TP HCM yêu cầu đình chỉ hoạt động nhà máy rác gây ô nhiễm

Sáng qua (19/7), tại cuộc họp về kinh tế - xã hội sáu tháng đầu năm, đề cập việc cải tiến công nghệ xử lý rác để giảm ô nhiễm môi trường, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã có chỉ thị về vấn đề nhà máy rác gây ô nhiễm tại TP.

Bãi rác cao như núi của Vietstar tại Củ Chi

Bãi rác cao như núi của Vietstar tại Củ Chi

Ông Phong yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường làm việc với các nhà máy xử lý rác tại TP, buộc sử dụng công nghệ mới, giảm ô nhiễm, nếu không đình chỉ hoạt động. “Cư dân Phú Mỹ Hưng tiếp tục phản ánh về mùi hôi ở Đa Phước, các cán bộ lão thành cũng phản ánh mùi hôi ở các bãi rác huyện Củ Chi... Phải quyết liệt giải quyết vấn đề này”, ông Phong nói.

Được yêu cầu báo cáo, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng cho biết, hiện 3 nhà máy xử lý rác cho thành phố với tổng công suất hơn 8.000 tấn mỗi ngày. Trong đó, Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (Đa Phước) xử lý 5.000 tấn bằng hình thức chôn lấp hợp vệ sinh; Nhà máy Tâm Sinh Nghĩa và VietStar (huyện Củ Chi) xử lý hơn 3.000 tấn bằng cách đốt (không phát điện) và làm phân combot (tỷ lệ tro xỉ loại ra còn tương đối lớn).

TP đặt mục tiêu đến năm 2020 giảm tỷ lệ chôn lấp rác xuống dưới 50%. Hiện Tâm Sinh Nghĩa và VietStar điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư và xin giấy phép xây dựng để hình thành hai nhà máy mới dùng công nghệ đốt phát điện với tổng công suất 6.000 tấn. Dự kiến cuối năm nay khởi công. Còn chủ đầu tư nhà máy xử lý rác Đa Phước cũng cam kết chuyển 2.000 tấn rác mỗi ngày sang hình thức đốt, thu khí ga để giảm ô nhiễm môi trường.

Đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác mới mà TP đã đồng ý chủ trương, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu UBND rút ngắn quy trình đấu thầu để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phấn đấu khởi công trước năm 2020.

Trước đó, PLVN đã liên tiếp có những bài viết phản ánh sự việc đến năm 2020, TP HCM phấn đấu xây dựng thành phố thông minh “xanh, sạch, đẹp”. Nghị quyết 03 ngày 11/6/2017 của HĐND TP HCM nêu rõ, giai đoạn từ 2016 – 2020 không chấp nhận công nghệ chôn lấp chất thải rắn theo phương thức, công nghệ không hợp vệ sinh. Phải biến rác thải thành những sản phẩm tái chế, điện năng hoặc những sản phẩm đáp ứng được các hoạt động của thành phố. Thế nhưng, nếu xét từ thực tế “điểm nóng” ô nhiễm là Nhà máy rác Vietstar tại Củ Chi, thì mục tiêu ấy có lẽ còn rất xa với đạt được. Tại nhà máy rác này, bao nhiêu năm qua TP cứ chỉ đạo, dân kêu cứ kêu, xã huyện kiến nghị cứ kiến nghị, còn doanh nghiệp vẫn điệp khúc “sẽ kiểm tra xử lý”, trả lời sai sự thật với báo chí; và ô nhiễm cứ hoàn ô nhiễm.

Bên ngoài bãi rác của Vietstar, có thể nhìn thấy rõ ràng rác đã cao như những ngọn núi. Bãi rác không tường bao ngăn mùi hôi. Hàng cây trồng lưa thưa ở hàng rào có lẽ để ngăn bãi rác với bên ngoài đều chết khô.

Bất chấp thực tế không thể chối cãi trên, bất chấp việc PV đã nhiều lần thực địa hiện trường, trong một văn bản trả lời PLVN, VietStar tự cho rằng “không gây ô nhiễm, không gây mùi”. “Về nước thải, hoạt động của công ty phát sinh khoảng 1.200m3/ngày - đêm nước thải và được xử lý tại hệ thống xử lý nước thải có công suất 2.000m3/ngày - đêm trước khi thải ra kênh 17. Về khí, bụi được thu gom xử lý trước khi thải ra môi trường… Mùi hôi phát sinh từ các công đoạn tiếp nhận, phân loại rác thải và ủ phân compost. Công ty đã lắp hệ thống phun, xịt chế phẩm khử mùi tự động. Sử dụng xe máy cày lưu thông phun xịt khuôn viên nhà máy và khu dân cư xung quanh”.

