TP Hồ Chí Minh: Các ngân hàng phải công khai mức lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp

Từ đầu năm đến nay, dư nợ tín dụng tại TP Hồ Chí Minh vẫn tăng trưởng mạnh. Điều này cho thấy, nhu cầu cần vay vốn của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh... vẫn rất cao.

Ngân hàng kích cầu vay vốn

Tháng 5/2021, thị trường tiền tệ, tín dụng, tỷ giá, lãi suất trong cả nước được duy trì ổn định. Trong đó, tín dụng toàn ngành 5 tháng đầu năm tăng trưởng 4,67%. Riêng tại địa bàn TP Hồ Chí Minh, dù tổng lượng vốn các ngân hàng huy động được đến cuối tháng 5/2021 chỉ tăng 0,74% so với cuối tháng trước, song dư nợ tín dụng đạt trên 2,65 triệu tỷ đồng, tăng 1,02% so với tháng trước và tăng 4,7% so với đầu năm.

NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh yêu cầu các ngân hàng tìm hiểu nhu cầu vốn nhằm đáp ứng kịp thời vốn cho tiêu thụ nông sản, nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn trong tình hình dịch. Ảnh: CTV

NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh yêu cầu các ngân hàng tìm hiểu nhu cầu vốn nhằm đáp ứng kịp thời vốn cho tiêu thụ nông sản, nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn trong tình hình dịch. Ảnh: CTV

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hồ Chi Minh, trong đó dư nợ ngắn hạn ước đạt 1.220.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 46% và tăng 0,9% so với tháng trước, tăng 3,47% so với cuối năm 2020; dư nợ trung, dài hạn ước đạt 1.432.700 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 54% và tăng 1,12% so với tháng trước, tăng 5,77% so với đầu năm. Riêng 4 tháng đầu năm nay, tín dụng trên địa bàn thành phố duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực trong với mức tăng 3,64% và tiếp tục tăng hơn 1% trong tháng 5.

Để có được kết quả này, từ đầu năm đến nay ngành ngân hàng TP Hồ Chí Minh thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh duy trì, ổn định và phục hồi tăng trưởng hoạt động sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhất là đối với 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên: DN nhỏ và vừa; xuất khẩu; lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp hỗ trợ và DN ứng dụng công nghệ cao; cho vay kích cầu đầu tư và cho vay khu công nghiệp, khu chế xuất.

Theo NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh, chỉ tính 4 tháng đầu năm, dư nợ cho vay lĩnh vực sản xuất - kinh doanh vẫn chiếm tỷ trọng cao, hơn 70% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn. Riêng cho vay đối với DN nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng dư nợ cho vay ở 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên; với hơn 60%. Điều này cho thấy, nhu cầu vốn của DN để duy trì, phục hồi và tăng trưởng hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhất là các lĩnh vực xuất, nhập khẩu, dịch vụ và sản xuất công nghiệp trong mùa dịch rất cao.

Với chương trình kết nối ngân hàng - DN, nhiều DN và hộ kinh doanh cũng đã tiếp cận được nguồn vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi. Thống kê mới nhất trong 4 tháng đầu năm, các ngân hàng thương mại đã giải ngân được 98 nghìn tỷ đồng cho 11.224 khách hàng, đáp ứng nhu cầu vốn với lãi suất thấp để DN và hộ kinh doanh duy trì hoạt động.

Cần minh bạch mức lãi suất ưu đãi

Trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục phức tạp và ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy, NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh đã có công văn 1580 về việc triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống và tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch COVID-19.

Theo công văn, NHNN TP Hồ Chí Minh yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, cho vay mới theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN.

Bên cạnh đó, thực hiện cắt giảm tối đa các loại chi phí nhằm tạo nguồn lực tài chính để hỗ trợ khách hàng, người dân, doanh nghiệp. Các ngân hàng căn cứ năng lực, khả năng tài chính của đơn vị mình để tính toán thực hiện giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các biện pháp hỗ trợ khác.

Một điểm được đáng chú ý là các ngân hàng phải công khai công bố mức lãi suất hỗ trợ, các biện pháp, chính sách hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp được biết,

Đồng thời, phải chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, khách hàng trên địa bàn hoạt động của các ngân hàng để tìm hiểu nhu cầu vốn, đáp ứng kịp thời vốn cho tiêu thụ nông sản, nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn; không để xảy ra chậm tiêu thụ nông sản, gián đoạn chuỗi sản xuất, cung ứng do không tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng.

Các ngân hàng cũng phải chủ động rà soát, đánh giá tình hình khó khăn, thiệt hại do dịch COVID-19, trên cơ sở đó có các giải pháp cụ thể để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh…

Ngoài ra, ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết thêm, trong 6 tháng cuối năm, NHNN TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục theo dõi tình hình thực hiện các giải pháp hỗ trợ thiệt hại khó khăn của doanh nghiệp và người dân do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong đó, tiếp tục theo dõi tình hình triển khai thực hiện Thông tư số 03 của các tổ chức tín dụng trên địa bàn.

Hải Yên/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/tp-ho-chi-minh-cac-ngan-hang-phai-cong-khai-muc-lai-suat-uu-dai-cho-doanh-nghiep-20210617163914244.htm