TP.Hồ Chí Minh: Cắt giảm nhiều thủ tục hành chính để thu hút đầu tư FDI

Nhằm thu hút và giữ chân nhà đầu tư nước ngoài (FDI) để tạo sự đột phá, xây dựng phát triển TP.HCM nhanh và bền vững, trong thời gian tới TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư. Đặc biệt là cắt giảm, số hóa nhiều thủ tục hành chính liên quan đến các lĩnh vực như thuế, hải quan, đất đai…

Doanh nghiệp FDI trao đổi thông tin hợp tác. Ảnh T.D.

Thu hút đầu tư tăng nhanh

Trong những năm gần đây, TP.HCM luôn khẳng định được vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước với sức hút đầu tư vô cùng lớn. Đặc biệt là về thu hút đầu tư FDI. Chỉ riêng trong năm 2017, đã có 845 dự án được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư đạt 2,37 tỷ USD, 193 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư tăng thêm là 1,02 tỷ USD; 2.357 trường hợp nhà đầu tư FDI thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của DN trong nước, với vốn đăng ký tương đương khoảng 2,22 tỷ USD. Nếu năm 2016 thành phố chỉ thu hút được 3,46 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài, thì năm 2017 là 6,6 tỷ USD, tăng hơn 90%, đây là kết quả rất đáng khích lệ cho phát triển kinh tế thành phố. Với kết quả này, thu hút FDI của TP.HCM từ chỗ chỉ chiếm 13% cả nước năm 2016, đến năm 2017 chiếm 18,4% của cả nước (35,88 tỷ USD). Từ đầu năm đến hết tháng 3 năm 2018, thành phố đã thu hút được 1,37 tỷ USD vốn đầu tư FDI trực tiếp (cả nước là 5,8 tỷ USD).

Có được kết quả trên là nhờ các nỗ lực quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, tích cực đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa, bãi bỏ các thủ tục không cần thiết, công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật và đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin vào quá trình giải quyết thủ tục hành chính của TP.HCM trong 5 năm trở lại đây. Điều này cũng đã được nhà đầu tư FDI đánh giá cao. Ông Kim Heung Soo, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc (Kocham) cho biết, Hàn Quốc hiện có 6.610 dự án, tổng vốn 58,1 tỷ USD tại Việt Nam; trong đó tại thành phố Hồ Chí Minh có 1.200 dự án. Kim ngạch thương mại hai nước dự kiến 100 tỷ USD vào năm 2020, cho thấy tình hình giao thương giữa Việt Nam và Hàn Quốc rất tích cực. Thành quả trên nhờ vào Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong thời gian vừa qua và tác động của hiệu lực Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc.

Cắt giảm thủ tục hành chính thuế, hải quan

Tuy nhiên, theo các nhà đầu tư FDI, TP.HCM cần hoạch định chính sách cởi mở, minh bạch hơn để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Theo đó, hệ thống pháp lý liên quan đến hoạt động đầu tư cần được thống nhất cả về mặt lý thuyết và hiệu quả thực thi. Thêm vào đó, TP.HCM cũng cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, không chỉ là tay nghề của lao động phổ thông mà còn cả năng lực quản lý của nhân sự cấp trung, cấp cao nhằm đáp ứng nhu cầu của các DN nước ngoài đến đầu tư, kinh doanh.

Bà Saranya Skonnarak, Chủ tịch Hiệp hội DN Thái Lan cho rằng, chất lượng nguồn nhân lực không chỉ ảnh hưởng đến khả năng thu hút đầu tư nước ngoài mà còn là yếu tố quyết định sự thành công của đề án xây dựng đô thị thông minh. Theo bà Saranya Skonnarak, trong thu hút đầu tư FDI, lao động TP.HCM nói riêng, Việt Nam nói chung không còn nhiều lợi thế về giá nhân công. Vì vậy, phải có giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng lao động.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết tại hội nghị gặp gỡ các DN FDI diễn ra cuối tuần qua, tính đến nay tỷ lệ chuyển giao công nghệ chưa cao, trong cơ cấu đầu tư thì DN nước ngoài vẫn ưu tiên vào lĩnh vực bất động sản (chiếm 43% tổng vốn đầu tư). Theo đó, trên tinh thần cải thiện môi trường đầu tư, chính quyền thành phố sẽ bảo đảm sự ổn định nhất quán các cơ chế chính sách đã đề ra trong năm 2018 và các năm tiếp theo. Phấn đấu tỉ lệ DN kê khai nộp thuế điện tử đạt 98%, tỉ lệ DN nộp thuế điện tử đạt 90%. Về hải quan, thành phố sẽ giảm 50% thời gian tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ hải quan, giảm 50% thời gian tiếp nhận kiểm tra thực tế hàng hóa. Về đất đai, thành phố cam kết rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục liên quan đến đăng ký quyền sở hữu nhà và tài sản gắn với đất từ 57 ngày xuống còn 14 ngày đối với các tổ chức và DN.

Đặc biệt, thành phố đã thành lập Tổ công tác liên ngành đặc biệt để hỗ trợ, giải quyết các thủ tục đầu tư. Tổ do Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong làm tổ trưởng. Ngay khi có dự án mới đầu tư vào thành phố, Tổ sẽ thường xuyên họp, tháo gỡ ngay những khó khăn DN còn vướng mắc. TP.HCM đang tiến hành rà soát lại từ quy hoạch quỹ đất đến cơ cấu ngành với mong muốn thu hút các dự án công nghệ cao, xây dựng thành phố thông minh. Đến nay, TP.HCM đang có 190 dự án kêu gọi tập trung vào mục tiêu phát triển này. Trong năm 2018, TP.HCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh khởi nghiệp sáng tạo, thành phố sẽ huy động lực lượng tư vấn trong và ngoài nước để thiết kế xây dựng một khu đô thị sáng tạo của thành phố, tích hợp 3 quận là quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức với 12 trường đại học, trên 1.500 giảng viên có trình độ tiến sĩ, 70.000 sinh viên, dân số gần 1 triệu người, làm hạt nhân trong việc triển khai cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…

Thu Dịu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tp-ho-chi-minh-cat-giam-nhieu-thu-tuc-hanh-chinh-de-thu-hut-dau-tu-fdi.aspx