữ liệu) hay Đề án xây dựng đô thị thông minh (hướng đến xã hội số).

Về cập nhật Kiến trúc Chính quyền điện tử TP

Cập nhật Kiến trúc Chính quyền điện tử TP Hồ Chí Minh (được phê duyệt tại Quyết định số 4250/QĐ-UBND ngày 28/9/2018 của UBND TP) nhằm phù hợp với Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 2.0 (được ban hành theo Quyết định số 2323/QĐ-BTTT ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông).

Cập nhật kiến trúc hiện tại với các kết quả triển khai đã thực hiện từ khi Kiến trúc được ban hành đến nay.

Làm rõ sự tương quan và phù hợp của Kiến trúc Chính quyền điện tử với định hướng chuyển đổi số của TP, Đề án Xây dựng TP trở thành đô thị thông minh.

Đảm bảo các chương trình đầu tư công nghệ thông tin đạt được hiệu quả đúng mục tiêu đề ra.

Đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, liên thông của các hệ thống thông tin của TP nhằm theo kịp sự phát triển nhanh chóng của các giải pháp công nghệ mới như công nghệ dữ liệu lớn (Big Data); ảo hóa, điện toán đám mây; xu hướng tăng cường tính di động; Internet vạn vật (Internet of things – IoT).

Xây dựng Kiến trúc Chính quyền điện tử của TP ở mức tổng thể, làm cơ sở để các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện và phường, xã, thị trấn có thể tham chiếu khi phát triển, nâng cấp, kết nối và triển khai các hệ thống thông tin tại đơn vị...

Về Chương trình chuyển đổi số của TP Hồ Chí Minh

Chương trình chuyển đổi số hướng đến mục tiêu năm 2030, TP trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số.

Với tinh thần là đầu tàu kinh tế của cả nước, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, thực hiện tăng trưởng xanh.., Chương trình chuyển đổi số của TP phấn đấu đến năm 2025 có 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phổ biến, liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; Tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; 80% thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính; TP Hồ Chí Minh thuộc nhóm 5 địa phương đứng đầu về chính phủ điện tử.

Và đến năm 2030, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; Tăng 40% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân và doanh nghiệp; giảm 40% thủ tục hành chính; TP Hồ Chí Minh thuộc nhóm 2 địa phương dẫn đầu về chính quyền số, kinh tế số…

Chương trình cũng đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp để hoàn thành mục tiêu. Đặc biệt, tập trung vào đổi mới tư duy và thống nhất nhận thứ về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp TP; Phát triển hạ tầng số (bao gồm hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin, hạ tầng Internet vạn vật, hạ tầng dữ liệu); Phát triển nền tảng số (bao gồm các nền tảng như nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu, nền tảng Internet vạn vật, nền tảng trí tuệ nhân tạo, nền tảng kết nối dịch vụ số hóa, nền tảng chuỗi khối (blockchain), nền tảng định danh điện tử) và Đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.

Tiểu Thúy/Tiêu dùng

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tp-ho-chi-minh-chuyen-doi-so-va-cap-nhat-kien-truc-chinh-quyen-dien-tu-389170.html