TP Hồ Chí Minh chuẩn bị tốt nguồn lực khởi công đường vành đai 3

Dự án đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh có tổng mức đầu tư 75.378 tđồng, đi qua 4 địa phương Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An.

Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 57 về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường Vành đai 3 là quyết sách quan trọng để phát triển hạ tầng giao thông, giúp Thành phố Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thêm một bước hoàn thiện hệ thống giao thông, mở ra không gian mới, động lực phát triển mới, giúp cho thành phố và vùng tiếp tục giữ vai trò đầu tàu kinh tế-xã hội của cả nước.

Đây là nội dung nổi bật được ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra tại Hội nghị Triển khai dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh ngày 15/7.

Theo ông Phan Văn Mãi, ngay sau khi Quốc hội thông qua, Thành phố Hồ Chí Minh họp với các địa phương và thống nhất quy chế phối hợp thực hiện, trong tháng 7/2022, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về triển khai Nghị quyết 57 của Quốc hội. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã thành lập Hội đồng dự án gồm các chuyên gia về kỹ thuật giao thông, kinh tế giao thông, pháp lý... để giúp ban chỉ đạo, ban chỉ huy thực hiện dự án.

"Sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị từ thành phố đến các quận, huyện, phường, xã nơi dự án đi qua cũng rất quan trọng, đặc biệt là trong giải phóng mặt bằng để đảm bảo việc khởi công sớm vào tháng 6/2023. Đây là một áp lực rất lớn, thành phố cần tổ chức hội nghị trong hệ thống chính trị để triển khai đến tận phường, xã nơi có dự án đi qua để cùng nhau phối hợp," Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nói.

Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án, tạo sự đồng thuận của người dân, rút ngắn thời gian thực hiện, đảm bảo bàn giao mặt bằng đúng theo yêu cầu, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh Võ Trung Trực cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất giải pháp thực hiện chủ trương giải quyết tái định cư trước cho hộ dân đủ điều kiện.

Cụ thể như việc bố trí tái định cư cho hộ dân đủ điều kiện sẽ được thực hiện sau khi Ủy ban Nhân dân cấp huyện ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho hộ dân.

Trong trường hợp hộ dân nhận tái định cư bằng nền đất thì phải có thêm 6 tháng (kể từ ngày hộ dân nhận được nền tái định cư) để hộ dân xây dựng nhà ở. Nếu chủ đầu tư cần gấp mặt bằng thì phải chi trả tiền để hộ dân tự thuê nhà ở hoặc bố trí vào các khu tạm cư dẫn đến hộ dân sống tạm bợ, phải di chuyển chỗ ở nhiều lần (di chuyển từ chỗ ở cũ đến nơi tạm cư, di chuyển từ nơi tạm cư đến chỗ ở mới), vừa phát sinh kinh phí, vừa không đảm bảo hộ dân ổn định cuộc sống.

Do đó, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện thí điểm chính sách tái định cư cho Dự án Vành đai 3.

Đối với các trường hợp qua kiểm tra, rà soát, xác nhận pháp lý nhà-đất, Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh xác định là đủ điều kiện được bố trí tái định cư thì khẩn trương tiếp xúc, vận động hộ dân nhận nhà, đất tái định cư.

Tại hội nghị, lãnh đạo thành phố Thủ Đức, Ủy ban Nhân dân huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi nơi có dự án đi qua cũng cam kết sẽ đảm bảo tiến độ các công việc mà thành phố đã đề ra.

Dự án đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh có tổng mức đầu tư 75.378 tđồng, đi qua 4 địa phương Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Con đường dài 76,34km gồm 8 dự án thành phần, mỗi địa phương thực hiện 2 dự án gồm xây lắp và giải phóng mặt bằng./.

Thu Hương (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/tp-ho-chi-minh-chuan-bi-tot-nguon-luc-khoi-cong-duong-vanh-dai-3/805992.vnp