TP.HCM tổn thất khoảng 200 tỉ đồng vì ngập

Đó là ước tính được đại diện Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM đưa ra tại Hội thảo 'Tìm giải pháp chống ngập ở TP.HCM' do Báo Tiền Phong tổ chức sáng nay 5.12.

Các nhà khoa học ước tính ngập nước khiến TP.HCM tổn thất khoảng 200 tỉ đồng - Ảnh: Ngọc Dương

Khoảng 3 triệu dân bị ảnh hưởng, tổn thất 200 tỉ đồng

[FLYCAM] Sài Gòn từ trên cao trong trận ngập lịch sử vì bão số 9 ngày 26.11.2018

Trình bày tham luận tại Hội thảo, ông Lê Văn Thành từ Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM nhận định ngập nước là 1 trong 4 căn bệnh cố hữu của tất cả các siêu đô thị trên thế giới, không phải chỉ của riêng TP.HCM. Dân số đông, tốc độ phát triển quá nhanh, cơ sở hạ tầng không theo kịp là hai nguyên nhân chính. Tuy nhiên, tình hình ngập của TP.HCM nghiêm trọng hơn các quốc gia khác là do sự tác động của nhiều yếu tố cộng thêm như: triều cường, địa hình thấp, nền đất bị sụt lún, việc đô thị hóa, bê tông hóa san lấp kênh rạch, chặn luồng thoát nước. Bên cạnh đó, hệ thống cống thoát nước nhỏ cộng với nhận thức chưa cao của người dân khiến tình trạng ngập lụt ngày càng diễn biến phức tạp.

Theo ông Thành, hiện TP.HCM đang tập trung tìm mọi giải pháp để chống ngập nhưng có một việc rất quan trọng là tính toán thiệt hại do ngập nước gây ra lại chưa được chú ý. Các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Phát triển TP ước tính ngập nước gây ảnh hưởng đến khoảng 3 triệu dân, phân bố chủ yếu tại địa bàn các quận: Tân Phú, Bình Tân, Bình Chánh, Thủ Đức, quận 2, quận 12, Gò Vấp, huyện Nhà Bè..., gây tổn thất xã hội nghiêm trọng. Trong đó, tổn thất hữu hình là cơ sở hạ tầng hư hỏng, bao gồm cả hạ tầng ngầm. Tổn thất vô hình còn nặng nề hơn: nhà cửa dân hư hỏng, tai nạn giao thông, công ăn việc làm đình trệ, ô nhiễm môi trường...

Ngập nước gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân thành phố - Ảnh: Ngọc Dương

"Lấy ví dụ trận ngập lịch sử sau cơn báo số 9 vừa qua, tính toán dựa trên lượng mưa, phạm vi, thời gian ngập nước... tính chung các ngày ngập trong năm, ước tính TP.HCM tổn thất khoảng hơn 200 tỉ đồng do ngập nước. Trong đó, riêng việc di chuyển, đi lại chậm, tắc, tai nạn gây thất thu tới 100 tỉ đồng, còn lại đến từ thất thu kinh doanh dịch vụ thương mại, sản xuất, bệnh tật..." - ông Lê Văn Thành thông tin.

[VIDEO] Người Sài Gòn nhớ đời với trận ngập thâu đêm suốt sáng vì bão số 9 ngày 26.11.2018

Cần nhiều giải pháp đan xen

Nhìn lại 20 năm vất vả chống ngập, dù đã tìm đủ phương án, đổ rất nhiều tiền vào hàng loạt dự án chống ngập nhưng tình trạng ngập lụt tại TP.HCM không giảm mà ngày càng nghiêm trọng.

Kỹ sư Nguyễn Trọng Dần (hội viên Hội Khoa học Kỹ thuật Máy thủy khí Việt Nam) cho rằng tất cả các giải pháp TP.HCM đang áp dụng đều có tác dụng nhất định nhưng chưa đủ, chưa triệt để, chưa có sự phối hợp tổng thể.

Ông Dần phân tích: Có nhiều ý kiến cho rằng muốn chống ngập, TP phải nâng cốt nền đường giao thông, trên cơ sở đó sẽ làm tăng độ dốc thoát nước. Tuy nhiên thực chất việc nâng đường không làm tăng độ dốc thoát nước cho khu vực mà còn gây ra các hệ lụy xấu khác như: tạo sự phân cách các khu vực trũng thấp, ngăn cản việc tiêu thoát úng bởi các con đường mới tôn cao, khu dân sinh sẽ ngập nặng hơn. Đường cao hơn nhà, phá vỡ quy hoạch mặt bằng giao thông, thương mại hiện hành, dẫn tới hậu quả sau này khó khắc phục như đã xảy ra tại đường Kinh Dương Vương, Nguyễn Văn Quá. Đây không thể là cách giải quyết chống ngập đúng nghĩa.

TP.HCM càng chống càng ngập - Ảnh: Ngọc Dương

[VIDEO] Bão số 9 đổ bộ, đường phố TP.HCM khắp nơi ngập thành sông vào tối 25.11.2018

Cũng có giải pháp hữu ích khác như tạo các hồ điều hòa bằng công nghệ cross wave (như đã thực hiện thí điểm). Song với các hồ điều hòa có dung tích khiêm tốn chỉ vài trăm m3 sẽ không có nhiều ý nghĩa. Hầm điều hòa và hồ điều hòa có tác dụng tốt chỉ khi chúng sở hữu dung tích chứa đủ lớn cỡ vài chục đến vài trăm nghìn m3 .

"Để giải quyết chống ngập cho TP.HCM cần một quy hoạch hoàn chỉnh có tính đến các điều kiện tự nhiên và khả năng đầu tư kinh tế kỹ thuật của Việt Nam. Thực hiện nhiều giải pháp đan xen bổ khuyết lẫn nhau, trong đó có cả việc sử dụng thiết bị bơm chống ngập cục bộ. Bên cạnh đó, cần sự chung sức của nhiều ban ngành, sự nhiệt tâm của nhiều nhà chuyên môn và doanh nghiệp trong lĩnh vực thoát nước đô thị" - ông Dần nêu quan điểm.

Hà Mai

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/tphcm-ton-that-khoang-200-ti-dong-vi-ngap-1030235.html