TP Hồ Chí Minh cần tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thực hiện các chương trình đột phá

TP Hồ Chí Minh cần tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thực hiện các chương trình đột phá, tăng năng suất lao động, đảm bảo đời sống người lao động, đảm bảo an sinh xã hội.

Đó là nhận định của các đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh tại kì họp thứ 9 trong phiên thảo luận tổ tại hội trường vào chiều ngày 10/7.

Theo ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quyết định.

Theo báo cáo của Sở Lao động Thương binh và xã hội TP Hồ Chí Minh, hơn 2 năm qua, TP Hồ Chí Minh đã nâng dần tỷ lệ lao động đang làm việc qua đào tạo, từ 72% vào cuối năm 2015 lên hơn 78% trong năm 2017. Đến tháng 3/2018, có khoảng 3,4 triệu lao động (trong hơn 4,4 triệu người đang làm việc) đã qua đào tạo. Đặc biệt, trong các lĩnh vực công nghệ, dịch vụ trình độ cao và các ngành công nghiệp, dịch vụ trọng điểm của TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn cao hơn.

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, TP Hồ Chí Minh luôn xác định, nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quyết định, tăng lợi thế cạnh tranh, đẩy nhanh tốc độ phát triển, hội nhập và thu hút đầu tư. Trong điều kiện hiện nay, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực cần được quan tâm hàng đầu nhằm phát triển lực lượng lao động có kiến thức, nắm bắt khoa học công nghệ, có tay nghề, kỹ năng, đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ cao.

“Hiện nay, việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề trên địa bàn TP Hồ Chí Minh còn không ít hạn chế. Việc hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp bậc trung học chưa hiệu quả. Tâm lý xã hội vẫn còn coi trọng bằng cấp, muốn con em vào bậc đại học nhiều hơn và chưa đánh giá đúng tầm quan trọng, lợi ích của việc học nghề. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng chưa được đầu tư cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu”, ông Tấn cho biết.

Theo ông Lê Minh Tấn, để nâng cao chất lượng đào tạo, từ nay đến năm 2020, TP Hồ Chí Minh sẽ sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường. Xây dựng 12 trường có chất lượng cao, đồng thời giải thể các trường trung cấp, cao đẳng hoạt động không hiệu quả. Việc đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh để đảm bảo chất lượng đào tạo và đầu ra. TP Hồ Chí Minh sẽ gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong việc xác định mục tiêu đào tạo, nhu cầu, yêu cầu về nhân lực; tổ chức cho lao động thực tập, đánh giá kết quả đào tạo để nâng dần sự tương thích giữa đào tạo và sử dụng lao động.

Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban văn hóa xã hội TP Hồ Chí Minh, cho biết người dân rất quan tâm đến vấn đề đào tạo nghề chất lượng cao cho người lao động.

Phát biểu tại nghị trường, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban văn hóa xã hội HĐND TP Hồ Chí Minh, cho biết: Tthông qua các cuộc khảo sát giám sát vừa qua cho thấy, người dân rất quan tâm đến vấn đề đào tạo nghề chất lượng cao cho người lao động. Đa số người dân có nhu cầu đào tạo nghề ngắn hạn để nhanh có việc làm tự nuôi sống bản thân, ổn định cuộc sống. Tỉ lệ lao động qua đào tạo của thành phố cũng đang ngày được nâng cao, số lượng trường đào tạo không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chuẩn, chất lượng cho TP Hồ Chí Minh, chúng ta cần thay đổi cách đào tạo từ nhà trường. Cụ thể các trường cần tiếp tục bám sát nhu cầu doanh nghiệp để phấu đấu đạt 100% sinh viên ra trường có việc làm ngay".

Trong khi đó, theo ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư TP Hồ Chí Minh, muốn đào tạo lao động chất lượng cao cho thành phố cần tập trung đào tạo nguồn lao động gắn với nhu cầu xã hội, có trình độ tương thích với xã hội khi ra trường. Hiện nay, xã hội đang phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ 4.0, vì vậy sinh viên khi ra trường cũng cần phải có hiểu biết về công nghệ để ứng dụng vào hiệu quả trong công việc. Thực tế, ở các nước phát triển cũng đã đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo hướng này.

Nhận định về tầm quan trọng của việc đào tạo con người, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng thế mạnh của TP Hồ Chí Minh, nguồn lực lâu dài của TP Hồ Chí Minh không phải là ngân sách mà chính là con người. Với dân số 10 triệu người, trong đó có 5 triệu lao động - có truyền thống sáng tạo thì TP Hồ Chí Minh có khả năng phát triển hơn nữa. "Vì vậy, TP Hồ Chí Minh cần phát huy 5 triệu người lao động thành 5 triệu người sáng tạo. Sáng tạo không có khấu hao bình thường, càng sáng tạo, giá trị càng gia tăng năng suất cho doanh nghiệp, xã hội; đồng thời góp phần nâng cao đời sống người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội thành phố phát triển bền vững, lâu dài", Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh khẳng định.

Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thoi-su/tp-ho-chi-minh-can-tap-trung-nang-cao-chat-luong-nguon-nhan-luc-de-thuc-hien-cac-chuong-trinh-dot-pha-20180710165842430.htm