TP.HCM: Xác định 12 sản phẩm nông nghiệp và làng nghề chủ lực

Phát triển 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực là định hướng của nền nông nghiệp đô thị TP.HCM. Mỗi huyện, mỗi xã vùng nông thôn phải đẩy mạnh thương hiệu sản phẩm nông nghiệp mang đậm nét vùng miền và sản xuất theo đúng chuẩn quy trình VietGAP.

UBND TP.HCM vừa phê duyệt Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn vùng nông thôn TP.HCM đến năm 2020.

Làng nhang xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh. Ảnh: TL.

Làng nhang xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh. Ảnh: TL.

Theo đó, TP sẽ phát triển 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực đã được xác định và lựa chọn bao gồm: rau, hoa cây cảnh, bò sữa, heo, tôm nước lợ, cá cảnh.

Phát triển 6 sản phẩm thuộc 6 làng nghề truyền thống bao gồm: làng nghề đan đát Thái Mỹ, làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông, làng nghề mành trúc Tân Thông Hội (huyện Củ Chi), làng nghề đan giỏ trạc Xuân Thới Sơn (huyện Hóc Môn), làng nghề se nhang Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh), làng nghề muối Lý Nhơn (huyện Cần Giờ).

Phát triển 3 sản phẩm ngành nghề nông thôn đặc trưng của huyện ngoại thành bao gồm: khô cá dứa Cần Giờ, khô cá sặc Củ Chi, tổ yến Cần Giờ; và phát triển 1 sản phẩm nông nghiệp mang đậm nét vùng miền của huyện Cần Giờ là sản phẩm xoài (Long Hòa - Cần Giờ).

Xoài Long Hòa, sẽ là thương hiệu đặc trưng của huyện Cần Giờ. Ảnh: N.Vỹ

Theo định hướng, TP sẽ mở rộng diện tích sản xuất theo quy trình sản xuất VietGAP; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị; khuyến khích hộ dân sản xuất tham gia liên kết doanh nghiệp, tham gia và trở thành thành viên của hợp tác xã nông nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đối với hợp tác xã; xúc tiến thương mại, cải tiến mẫu mã bao bì sản phẩm; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm...

Cá dứa Cần Giờ một sản phẩm được ưa chuộng tại TP.HCM. Ảnh: N.Vỹ

Ngoài ra, TP cũng sẽ thực hiện xã hội hóa xây dựng và đưa vào hoạt động 2 điểm giới thiệu và bán sản phẩm đặc trưng của địa phương (Củ Chi, Cần Giờ) gắn với các tuyến du lịch hiện có; có cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và các sản phẩm làng nghề, ngành nghề nông thôn đặc trưng được lựa chọn tham gia chương trình.

Trước đó, Sở NN&PTNT thành phố cũng đã phê duyệt và ban hành Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 – 2020 và định hướng đến năm 2025 đã nêu rõ nhưng nội dung và định hướng của việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại thành phố.

Cây cảnh của làng hoa quận Thủ Đức, một trong những thương hiệu được chú trọng phát triển. Ảnh: N.Vỹ.

Đó là tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, trở thành trung tâm sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, chuyển giao các tiến bộ về giống và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học để tạo nhiều giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và giá trị cao.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, mặc dù diện tích đất nông nghiệp hàng năm có giảm nhưng giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp vẫn tăng. Nếu như năm 2014 là 325 triệu đồng/ha/năm thì đến nay đạt gần 500 triệu đồng/ha/năm, và phấn đấu chỉ tiêu 800 triệu đồng/ha những năm tới.

“Đạt được điều này là nhờ việc ứng dụng công nghệ cao ngày càng mạnh và sâu" - Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2019.

Hồ Văn

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/tphcm-xac-dinh-12-san-pham-nong-nghiep-va-lang-nghe-chu-luc-954413.html