TP Hồ Chí Minh: Chưa thực chất trong cải cách hành chính

Cải cách hành chính của thành phố chưa đạt hiệu quả cao, tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp còn mang tính hình thức. Đó là nhận định của các đại biểu tại Kỳ họp thứ 7 (kỳ họp bất thường) của HĐND TP HCM khóa IX, khai mạc ngày 15/3.

Chỉ số hài lòng chưa đúng

Kỳ họp thứ 7 của HĐND TP HCM khóa IX tập trung vào chuyên đề cải cách hành chính “Nâng cao sự hài lòng của người dân và tổ chức về dịch vụ hành chính công trên địa bàn thành phố” và triển khai thực hiện Nghị quyết số 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM.

Tại kỳ họp, ông Trần Vĩnh Tuyến – Phó Chủ tịch UBND TP HCM thông tin, sau thời gian cải cách hành chính, thành phố đạt được hiệu quả tích cực. Kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với việc giải quyết thủ tục hành chính năm 2017 đạt trên 80%; giải quyết hồ sơ đúng hạn đạt trên 95%.

Dựa trên chỉ số hài lòng của người dân về cải cách hành chính, Đại biểu Phạm Quốc Bảo băn khoăn, kết quả cải cách hành chính chưa thật đúng. Kết quả hài lòng của người dân thể hiện rõ nếu cải cách thuận lợi, nhanh chóng, ít chi phí.

Không yên tâm với kết quả này, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – Chủ tịch HĐND thành phố bày tỏ lo ngại: “Tỷ lệ hài lòng của người dân trên 80% là mừng nhưng kết quả này còn hình thức vì thủ tục hành chính còn nhũng nhiễu rất nhiều”. Bà Tâm cho rằng, nếu tỷ lệ hài lòng ở mức 80% là thực chất thì hành chính công của thành phố quá tốt. Rõ ràng, có sự cố gắng trong cải cách, trong đánh giá hiệu quả song vẫn còn những đánh giá chưa thực chất.

Để chỉ số hài lòng cải cách hành chính đúng với thực tế, bà Tô Thị Bích Châu góp ý, muốn cải cách hành chính tốt hơn, TP HCM cần phải tuyên chiến với phí không chính thức mà doanh nghiệp hay phàn nàn, kêu ca. Sắp tới nên thực hiện khảo sát xem bao nhiêu doanh nghiệp khi liên hệ làm thủ tục phải chi phí không chính thức. Từ con số đó đánh giá được hiện nay chi phí không chính thức nặng nề thế nào đối với doanh nghiệp, người dân.
Liên quan đến chỉ số này, ông Trần Vĩnh Tuyến thừa nhận, tỷ lệ hài lòng của người dân với cải cách hành chính trên 80% là chưa thật chuẩn, cần phải bàn bạc và xem xét lại. Thời gian qua, UBND thành phố cho sở - ngành, quận – huyện, phường – xã tự làm khảo sát về mức độ hài lòng của người dân, nhưng trên tinh thần là thực chất, không phải đối phó.

Kết quả khảo sát thực chất nhằm thấy sai để sửa chữa, tuy nhiên thành phố chưa hài lòng về kết quả trên. UBND thành phố và Mặt trận Tổ quốc thành phố đang xây dựng kênh đánh giá khách quan, khoa học để có kết quả đúng hơn hiện nay.

Dịch vụ công trực truyến chưa hiệu quả

Bàn về hiệu quả đạt được trong cải cách hành chính, UBND TP HCM cho hay, thời gian qua có 367 cơ quan, đơn vị thực hiện hành chính liên thông, giảm 77 thủ tục liên quan đến đất đai, xây dựng; tăng tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4...

Sở Thông tin Truyền thông thành phố cho hay, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 là 685, trong đó dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là 590 dịch vụ, mức độ 4 là 95 dịch vụ. Khi gia tăng dịch vụ công trực tuyến hồ sơ giải quyết tăng cao.

Báo cáo thẩm tra công tác cải cách hành chính nâng cao hài lòng của người dân và tổ chức về dịch vụ hành chính công trên địa bàn thành phố, Ban Pháp chế HĐND TP HCM nhận định, việc thực hiện một cửa liên thông chỉ mới thực hiện tốt trong phạm vi nội bộ từng sở - ngành, quận - huyện.

Thủ tục một cửa liên thông theo hàng dọc chưa thực hiện kịp thời, thường trễ hạn, dẫn đến kết quả giải quyết thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực mặc dù có cải thiện nhưng chưa tạo được sự đột phá. Tỷ lệ hồ sơ trễ hạn vẫn còn cao trong lĩnh vực đất đai.

Cụ thể, năm 2017, Sở Tài nguyên và Môi trường có 32.108/51.4073 hồ sơ trong lĩnh vực đất đai trễ hạn. Bức xúc nhất, có tình trạng người dân phải đi lại nhiều lần mới giải quyết hồ sơ, thậm chí đến ngày trả hồ sơ lại thông báo bổ sung hồ sơ.
Đáng chú ý, thành phố gia tăng thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 nhưng số lượng người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 chưa cao.

Đại biểu Lê Minh Đức cho rằng: “Rất ít người dân hiểu dịch vụ công trực tuyến, đòi hỏi thời gian vì không phải người dân nào cũng rành về công nghệ thông tin”.

Dựa trên kết quả giao dịch hành chính qua dịch vụ công trực tuyến, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm khẳng định, con số tuyệt đối mà sở - ngành đưa ra khá khả quan, thế nhưng tỷ lệ hồ sơ người dân giải quyết dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4 không nhiều.

“UBND thành phố và các sở cần cập nhập nhiều cấp độ để có giải pháp hợp lý hơn, nâng cao tính tương tác” - bà Tâm yêu cầu.

Thanh Giang

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/do-thi/tp-ho-chi-minh-chua-thuc-chat-trong-cai-cach-hanh-chinh-tintuc397697