TP.HCM: Xe buýt vẫn 'hét giá' quảng cáo sau 4 lần thất bại

Xe buýt tại TP.HCM đang tiếp tục tổ chức đấu giá quảng cáo lần thứ 5 sau nhiều lần thất bại. Nhiều chuyên gia nhận định, nếu mức giá đưa ra vẫn quá cao như hiện nay thì mục tiêu giảm gánh nặng ngân sách cho xe buýt vẫn bế tắc.

Mới đây, trung tâm Quản lý giao thông công cộng (sở Giao thông Vận tải TP.HCM) đã tiến hành ký hợp đồng đấu giá cho thuê quảng cáo trên xe buýt với trung tâm Đấu giá TP (sở Tư pháp TP.HCM). Đây là lần tổ chức đấu giá quảng cáo thứ 5 sau nhiều lần thất bại trước đó. Trung tâm đã nghiên cứu và đưa ra nhiều phương án để tiếp cận các nhà đầu tư, các hãng tham gia vào thị trường quảng cáo này.

Trong đợt đấu thầu quảng cáo trên xe buýt lần năm này, các gói quảng cáo sẽ chia nhỏ thành 71 gói đấu giá trên cơ sở 72 tuyến xe buýt có trợ giá với tổng số phương tiện là 1.152 xe. Giá trị từng gói có thời gian thực hiện hợp đồng cũng linh hoạt hơn như 6 tháng, 1 năm, 2 năm và 3 năm.

Ông Lê Hà Ân, Phó Giám đốc trung tâm Giao thông công cộng cho biết, dự kiến giá trị gói thầu lần này thấp nhất là khoảng 550 triệu đồng/tuyến/năm, cao nhất là 5 tỷ đồng/tuyến/năm.

Sau 4 lần thất bại, xe buýt TP.HCM vẫn kiên trì mời quảng cáo với mức giá "trên trời".

Sau 4 lần thất bại, xe buýt TP.HCM vẫn kiên trì mời quảng cáo với mức giá "trên trời".

Lãnh đạo trung tâm Quản lý giao thông công cộng cho hay phiên đấu giá lần này đã đưa ra nhiều phương án mới, các gói quảng cáo được chia nhỏ hơn, tiệm cận với nhu cầu của các nhà đầu tư theo đúng xu hướng của thị trường. Nếu đấu giá thành công sẽ giúp TP.HCM thu về 63 tỷ đồng cho hợp đồng 6 tháng, 126 tỷ đồng cho hợp đồng 1 năm, 252 tỷ đồng cho hợp đồng 2 năm và 378 tỷ đồng cho hợp đồng 3 năm.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp và chuyên gia vẫn cho rằng, mức giá ban đầu mà trung tâm Giao thông công cộng đưa ra vẫn cao hơn thị trường nên không có nhiều sức hút.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Trần Hùng, Chủ tịch hiệp hội Quảng cáo Việt Nam nói: “Nguyên nhân quảng cáo trên xe buýt tại TP.HCM không thu hút các doanh nghiệp là do giá đấu thầu quá cao. Chính vì thế, các tỉnh, thành khác trên cả nước đều tiến hành cho thuê quảng cáo trên xe buýt thành công, duy chỉ có TP.HCM là chậm hơn”.

Đại diện hiệp hội Quảng cáo Việt Nam nhận định, để thu hút các doanh nghiệp tham gia quảng cáo thì ngành giao thông cần giao quyền quyết định lựa chọn đối tác quảng cáo cho các doanh nghiệp vận tải, hợp tác xã xe buýt… Đồng thời, TP.HCM cần xem xét lại giá khởi điểm đấu thầu quảng cáo cho phù hợp, tránh tình trạng bỏ không gây lãng phí cho nguồn ngân sách Nhà nước.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tp-hcm-xe-buyt-van-het-gia-quang-cao-sau-4-lan-that-bai-a436008.html