VietStar cho rằng: “Về ruồi muỗi, công ty đã sử dụng 12 người trực 24/7 để khử mùi, kiểm soát côn trùng. Sử dụng những loại thuốc kiểm soát côn trùng đạt chất lượng để ngăn bùng phát về muỗi, ruồi”.

Thực tế cho thấy Vietstar trả lời sai sự thật với PLVN và địa phương cũng xác nhận chuyện này. Mới đây nhất, trong cuộc họp giữa VietStar với UBND xã Thái Mỹ ngày 4/3/2019, bà Lê Ngọc Thanh Tuyền (Phó Chủ tịch UBND xã) nêu rõ: “Qua phản ánh của bà con nhân dân trên địa bàn xã Thái Mỹ, nhất là người dân các ấp Mỹ Khánh A, Mỹ Khánh B, Bình Thượng 1, Bình Thượng 2, hiện mùi hôi phát sinh tại khu vực bãi rác VietStar gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt hằng ngày của người dân xung quanh công ty, có nguồn nước ứ đọng nhiều bao quanh công ty. Từ nguyên nhân trên UBND xã yêu cầu VietStar có biện pháp xử lý, khắc phục hạn chế mùi hôi, không để mùi hôi từ rác gây ảnh hưởng đến đời sống người dân trên địa bàn xã. Đề nghị công ty tăng cường công tác phun xịt thuốc khử mùi và diệt ruồi, đồng thời có biện pháp che đậy, phủ bạt rác lộ thiên”.

Ngày 7/3/2019, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Củ Chi tổ chức cuộc họp về những phản ánh của dân với tình trạng ô nhiễm, Phó Chủ tịch xã tiếp tục nêu: “Hiện VietStar có hai đống chất thải trơ tuy có che chắn bạt phủ nhưng chưa triệt để, hiện tượng chất trơ quá nhiều, tồn đọng tại nhà máy, đơn vị cần có giải pháp xử lý hay chuyển về bãi chôn lấp số 3”. Biên bản cho thấy chưa rõ khối lượng chất trơ đang lưu chứa bao nhiêu và khẳng định có “tình trạng tồn đọng nước đen phát sinh mùi hôi tại cống thoát nước”.

Tại cuộc họp hôm qua, một trong những nội dung quan trọng khác được đưa ra mổ xẻ tại cuộc họp là Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) do Tập đoàn Trung Nam làm chủ đầu tư.

Đây là siêu dự án có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỉ đồng, được kỳ vọng khi đi vào vận hành sẽ giúp giảm tình trạng ngập tại nhiều khu vực xung yếu của TP HCM. Dự án được chia làm 7 hạng mục quan trọng gồm 6 cống kiểm soát triều siêu lớn và 7 km đê kè cùng các cống nhỏ bảo vệ những khu vực xung yếu. Dự án này, trước đó, có khoảng thời gian dài bị “đắp chiếu” do nhiều vướng mắc và mới chỉ khởi động lại từ sau Tết Nguyên Đán 2019.

Theo UBND TP HCM, tính đến ngày 31/5/2019, dự án đã thi công đạt 75% khối lượng tương ứng (theo báo cáo của chủ đầu tư).

Theo dự kiến, siêu dự án này sẽ hoàn thành vào tháng 6/2019. Tuy nhiên đến nay, dự án vẫn chưa thể đưa vào vận hành. Lý do là bởi vướng mặt bằng thi công và vấn đề đền bù, tái định cư cho người dân sau khi giải phóng mặt bằng tại nơi có dự án đi qua.

Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết, liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, những người dân hiện đang sống trong khu vực có dự án muốn được chuyển đi nhưng họ đang chờ bồi thường, hỗ trợ để đi. Phần lớn người dân sống trên kênh rạch nên không đủ điều kiện để tái định cư, chỉ được bồi thường ít, hoặc chỉ được hỗ trợ. Tuy vậy, theo ông Hoan, quan điểm của lãnh đạo TP là tất cả người dân trong khu vực dự án phải được tái định cư dù nhiều người không đủ điều kiện.

“TP sẽ vận dụng tối đa các hỗ trợ để người dân đủ tiền mua đất, trước hết phải làm sao cho người dân có miếng đất cắm dùi”, ông Hoan khẳng định.

Ông Hoan cũng cho biết, đến cuối năm 2019 dự án cơ bản hoàn thành. Và chậm nhất đến tháng 6/2020, dự án sẽ chính thức đi vào hoạt động.

Theo Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong, đây là dự án lớn, rất quan trọng và được người dân quan tâm. Qua đó, ông Phong yêu cầu các đơn vị liên quan, bằng mọi cách đẩy nhanh tiến độ, để sớm hoàn thành dự án này.

B.Chánh – M.Trường - Hoàng Quý

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/moi-truong/tp-hcm-yeu-cau-dinh-chi-hoat-dong-nha-may-rac-gay-o-nhiem-462330.html